Tập trung phòng, chống bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò giai đoạn 2022 - 2030

Những năm qua, ngoài hậu quả của thiên tai, thời tiết diễn biến bất thường, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh còn gặp không ít khó khăn do dịch bệnh thường xuyên xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm. Đáng quan tâm là thời gian gần đây, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò đã xảy ra ở các địa phương, gây thiệt hại đáng kể cho người chăn nuôi, tác động bất lợi đến sự phát triển của ngành chăn nuôi trong tỉnh. Trước thực trạng đó, để nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo vệ đàn vật nuôi, kiểm soát, khống chế bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò, bảo đảm an toàn thực phẩm, môi trường và hoạt động thương mại động vật, sản phẩm động vật, ngày 10/2/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số: 478/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch phòng, chống bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2030.

 Mô hình nuôi trâu vỗ béo ở xã Cam Hiếu, Cam Lộ đem lại thu nhập cao - Ảnh: Đ.T

Mô hình nuôi trâu vỗ béo ở xã Cam Hiếu, Cam Lộ đem lại thu nhập cao - Ảnh: Đ.T

Theo thống kê, năm 2021 toàn tỉnh có hơn 2.800 con trâu, bò mắc bệnh viêm da nổi cục (VDNC) tại hầu hết các địa phương trong tỉnh, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Để bảo vệ đàn gia súc, mục tiêu cụ thể của Kế hoạch phòng, chống bệnh VDNC ở trâu, bò trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2030 đặt ra là tiêm phòng vắc xin VDNC cho trên 80% tổng đàn trâu, bò, bê, nghé (gọi chung là trâu, bò) tại thời điểm tiêm phòng. Chủ động giám sát, phát hiện sớm, xử lý ổ dịch kịp thời, không để lây lan, hạn chế tối đa thiệt hại do bệnh VDNC gây ra trên địa bàn tỉnh; kiểm soát tốt dịch bệnh nhằm giảm số ổ dịch VDNC xuống dưới 40 xã, phường, thị trấn trong năm 2022, hằng năm giảm 20% số xã có dịch và số gia súc mắc bệnh VDNC so với năm trước.

Phòng bệnh chủ động, có hiệu quả bằng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; vệ sinh khử trùng tiêu độc và tiêu diệt các véc tơ truyền bệnh (như ruồi, muỗi, ve, mòng…); xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh. Kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, ngăn chặn không để mầm bệnh VDNC xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh. Phối hợp với Cục Thú y tổ chức nghiên cứu các đặc điểm dịch tễ, vi rút, kỹ thuật chẩn đoán, xét nghiệm…và các giải pháp liên quan phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh VDNC.

Trong công tác phòng, chống bệnh VDNC ở trâu, bò, khâu tuyên truyền nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người chăn nuôi và cộng đồng đóng vai trò quan trọng. Phương thức tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh, phát thanh, truyền hình, báo giấy, báo mạng, trang thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức có liên quan, nhắn tin trên mạng viễn thông, truyền thông trên các nền tảng công nghệ. Do người chăn nuôi thường tập trung sinh sống và sản xuất ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nên việc thông tin trên bảng tin công cộng tại nơi đông người, tụ điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng, loa truyền thanh, lồng ghép vào các buổi họp dân và tuyên truyền miệng cũng cần được quan tâm. Công tác tuyên truyền được xác định là phải thực hiện thường xuyên, liên tục, đặc biệt là trước thời điểm dịch bệnh VDNC thường xảy ra tại các địa phương, trước mùa phát triển của các véc tơ truyền bệnh VDNC, trước khi triển khai kế hoạch tiêm vắc xin VDNC.

Thông qua công tác tuyên truyền để người dân, nhất là người chăn nuôi trâu, bò biết được đặc điểm, tính chất nguy hiểm của bệnh VDNC; cách nhận biết khi vật nuôi mắc bệnh VDNC và biện pháp xử lý, phòng, chống dịch bệnh; vai trò, tầm quan trọng của việc phòng bệnh bằng vắc xin VDNC; các đặc điểm, hiệu quả và kế hoạch tiêm vắc xin VDNC cho đàn trâu, bò. Cùng với đó, người dân (kể cả khu vực nông thôn và thành thị) cần phải biết được nguy cơ của dịch bệnh đối với sức khỏe cộng đồng, an toàn dịch bệnh, thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến sự phát triển chăn nuôi, thương mại quốc tế do các hoạt động trái phép trong buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ trâu, bò, sản phẩm từ trâu bò. Thông qua công tác tuyên truyền, các ngành chức năng đẩy mạnh phổ biến các nội dung và tổ chức thực hiện Kế hoạch phòng, chống bệnh VDNC ở trâu, bò trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền chủ trương, chính sách và quy định về phòng, chống bệnh VDNC, xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh VDNC; xử lý các trường hợp vi phạm, không tuân thủ các quy định về phòng, chống bệnh VDNC.

Trong công tác phòng dịch bệnh, có thể khẳng định sử dụng vắc xin VDNC để tiêm phòng cho đàn trâu, bò là giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất và chi phí thấp nhất. Toàn bộ trâu bò chưa được tiêm vắc xin hoặc đã tiêm vắc xin VDNC nhưng đã hết thời gian miễn dịch bảo hộ theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin; không có biểu hiện triệu chứng điển hình của bệnh VDNC và các bệnh truyền nhiễm khác đều là đối tượng để tiêm vắc xin. Theo kế hoạch, hằng năm tổ chức tiêm vắc xin VDNC đồng loạt cho trâu, bò trên địa bàn đảm bảo tỉ lệ tiêm đạt trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm phòng. Khi có dịch bệnh xảy ra, tổ chức rà soát và tiêm phòng bổ sung vắc xin VDNC cho đàn trâu, bò chưa được tiêm vắc xin hoặc đã được tiêm vắc xin VDNC nhưng hết thời gian miễn dịch bảo hộ trong phạm vi toàn tỉnh. Hằng năm, tổ chức một đợt tiêm phòng chính vào tháng 4, tháng 5, trước thời điểm dịch bệnh VDNC thường xảy ra, trước mùa phát triển của các véc tơ truyền bệnh VDNC và vào thời điểm 1 - 2 tháng trước khi hết thời gian miễn dịch bảo hộ đối với trâu, bò đã được tiêm vắc xin VDNC. Ngoài đợt tiêm chính, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần thường xuyên rà soát, tổ chức tiêm vắc xin VDNC bổ sung cho đàn trâu, bò chưa được tiêm phòng, phát sinh, nhập đàn trước và sau đợt tiêm chính.

Cùng với những nội dung trên, Kế hoạch phòng, chống bệnh VDNC ở trâu, bò trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2030 còn nhấn mạnh đến việc chủ động phòng bệnh có hiệu quả bằng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêu diệt véc tơ truyền bệnh; tăng cường giám sát và cảnh báo dịch bệnh; thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát vận chuyển; kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y; chủ động ứng phó, xử lý ổ dịch, chống dịch, quản lý, chăm sóc gia súc bệnh; nâng cao vai trò trong lãnh đạo, quản lý, phối hợp của chính quyền cấp xã, phường, thị trấn trong phòng, chống bệnh VDNC cho trâu, bò, cùng với đó là xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh theo quy định…

Kế hoạch cũng đã chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành cấp tỉnh và chính quyền địa phương trong việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh VDNC ở trâu, bò. Tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch phòng, chống bệnh VDNC ở trâu, bò trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2030 trên 34,6 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh trên 10,3 tỉ đồng, ngân sách huyện, xã trên 21 tỉ đồng và người chăn nuôi, tổ chức đóng góp trên 3,1 tỉ đồng.

Đan Tâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=165131&title=tap-trung-phong-chong-benh-viem-da-noi-cuc-o-trau-bo-giai-doan-2022--2030