Tập trung nguồn lực để cải thiện hạ tầng giao thông Thủ đô

Năm 2020, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã xây dựng chương trình công tác trọng tâm ngay từ đầu năm nhằm cụ thể hóa và phân công, tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác trên tinh thần 5 rõ 'rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, và rõ hiệu quả', một việc – một đầu mối xuyên suốt.

Cầu vượt Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt mới được xây dựng, đưa vào sử dụng trong năm 2020. (Ảnh: DUY LINH)

Cầu vượt Nguyễn Văn Huyên - Hoàng Quốc Việt mới được xây dựng, đưa vào sử dụng trong năm 2020. (Ảnh: DUY LINH)

Năm 2020, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã xây dựng chương trình công tác trọng tâm ngay từ đầu năm nhằm cụ thể hóa và phân công, tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác trên tinh thần 5 rõ “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, và rõ hiệu quả”, một việc – một đầu mối xuyên suốt.

Sở đã chủ động, tích cực chỉ đạo triển khai toàn diện 618 nhiệm vụ được Bộ GTVT, thành phố Hà Nội giao và đã hoàn thành 609 nhiệm vụ. Đối với công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch và quản lý Nhà nước về đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải: Nhiều công trình đã được đưa vào khai thác, sử dụng như: Cầu vượt Nguyễn Văn Huyên; vành đai 3 đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long dưới thấp, trên cao; đường vành đai 2 trên cao đoạn Ngã tư Sở - Ngã tư Vọng... góp phần nâng cao năng lực giao thông, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn Thủ đô. Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông/diện tích đất xây dựng đô thị được nâng cao, đạt 10,07% (năm 2019 là 9,75%).

Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp đầu tư hạ tầng giao thông, Sở đã xử lý tám điểm trong số 34 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm; xử lý xong 25 điểm đen giao thông. Năm 2021 tiếp tục rà soát, có phương án xử lý 10 điểm ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh các điểm ùn tắc giao thông mới.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, đối với công tác tiếp nhận tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông, thành phố đã chủ động, tích cực triển khai thực hiện các công việc thuộc phạm vi, thẩm quyền; thực hiện dự án cải tạo hạ tầng phục vụ kết nối hạ tầng giao thông, hạ tầng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2A Cát Linh - Hà Đông bằng nguồn ngân sách thành phố gồm: cải tạo hạ tầng phục vụ kết nối hạ tầng giao thông, hạ tầng xe buýt với tuyến đường sắt đô thị 2A Cát Linh - Hà Đông; Cải tạo, sửa chữa tuyến đường Nguyễn Trãi, Quang Trung; Cải tạo, sửa chữa và xén dải phân cách mở rộng mặt đường phố Yên Lãng - Hoàng Cầu... Xây dựng và triển khai từng bước phương án kết nối tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2A Cát Linh - Hà Đông với mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn để phát huy hiệu quả khi đưa vào khai thác vận hành.

Tại buổi làm việc với Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội về kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Sở năm 2020; định hướng nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã đánh giá cao những kết quả ngành Giao thông vận tải Hà Nội đạt được thời gian qua.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ yêu cầu, Sở GTVT nghiên cứu, tham mưu cho Thành ủy ban hành một Nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực quan trọng này. Ban Cán sự Đảng UBND thành phố cần rà soát, điều chỉnh lại chức năng nhiệm vụ của một số sở, ngành, trong đó có Sở GTVT để phù hợp với quy định của T.Ư và khắc phục được những tồn tại nảy sinh trong quá trình điều hành.

Đối với một số nội dung cụ thể, đồng chí yêu cầu, Sở GTVT rà soát, nghiên cứu hoàn thiện điều chỉnh lại quy hoạch giao thông đến năm 2030, tầm nhìn 2045 bao gồm tất cả các loại hình giao thông, trên quan điểm phát triển đồng đều tất cả các địa phương trên địa bàn Thủ đô và tỉnh, thành phố lân cận. Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư các dự án mới mang tính động lực.

Bí thư Thành ủy cũng đề nghị, Sở GTVT chọn những công việc cần làm ngay để người dân nhìn thấy rõ sự thay đổi trong cải thiện điều kiện đi lại, giảm ùn tắc giao thông, xử lý nghiêm những sai phạm. Bên cạnh đó cần phát triển theo hướng đa phương thức, ứng dụng khoa học công nghệ, kinh tế chia sẻ; tăng cường sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức người tham gia giao thông.

QUỐC TOẢN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tranghanoi-tin-chung/tap-trung-nguon-luc-de-cai-thien-ha-tang-giao-thong-thu-do-629083/