Tập trung nguồn lực phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin
Sáng 4/6, tại thành phố Bắc Ninh, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình phát triển công nghiệp công nghệ thông tin giai đoạn 2015-2020 theo Quyết định số 392/QĐ- TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, tại khu vực miền Bắc.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho biết: Năm 2019, ngành công nghiệp công nghệ thông tin và điện tử viễn thông tiếp tục là ngành kinh tế trọng điểm của đất nước, với doanh thu ước tính 110 tỷ USD, tăng trưởng 9,8% so với năm 2018. Ngành đã giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu lao động, đóng góp vào ngân sách Nhà nước trên 53 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, ngành công nghệ thông tin, điện tử viễn thông vẫn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI, trong đó, doanh thu của các doanh nghiệp FDI chiếm tới 98% tổng doanh thu xuất khẩu. Trong nước, không có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường sản xuất, sản phẩm công nghệ thông tin điện tử viễn thông và chủ yếu hiện dừng ở mức độ gia công với giá trị gia tăng thấp.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung đánh giá tình hình triển khai Quyết định số 392/QĐ- TTg tại khu vực miền Bắc và đánh giá các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của chương trình. Đặc biệt, làm rõ tình hình triển khai Quyết định số 392/QĐ- TTg tại các địa phương, vai trò của công nghiệp công nghệ thông tin viễn thông tại các địa phương. Bên cạnh đó, các đại biểu đưa ra những khó khăn, vướng mắc trong phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và tăng cường vai trò của Sở Thông tin và Truyền thông địa phương trong phát triển loại hình công nghiệp này.
Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, việc triển khai Quyết định số 392/QĐ- TTg tại các địa phương hiện nay còn gặp nhiều tồn tại, hạn chế như: Một số nội dung được triển khai chủ yếu nhờ vào sự tự thân vận động và nỗ lực của địa phương, ít có sự hỗ trợ từ Trung ương. Bên cạnh đó, tất các các dự án của chương trình đều chưa nhận được phân bổ kinh phí triển khai; Chương trình chưa thu hút được sự quan tâm, tham gia đông đảo của cộng đồng doanh nghiệp...
Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng và Đô thị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trịnh Đức Trọng đã trình bày tham luận về tình hình đầu tư ngành công nghệ thông tin giai đoạn 2016-2020 và định hướng giai đoạn 2021-2025. Theo đó, ông Trịnh Đức Trọng đề nghị các địa phương ưu tiên tập trung nguồn lực bố trí phần vốn ngân sách địa phương, tiếp tục cho 18 dự án thuộc Chương trình mục tiêu Công nghệ thông tin, bảo đảm đủ theo quy mô dự án nhóm B để đáp ứng đúng tiêu chí hỗ trợ ngân sách Trung ương cho dự án địa phương. Đối với vấn đề huy động nguồn lực, đề nghị các địa phương xem xét, tiếp tục huy động tối đa nguồn lực đầu tư xã hội hóa để đầu tư các khu công nghệ thông tin tập trung theo đúng quy hoạch và định hướng phát triển...
Trong khuôn khổ hội nghị cũng diễn ra tọa đàm, trao đổi, thảo luận với chủ đề phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông tại các địa phương; Phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phát triển chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng với sự chủ trì của lãnh đạo Vụ Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông Bắc Ninh, Thái Nguyên, Quảng Ninh và đại diện các doanh nghiệp.
Triển khai Quyết định 392 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các tỉnh, thành phố đã thành lập, tổ chức hoạt động Ban Điều hành chương trình; rà soát hoàn thiện cơ chế, chính sách; xây dựng niềm tin người tiêu dùng về uy tín, chất lượng sản phẩm công nghệ thông tin thương hiệu Việt; xây dựng bộ chỉ số và thu thập số liệu thống kê về ngành công nghiệp công nghệ thông tin; phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin; ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp…
Mục tiêu đến năm 2025, sẽ xây dựng ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông Việt Nam trở thành một trong những ngành kinh tế lớn, có tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững. Đồng thời phấn đấu tốc độ tăng trưởng doanh thu bằng 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP cả nước; duy trì vị trí dẫn đầu các ngành có giá trị hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam; tỷ lệ mua sắm các sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin thương hiệu Việt tại các bộ, ngành là 50%, tại các địa phương là 70%...