Tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả do bão gây ra

Khi đổ bộ vào đất liền nước ta, bão số 3 vẫn duy trì sức gió mạnh nhất cấp 13-14, giật cấp 16-17 đã gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương mà nó đi qua. Ít nhất có 5 người thiệt mạng, 186 người bị thương tính đến 8 giờ sáng ngày 8/9.

Cây cối đổ rạp do gió bão. Ảnh: Nguyễn Như

Cây cối đổ rạp do gió bão. Ảnh: Nguyễn Như

Theo Cục Quản lý Đê điều và phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan dần trên khu vực Tây Bắc Bộ song bão vẫn còn tiếp tục gây mưa lớn cho các tỉnh Bắc Bộ. Đặc biệt, trên vùng ven biển vẫn còn sóng to, gió lớn nên cần tiếp tục duy trì nghiêm lệnh cấm biển và tập trung mọi nguồn lực khắc phục hậu quả do bão gây ra.

Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề

Bão số 3 (tên quốc tế là Yagi) là cơn bão rất đặc biệt. Bão hình thành phía Đông của Philippines nhưng mạnh lên thành siêu bão trên biển Đông và là cơn bão mạnh nhất trên biển Đông trong vòng 30 năm qua. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17; khi đổ bộ vào đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió mạnh nhất cấp 13-14, giật cấp 16-17.

Bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hóa (26 tỉnh, thành phố); bão gây mưa lớn cho khu vực Bắc Bộ, nhất là khu vực miền núi phía bắc đã bị tổn thương rất nặng nề do các đợt mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất dồn dập trong tháng 7-8/2024.

Cục Quản lý Đê điều và phòng chống thiên tai cho biết, do sóng to, gió lớn và mất điện, mất liên lạc nên các địa phương chưa thống kê chính xác được con số thiệt hại.

Trước mắt, thống kê sơ bộ cho thấy, bão số 3 đã làm 5 người chết (Quảng Ninh 3, Hải Phòng 1, Hải Dương 1); 185 người bị thương (Quảng Ninh 157, Hải Phòng 13, Hải Dương 5, Hà Nội 10). 25 tàu xi măng và gỗ loại nhỏ bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh. Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hà Nội bị mất điện, mất liên lạc trên diện rộng.

Do thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh đã làm 3.279 nhà ở bị hư hỏng; 401 cột điện bị gãy, đổ; nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông bị gãy, đổ; cây xanh đô thị bị bật gốc, gãy, đổ la liệt trên các tuyến đường tại các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội...

Thống kê sơ bộ, bão số 3 làm 90.513 ha lúa và hoa màu bị ngập, hư hại (tập trung tại Thái Bình: 18.000 ha; Hải Phòng: 6.750ha; Hải Dương 11.200ha; Hà Nội: 6.218ha; Nam Định: 2.800ha; Hưng Yên: 11.923 ha; Hà Nam: 7.418ha, Bắc Ninh: 8.977ha...

Mưa bão cũng làm 5.027ha cây ăn quả bị hư hại (tập trung tại Hải Phòng: 1.000ha; Thái Bình: 1.385ha, Hưng Yên 1.818ha,...); trên 1.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi (chủ yếu ở Quảng Ninh).

Liên quan đến tình hình thiên tai, vào khoảng 0 giờ 5 phút ngày 8/9, tại xóm Chầm, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình xảy ra vụ sạt lở đất vào 1 hộ gia đình làm 4 người chết, 1 người bị thương.

Các lực lượng chức năng và người dân Hà Nội phối hợp thu dọn cây xanh gẫy đổ do bão số 3 để đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến phố. Ảnh: Bình An

Các lực lượng chức năng và người dân Hà Nội phối hợp thu dọn cây xanh gẫy đổ do bão số 3 để đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến phố. Ảnh: Bình An

Vẫn có tình trạng người dân chủ quan

Đánh giá về công tác ứng phó với bão số 3, theo Cục Quản lý Đê điều và phòng chống thiên tai, bên cạnh những kết quả nổi bật trong công tác triển khai ứng phó với bão, thiệt hại do bão gây ra vẫn còn rất lớn, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Theo đó, mặc dù đã sớm nắm bắt diễn biến của bão và chỉ đạo từ sớm, từ xa từ khi bão hình thành phía Đông của Philippines và các địa phương đã vào cuộc sớm, quyết liệt và chủ động trong thông tin cảnh báo đến người dân về diễn biến của bão, cũng như công tác chuẩn bị ứng phó để giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, đây là cơn bão rất mạnh, đổ bộ với thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh nên thiệt hại vẫn còn rất lớn nhất là tài sản.

Một số chủ tàu và các thuyền viên chưa tuân thủ hướng dẫn, kêu gọi của chính quyền và cơ quan chức năng phải lên bờ khi bão đổ bộ, dẫn đến bị mất tích, không liên lạc được khi neo tàu bị đứt, trôi dạt.

Mặc dù chính quyền khuyến cáo người dân không lưu thông trên đường khi bão đổ bộ nhưng vẫn có tình trạng người dân lưu thông dẫn đến thiệt hại đáng tiếc do cây đổ. Chưa thực hiện nghiêm túc việc cắt tỉa cành cây, chằng chống nhà cửa, công sở, kho tàng, biển báo, biển quảng cáo,.. dẫn đến bị tốc mái, gãy, đổ rất nhiều.

Tập trung tìm kiếm cứu hộ tàu thuyền bị đứt neo

Theo Cục Quản lý Đê điều và phòng chống thiên tai, hiện nay bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tan dần trên khu vực phía Tây Bắc Bộ, song hoàn lưu của bão còn tiếp tục gây mưa lớn đến hết ngày 9/9 cho các tỉnh Bắc Bộ, nhất là khu vực Tây Bắc với lượng mưa phổ biến từ 100-200mm, cục bộ có nơi đến 350mm.

Để sớm ổn định đời sống nhân dân, khôi phục sản xuất, đồng thời triển khai ứng phó với mưa lớn sau bão, các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Ban Chỉ đạo tiền phương.

Đối với vùng đồng bằng, ven biển, do vẫn còn sóng to, gió lớn nên tiếp tục duy trì nghiêm lệnh cấm biển; kiên quyết không để người dân quay trở lại trên tàu cá, các lồng, bè, chòi canh khi chưa đảm bảo an toàn.

Triển khai tất cả các biện pháp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các tàu thuyền bị đứt neo trôi dạt và người còn mất tích trên biển; tổ chức thăm hỏi, động viên và thực hiện các chính sách đối với các gia đình có người bị thiệt mạng, bị thương.

Tập trung nguồn lực khắc phục hậu quả do bão gây ra; đảm bảo cung cấp, hỗ trợ đủ lương thực, thực phẩm, nước sạch, tuyệt đối không để người dân bị đói, rét; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, dọn dẹp vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.

Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh thu dọn cây xanh bị gãy, đổ. Ảnh: CTV

Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ninh thu dọn cây xanh bị gãy, đổ. Ảnh: CTV

Ưu tiên nguồn lực được hỗ trợ sửa chữa trường học, bệnh viện; hỗ trợ, dọn dẹp, vệ sinh trường, lớp để đưa học sinh trở lại lớp học. Dọn dẹp, xử lý môi trường đảm bảo ngăn chặn để không phát sinh dịch bệnh sau bão.

Tập trung vận hành các trạm bơm và hệ thống công trình thủy lợi để tiêu úng cứu diện tích lúa và hoa màu bị ngập; chuẩn bị sẵn sàng nguồn giống để khôi phục sản xuất ngay sau bão.

Tập trung vận hành tiêu úng cho các khu vực đô thị, khu công nghiệp và vùng trũng thấp. Tập trung khắc phục ngay sự cố hệ thống lưới điện, thông tin,... để sớm cung cấp điện phục vụ tiêu úng và sinh hoạt của người dân.

Đối với khu vực miền núi phía Bắc, cần triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; bố trí lực lượng, chuẩn bị vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố thông tuyến giao thông.

Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ chứa xung yếu, đã đầy nước; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.

Tăng cường công tác thông tin, truyền thông để người dân chủ động nắm bắt, động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại. Duy trì lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tap-trung-nguon-luc-khac-phuc-hau-qua-do-bao-gay-ra-post480526.html