Tập trung nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra
Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật Thanh tra (sửa đổi), các ĐBQH TP Hà Nội kỳ vọng dự án luật sẽ tạo bước ngoặt quan trọng, góp phần tiếp tục đổi mới hoạt động thanh tra ở Việt Nam.
Xử lý vụ việc tham nhũng qua hoạt động thanh tra
Góp ý về dự thảo Luật Thanh tra (Sửa đổi), ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà cho rằng: điểm p khoản 1 Điều 78 dự thảo luật quy định "Người ra quyết định thanh tra có nhiệm vụ, quyền hạn chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm" còn có một số hạn chế. Trước hết, điều này không thống nhất với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Phòng, chống tham nhũng vì cả hai văn bản luật này đều quy định phải chuyển ngay các tài liệu, đồ vật hoặc chuyển ngay hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra. Cả 2 văn bản luật này đều quy định việc chuyển ngay tài liệu, đồ vật, hồ sơ sang cơ quan điều tra là trách nhiệm chứ không phải là nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra.
Ngoài ra, điều này cũng không bảo đảm thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng về phòng, chống tội phạm nói chung và các tội phạm tham nhũng nói riêng. Đó là, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, kịp thời áp dụng các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên tài sản, đất đai, phong tỏa tài khoản, cũng không bảo đảm thực hiện nguyên tắc xử lý tội phạm trong Bộ luật Hình sự, mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật và nhiệm vụ của Bộ luật Tố tụng hình sự là xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm.
ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà cũng cho rằng, điểm p khoản 1 Điều 78 dự thảo không thể hiện thái độ kiên quyết, mạnh mẽ của Quốc hội và mệnh lệnh rõ ràng, dứt khoát của Nhân dân đối với trách nhiệm của cơ quan thanh tra trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, cũng như xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra.
Mặt khác, nội dung trên không bảo đảm đầy đủ cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là các tội phạm về tham nhũng hiện nay, cũng không khắc phục có hiệu quả được tình trạng tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, tuy hàng năm đều tăng nhưng vẫn còn thấp hơn nhiều do với số tài sản bị chiếm đoạt... Với những hạn chế nêu trên, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ "trách nhiệm" vào sau cụm từ "quyền hạn" trong mục 5, Điều 78 và mũ của khoản 1, Điều 78 dự thảo luật. Đồng thời, phải bổ sung từ "phải" và từ "ngay" vào điểm p, khoản 1, Điều 78 thành "phải chuyển ngay các tài liệu, đồ vật, hồ sơ vụ việc vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra".
Bên cạnh đó, tại khoản 1, Điều 89 quy định: "Người ra quyết định thanh tra, ra quyết định thu hồi tài sản khi đối tượng thanh tra có hành vi chiếm đoạt, sử dụng trái pháp luật tài sản". Theo đại biểu, quy định này còn để sót, lọt hành vi chiếm giữ trái phép tài sản. Vì theo quy định của Bộ luật Hình sự ngoài hành vi chiếm đoạt, sử dụng trái phép tài sản, còn hành vi chiếm giữ trái phép tài sản. Do đó, đề nghị bổ sung cụm từ "chiếm giữ" vào sau cụm từ "chiếm đoạt" trong khoản 1, Điều 89 của dự thảo.
Làm rõ một số nội dung liên quan đến thanh tra chuyên ngành
Phát biểu góp ý cho dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Tuấn Thịnh bày tỏ đồng tình và thống nhất cao với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi). Góp ý cụ thể về nội dung liên quan đến thanh tra chuyên ngành của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đại biểu nêu rõ, Luật Bảo hiểm xã hội đã quy định về thanh tra chuyên ngành về thanh tra bảo hiểm xã hội ở Điều 13. Theo đó, quy định thanh tra lao động thương binh và xã hội thực hiện thanh tra chuyên ngành về thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về thanh tra; thanh tra tài chính thực hiện thanh tra chuyên ngành về quản lý tài chính bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về thanh tra; cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế theo quy định của luật này và các pháp luật có liên quan.
Bên cạnh đó, thực tế việc thực hiện thanh tra chuyên ngành của các cơ quan bảo hiểm xã hội đã được tổ chức và hoạt động ở cả cấp trung ương và cấp địa phương đã phát huy hiệu quả. Vì vậy, trong trường hợp đưa phạm vi về thanh tra chuyên ngành của cơ quan bảo hiểm xã hội vào phạm vi điều chỉnh của Luật Thanh tra (sửa đổi) lần này thì cần phải cân nhắc, nếu quy định phải đảm bảo cụ thể rõ ràng, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan này.
Riêng đối với nội dung thành lập các cơ quan thanh tra tại cục thuộc tổng cục đối với hệ thống các cơ quan quản lý thuế, đại biểu cho rằng Luật Quản lý thuế cũng quy định nhiều nội dung ở các điều khoản khác nhau, ví dụ như quy định về chức năng quản lý thuế thì bao gồm kiểm tra thuế, thanh tra thuế quy định tại Điều 4.
Tại Điều 114 cũng quy định là thủ trưởng các cơ quan quản lý thuế có thẩm quyền ra quyết định thanh tra thuế và trên thực tế tại Hà Nội thì Cục Thuế Hà Nội có 25 chi cục trên 30 quận, huyện, thị xã và có tổng số công chức là trên 3.000 người. Trong đó, 1/3 công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra. Nếu quy định như dự thảo (không tổ chức thanh tra ở chi cục), thì sẽ phải rà soát để sắp xếp lại tổ chức bộ máy của cơ quan thuế. Bởi thực tế, như tại Hà Nội hiện nay, lực lượng làm công tác thanh tra bố trí ở cả cục và chi cục. "Tôi cho rằng nếu quy định như vậy thì phải hoàn thiện quy định của dự thảo luật để đảm bảo duy trì tổ chức và hoạt động của thanh tra ở cả cấp cục và cấp chi cục thuế để phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý thuế", ĐBQH Nguyễn Tuấn Thịnh nhấn mạnh.