Tập trung nguồn lực hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế
Các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh duy trì các phong trào thi đua, xây dựng thêm các mô hình hoạt động thiết thực, hiệu quả. Từ đó, thu hút, tập hợp hội viên, phụ nữ thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.
Nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả
Năm 2023, 100% Hội LHPN các huyện, Thành phố, đơn vị triển khai phong trào thi đua với 4 tiêu chí (có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội) gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội. Thực hiện 2.103 cuộc tuyên truyền cho 113.533 lượt người tham gia; thành lập mới 54 mô hình làm theo Bác tại chi hội, nâng tổng số 802 chi hội thực hiện mô hình với 38.304 người tham gia; đảm bảo 100% cán bộ chuyên trách, chi hội trưởng đăng ký 1 phần việc làm theo Bác. Cán bộ, hội viên làm theo Bác bằng việc duy trì lối sống tiết kiệm, tham gia phong trào trồng cây, các hoạt động bảo vệ môi trường, nâng cao kiến thức, trau dồi đạo đức, rèn luyện sức khỏe.
Với phương châm “Nơi nào có phụ nữ, nơi đó có hoạt động Hội”, các cấp Hội Phụ nữ chú trọng xây dựng, triển khai các mô hình mới thiết thực, thu hút đông đảo phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội theo sở thích, lứa tuổi, nghề nghiệp. Đến nay, 161/161 cơ sở hội duy trì hoạt động có hiệu quả 1.043 mô hình văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao (riêng năm 2023 thành lập mới 170 mô hình); 327 công trình, phần việc được cơ sở hội đăng ký thực hiện, góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Các cấp Hội hỗ trợ, giúp đỡ 977 gia đình hội viên, phụ nữ đạt các tiêu chí “5 không, 3 sạch” bền vững; các hình thức thực hiện mô hình “5 không, 3 sạch” được duy trì và hoạt động có hiệu quả tại 199 chi hội, qua đó, vận động hội viên, phụ nữ và nhân dân ra quân 2.710 cuộc/128.562 lượt người tham gia vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nạo vét mương thủy lợi, trồng cây xanh, chăm sóc các tuyến đường hoa, cắm biển tuyến đường tự quản... 275 chi hội duy trì hoạt động có hiệu quả mô hình thu gom rác thải tái chế.
Hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế
Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nông Thị Tuyết cho biết: Trên cơ sở định hướng của Hội LHPN tỉnh, các cấp Hội chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giúp chị em vươn lên thoát nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Chủ động lồng ghép với nhiệm vụ công tác Hội và phong trào phụ nữ để triển khai các hoạt động Đề án 939 của Chính phủ về “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”. Truyền thông, hướng dẫn phụ nữ 41 cuộc/2.255 lượt người tham gia có ý tưởng khởi nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh, sản xuất. Trong đó, Hội LHPN tỉnh tổ chức 1 lớp tập huấn hướng dẫn lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh và viết đề xuất ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho 40 hội viên; truyền thông 12 cuộc/735 người tham gia. Toàn tỉnh có 13 đề xuất dự án ý tưởng khởi nghiệp tham gia Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp phát huy tài năng bản địa năm 2023, 6 bài đạt yêu cầu gửi dự thi cấp Trung ương Hội; trên 200 sản phẩm của chị em phụ nữ được giới thiệu, quảng bá trong ngày hội “Trưng bày, giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ” tại Phố đi bộ Kim Đồng (Thành phố).
Các mô hình phát triển kinh tế, tổ hợp tác kinh tế tại địa phương tiếp tục được vận hành và duy trì có hiệu quả, vận động hội viên tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); các mô hình mới được giúp đỡ, hỗ trợ để ra mắt và thực hiện. Tiêu biểu như Hội LHPN huyện Hòa An thành lập, hỗ trợ 34 triệu đồng cho 12 mô hình phát triển kinh tế; Hội LHPN Thành phố ra mắt 1 mô hình phụ nữ liên kết trồng nấm tại xã Vĩnh Quang, trao kinh phí nguồn vốn vay 60 triệu đồng...
Duy trì và nâng cao chất lượng 485 cơ sở tổ, nhóm thực hiện mô hình liên kết sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, phát triển kinh tế, 8 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ. Phối hợp mở 113 lớp tập huấn, dạy nghề, kỹ thuật trồng, chăm sóc cây nông nghiệp, chăn nuôi và phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm cho 5.549 lượt hội viên. 161/161 xã, phường, thị trấn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tập huấn hướng dẫn quản lý tài chính, quản lý nguồn vốn nhận ủy thác, thực hiện tiết kiệm. Đến hết ngày 30/11/2023, tổng dự nợ ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội 1.268 tỷ 594 triệu đồng, thông qua 630 tổ tiết kiệm và vay vốn với 19.189 thành viên; ủy thác với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 23 tỷ 976 triệu đồng với 53 tổ tiết kiệm/468 hộ vay vốn; Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển với 420 nhóm và 2.890 khách hàng vay vốn, thời hạn vay từ 1 - 3 năm hoạt động tại nhiều địa bàn.
Hội đẩy mạnh hoạt động giúp phụ nữ thoát nghèo đa chiều có địa chỉ và hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức, cách làm hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế và đặc thù sản xuất của địa phương. Năm 2023, các cấp Hội giúp 20.558 ngày công lao động, cho vay 728,5 triệu đồng không tính lãi; cho mượn đất canh tác, giúp lương thực, thực phẩm, con giống, cây giống, phân bón..., qua đó, giúp 205/161 chị thoát nghèo, 212/161 chị thoát cận nghèo theo tiêu chí đa chiều.