Tập trung nguồn lực để giảm nghèo
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Điện Biên quyết tâm thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới. Theo đó, thời gian qua, các địa phương đã xây dựng kế hoạch cụ thể; lồng ghép, sử dụng linh hoạt, hiệu quả các nguồn vốn, tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện hóa mục tiêu giảm nghèo. Qua đó, mức sống người dân ngày càng được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm.
Tăng cường đầu tư hạ tầng
Hệ thống hạ tầng trên địa bàn chưa được đầu tư đồng bộ, là rào cản trong công tác giảm nghèo của tỉnh. Chính vì vậy, thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã chú trọng sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng.
Hàng năm, tỉnh Điện Biên bố trí và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn như: Vốn đầu tư công; ngân sách địa phương; vốn các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG); ODA… để thực hiện đầu tư hàng trăm dự án giao thông, thủy lợi, trường học, y tế, nhà ở nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng. Năm 2023, vốn Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững đã giải ngân hơn 388,36 tỷ đồng (bao gồm vốn năm 2023 và vốn kéo dài từ năm 2022 sang 2023) để đầu tư phát triển các công trình hạ tầng, phục vụ công tác giảm nghèo.
Năm 2023, huyện Mường Chà triển khai 10 dự án đầu tư phát triển thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững, gồm: 3 công trình giao thông và 7 công trình dân dụng.
Dự án Nâng cấp đường giao thông xã Huổi Lèng - Sá Tổng dài 8,43km. Điểm đầu công trình tại bản Ma Lù Thàng, xã Huổi Lèng - điểm cuối tuyến là bản Phi 2, xã Sá Tổng. Dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2023. Người dân 2 bản Ma Lù Thàng và Phi 2 rất phấn khởi khi dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuyến đường nhỏ hẹp, mưa lầy nắng bụi đã được mở rộng, nâng cấp bê tông xi măng kiên cố. Tuyến đường giúp kết nối giao thông trong khu vực, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, phát triển sản xuất, thúc đẩy giao thương hàng hóa, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn 2 xã.
Ông Trang A Lử, Chủ tịch UBND huyện Mường Chà cho biết: Hạ tầng phải đi trước một bước là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển kinh tế, thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững. Chính vì vậy, khi các dự án đầu tư phát triển trên địa bàn huyện được ghi vốn, UBND huyện chỉ đạo quyết liệt các đơn vị chuyên môn tập trung đôn đốc các nhà thầu thi công huy động tối đa nguồn lực để thi công, tăng tỷ lệ giải ngân vốn và sớm hoàn thành dự án. Các công trình đưa vào sử dụng sớm ngày nào, người dân được hưởng lợi sớm ngày đó, qua đó thúc đẩy phát triển sản xuất, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trong đó có giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đầu tư hạ tầng công ích, xóa nhà tạm, dột nát cho người nghèo là chủ trương lớn của tỉnh Điện Biên. Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hơn 5.000 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh được hưởng niềm vui đón tết trong ngôi nhà mới khang trang. Đó là thành quả của Đề án vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động ngày 25/4/2023. Đề án hoàn thành sau 9 tháng triển khai thực hiện với 1.818 nhà xây, 1.894 nhà gỗ truyền thống, 1.288 nhà khung sắt.
Nhân rộng các mô hình giảm nghèo
Song song với đầu tư hạ tầng, các huyện, thị xã, thành phố đã tập trung nguồn lực triển khai thực hiện và nhân rộng các mô hình sinh kế theo hướng liên kết. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả để giảm nghèo nhanh, bền vững.
Tùy vào điều kiện thực tế, các địa phương lựa chọn triển khai mô hình sản xuất phù hợp. Điển hình như: Mô hình trồng bí xanh ở Nậm Pồ, Mường Chà; mô hình trồng lê ở Điện Biên Đông; trồng cây ăn quả ở Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng... Giai đoạn 2019 - 2023, toàn tỉnh đã triển khai thực hiện 79 dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản tại 9/10 huyện, thị xã, thành phố.
Năm 2020, huyện Điện Biên Đông triển khai mô hình sản xuất liên kết trồng cây lê vàng tại bản Háng Lìa B (xã Háng Lìa), với quy mô 1,5ha. Đến nay, mô hình đã cho thu hoạch, năng suất đạt cao, toàn bộ sản phẩm được bao tiêu, hiệu quả kinh tế cao gấp 5 - 6 lần canh tác lúa nương.
Ông Vàng A Dia, Chủ tịch UBND xã Háng Lìa cho biết: “Mô hình xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân. Thông qua mô hình, người dân được chuyển giao về kỹ thuật, từng bước thay đổi nhận thức chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng thu nhập, tăng hiệu quả kinh tế góp phần xóa đói giảm nghèo”.
Tương tự, giai đoạn 2019 - 2023, huyện Mường Chà đã và đang hỗ trợ người dân triển khai nhiều mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Điển hình như, mô hình khoai tây trái vụ, bí đao, trồng cây quế; mô hình hoa hồng Pháp; trồng cây dược liệu...
Năm 2022, xã Mường Mươn triển khai thực hiện dự án trồng bí xanh tại bản Púng Giắt 1, Púng Giắt 2 với 2,6ha, 10 hộ dân tham gia.
Ông Quàng A Lềnh, bản Púng Giắt 2 cho biết: “Trước đây trồng lúa 1 vụ năng suất, chất lượng đều rất kém. Chuyển sang trồng bí xanh thì hiệu quả thu nhập gấp nhiều lần. Bí mỗi năm thu 2 vụ, mỗi vụ cắt 10 lượt quả. Mô hình thu hơn 100 tấn quả/vụ, giá bán 5.000 - 10.000 đồng/kg tùy thời điểm, đầu mùa còn được giá cao hơn. Toàn bộ sản phẩm được Hợp tác xã Nam Dương (thị trấn Mường Chà) kết nối bao tiêu đầu ra.”
Với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, công tác giảm nghèo bền vững tỉnh Điện Biên đã đạt nhiều thành tựu. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 26%, giảm 5.412 hộ nghèo (4,32%). Quý I/2024, ước tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 25,6%.