Tập trung nguồn lực khôi phục và thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, toàn diện, bền vững

Ngày 6/12, đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng ký ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị năm 2022.

Đầu tư hạ tầng giao thông là một trong những giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng

Đầu tư hạ tầng giao thông là một trong những giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng

Theo Tỉnh ủy Lâm Đồng, năm 2022 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI. Dự báo tình hình thế giới, trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 còn kéo dài, gây nhiều hệ lụy cho đời sống xã hội. Tỉnh ủy xác định chủ đề năm 2022 là: “Phát huy cao độ tinh thần đổi mới, kỷ cương, trách nhiệm, nêu gương, dám nghĩ, dám làm, biến thách thức thành cơ hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI”.

Mục tiêu của Nghị quyết là thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tập trung nguồn lực khôi phục và thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh, toàn diện, bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, ẩy mạnh thu hút đầu tư, thu hút nhà đầu tư lớn, đủ năng lực; triển khai các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm; đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị - nông thôn. Đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với phát triển khoa học, công nghệ, đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Chú trọng các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân. Quản lý chặt chẽ quy hoạch, đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường. Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự vững vàng về chính trị, tư tưởng; thống nhất về ý chí và hành động; trong sạch về đạo đức, lối sống; chặt chẽ về tổ chức, gắn bó mật thiết với nhân dân; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái, ‘‘tự diễn biến’’, ‘‘tự chuyển hóa’’.

Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, gắn với tinh giản biên chế; nâng cao tinh thần trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Về chỉ tiêu kinh tế - xã hội, Nghị quyết đưa ra các chỉ tiêu cụ thể, như: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP - theo giá so sánh 2010) tăng từ 6 - 7%; trong đó: Khu vực nông lâm thủy tăng 4,9 - 5,3%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 8,1 - 9,1%; khu vực dịch vụ tăng 6,0 - 7,5%.

Cơ cấu kinh tế: Ngành nông lâm thủy chiếm 39,4 - 39,8%, ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 20,4 - 20,6%, ngành dịch vụ chiếm 39,6 - 40,2% ; GRDP bình quân đầu người khoảng 71,5 - 73,0 triệu đồng; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội từ 6 - 7%; tổng mức đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 35 - 36% GRDP; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 11.000 tỷ đồng; trong đó thu thuế, phí, lệ phí là 6.300 tỷ đồng.

Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 815 triệu USD, tăng 17,0% so với năm 2021; tổng lượng khách du lịch qua đăng ký lưu trú 5.000 nghìn lượt; trong đó, khách quốc tế 150 nghìn lượt khách; tỷ lệ lao động qua đào tạo 74%; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp bằng, chứng chỉ chiếm 21,8%; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 55%. Có thêm 2 xã đạt 19/19 tiêu chí về nông thôn mới; có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, ó thêm 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới…

Về chỉ tiêu xây dựng Đảng, hệ thống chính trị: 100% các cấp ủy, tổ chức đảng tổ chức học tập, quán triệt đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XIII, trong đó có từ 95% đến 98% cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên tham gia học tập; phấn đấu có 20%, cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng có mô hình mới, cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ ở cơ quan, địa phương, đơn vị.

100% cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng sinh hoạt đúng định kỳ; sinh hoạt chuyên đề từ 4 kỳ/năm trở lên và 75% tổ chức đảng nâng cao chất lượng sinh hoạt theo quy định. Phấn đấu tỷ lệ đảng viên tham gia sinh hoạt chi bộ ở thôn, tổ dân phố duy trì trên 70%; duy trì tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt mức hoàn thành tốt nhiệm vụ từ 70% trở lên, chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở từ 74% trở lên; đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ từ 80% trở lên…

Trong nhiệm vụ giải pháp, Nghị quyết số 08 yêu cầu các đảng đoàn, ban cán sự Đảng, các ban của Tỉnh ủy, huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các sở, ban, ngành, Mặt trận, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ để triển khai thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, các khâu đột phá, công trình trọng điểm và nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2026.

Cụ thể hóa, thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Kết luận số 20-KL/TW, ngày 16/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về kinh tế - xã hội năm 2021 – 2022 với từng nội dung cụ thể về kinh tế - xã hội, về quốc phòng- an ninh, công tác đối ngoại và xây dựng Đảng, hệ thống chính trị.

Trong tổ chức thực hiện, Tỉnh ủy Lâm Đồng yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các ban đảng, các đảng đoàn, ban cán sự đảng; các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức học tập, quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết này vào điều kiện địa phương, cơ quan, đơn vị mình bằng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn việc nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết.

Các ban của Tỉnh ủy và Văn phòng Tỉnh ủy, căn cứ chức năng, nhiệm vụ thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc và định kỳ hàng quý, 6 tháng, hàng năm tham mưu cho Tỉnh ủy kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết. Nghị quyết này được phổ biến đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn tỉnh.

C.PHONG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/chinhtri/202112/nghi-quyet-08-cua-tinh-uy-lam-dong-tap-trung-nguon-luc-khoi-phuc-va-thuc-day-nen-kinh-te-phat-trien-nhanh-toan-dien-ben-vung-3092841/