Tập trung nguồn lực để thực hiện dự án trọng điểm

Thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình), tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đều thống nhất với việc: Quốc hội phải có Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình. Đây tiếp tục là tin vui đối với hơn 1,4 triệu đồng bào DTTS trên cả nước.

Ưu tiên dự án cấp thiết, đột phá
Phiên thảo luận tại tổ, với tinh thần thẳng thắn và trách nhiệm, 78 đại biểu Quốc hội đã có ý kiến góp ý cho Chương trình. Tiếp đó, trong phiên họp toàn thể tại hội trường Quốc hội, đã có thêm 25 ý kiến phát biểu, tập trung vào việc yêu cầu Chính phủ đầu tư trọng tâm, trọng điểm để đồng bào giảm nghèo nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước.

Nhiều ý kiến được đề xuất với mong muốn tạo sự đột phá cho đồng bào vùng DTTS và miền núi

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (tỉnh Nghệ An) băn khoăn: “Theo dự toán của Chính phủ báo cáo thì tổng ngân sách cần cho giai đoạn 2021 - 2025 là 114.970 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 104.954 tỷ đồng, còn ngân sách địa phương là 10.016 tỷ đồng. Việc bố trí ngân sách trung ương để đảm bảo thực hiện chính sách này đã khó thì việc địa phương đối ứng để đảm bảo kinh phí thực hiện lại càng khó khăn hơn vì đa số các tỉnh được thụ hưởng chính sách này đều là tỉnh nghèo, hiện đang hưởng trợ cấp từ ngân sách trung ương”. Từ thực tế này, nhiều đại biểu đề xuất: Cần bổ sung chính sách thu hút sự tham gia của cộng đồng xã hội, của doanh nghiệp. Đồng thời, có sự cam kết của địa phương, đảm bảo bố trí đủ nguồn vốn thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, để tránh tình trạng chính sách ban hành nhưng không thực hiện được vì không đủ nguồn lực, các đại biểu thống nhất cho rằng: Cần xây dựng lộ trình giai đoạn và hàng năm, đặc biệt là xác định những việc làm rất cụ thể theo hướng chọn một số dự án trọng tâm, trọng điểm, những dự án mang tính cấp thiết, đột phá và có tính dẫn dắt để làm trước, thay vì thực hiện cùng một lúc 10 dự án như trong dự thảo chương trình. Cụ thể như, ưu tiên đầu tư, thực hiện các dự án liên quan đến: giáo dục, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, sắp xếp ổn định dân cư, tạo sinh kế cho đồng bào.
“Qua rà soát, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, có 6/10 dự án thành phần có nội dung đã và đang được thực hiện ở 2 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm trong quản lý, phân bổ nguồn lực để bảo đảm không chồng chéo, trùng lắp giữa các chương trình” – Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (tỉnh Lai Châu) nêu ý kiến.

Thận trọng để tránh trùng lắp
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến cam kết tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội, đồng thời giải trình thêm với Quốc hội về vấn đề phân định vùng DTTS và miền núi để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào địa bàn đặc biệt khó khăn và nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Cụ thể, theo Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến, đến nay 51 tỉnh đã phân định sơ bộ, tập hợp kết quả để làm căn cứ xây dựng báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Dự kiến quý III năm 2020, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành quyết định tiêu chí. Khi lập báo cáo khả thi sẽ có danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng DTTS và miền núi, các xã, thôn đặc biệt khó khăn để thực hiện chương trình.
Về mối quan hệ của Chương trình với mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới và Chương trình Giảm nghèo bền vững, UBDT sẽ phối hợp với 2 cơ quan chủ trì nghiên cứu một cách thận trọng, báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để trình với Quốc hội; tránh sự chồng chéo, trùng lắp giữa các nguồn lực và nội dung thực hiện.
Với nhóm ý kiến về rà soát, tích hợp chính sách và phân chia các dự án thành phần, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến khẳng định, hiện có 118 văn bản chính sách, trong đó có 54 chính sách dân tộc, nhưng kết quả rà soát đến năm 2020, các chính sách này hầu hết không còn hiệu lực. Đối với các chính sách còn phù hợp, cơ bản đã được tích hợp trong Chương trình này và phân định thành 10 dự án đúng như 10 dự án đã xác định trong Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội. Tiếp thu ý kiến các đại biểu, khi lập báo cáo khả thi, UBDT sẽ báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cơ cấu lại nguồn vốn của các dự án hợp lý hơn trong tổng nguồn lực này.

Tú Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tap-trung-nguon-luc-de-thuc-hien-du-an-trong-diem-139474.html