Tập trung phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi

* Mưa lớn, dông lốc gây thiệt hại ở các địa phươngTheo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, rãnh áp thấp có trục ở khoảng từ 24 - 26 độ vĩ bắc đang bị áp cao lục địa ở phía bắc nén và đẩy dịch dần xuống phía nam.

* Mưa lớn, dông lốc gây thiệt hại ở các địa phương

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, rãnh áp thấp có trục ở khoảng từ 24 - 26 độ vĩ bắc đang bị áp cao lục địa ở phía bắc nén và đẩy dịch dần xuống phía nam.

Do chịu ảnh hưởng của rãnh áp thấp nên các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa dông trên diện rộng, riêng vùng núi Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa từ 40 - 70 mm/24 giờ, có nơi hơn 100 mm/24 giờ, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

* Về cơn bão VONGFONG, theo dự báo, 7 giờ ngày hôm nay (17-5), vị trí tâm bão ở khoảng 20,3 độ vĩ bắc; 120,5 độ kinh đông, cách đảo Lu-dông (Phi-li-pin) khoảng 200 km về phía bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75 km/giờ), giật cấp 10. Tiếp theo, bão di chuyển theo hướng đông bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

* Trận dông lốc, mưa đá xảy ra chiều tối 15-5 trên địa bàn huyện Ðiện Biên, tỉnh Ðiện Biên khiến nhiều diện tích lúa đang vào vụ thu hoạch bị thiệt hại nặng nề. Trong đó, nhiều diện tích trồng lúa tám thơm của cánh đồng Mường Thanh đã bị thiệt hại đến 90%. Chính quyền địa phương khuyến cáo người dân cố gắng tận thu những diện tích lúa hiện có.

* Thông tin từ UBND huyện Thanh Chương, Nghệ An cho biết, khoảng 17 giờ ngày 15-5, trên địa bàn xuất hiện mưa lớn kèm dông lốc, kéo dài khoảng 20 phút gây thiệt hại nặng về cơ sở vật chất cho các xã Thanh Liên, Phong Thịnh, Thanh Hòa… Nhiều ngôi nhà bị tốc mái, một số cột điện bị gãy, đổ. Sét đánh làm chết một con trâu ở xóm 5, xã Thanh Hương.

* Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Hà Nam, lúa vụ xuân của tỉnh đang trong giai đoạn trỗ bông nhưng xuất hiện nhiều loài sâu hại gây bệnh, nguy cơ thiệt hại lớn đến năng suất lúa. Cụ thể, diện tích lúa bị nhiễm rầy nâu - rầy lưng trắng là hơn 2.400 ha; hơn 4.000 ha bị nhiễm sâu cuốn lá nhỏ. Ngành nông nghiệp đang hướng dẫn nông dân phương pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

* Tỉnh Gia Lai vừa có văn bản chỉ đạo Sở NN và PTNT chủ trì, phối hợp với các địa phương tập trung phòng ngừa sâu bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho cây trồng. Tính đến cuối tháng 4-2020, tình hình sâu bệnh diễn biến khá phức tạp, khiến hơn 5.400 ha cây trồng bị nhiễm bệnh; trong đó, 3.215 ha cà-phê bị bệnh rệp sáp, gần 1.700 ha hồ tiêu nhiễm bệnh chết chậm và gần 600 ha
bệnh khảm lá vi-rút trên cây sắn.

* Tỉnh Khánh Hòa đã trích từ ngân sách tỉnh, ngân sách các địa phương và do người chăn nuôi đối ứng 16,6 tỷ đồng để triển khai kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên động vật trong năm 2020. Cụ thể, kế hoạch phòng, chống dịch tập trung vào các dịch bệnh lở mồm long móng trên trâu, bò, lợn; dịch cúm gia cầm H5N1, H5N6, H7N9; dịch tai xanh trên lợn; phòng, chống dịch bệnh thủy sản...

* Trước tác động của hạn hán kéo dài, tỉnh Ninh Thuận đã quyết định công bố cấp độ rủi ro thiên tai cấp độ 3 trên địa bàn toàn tỉnh. Các ngành chức năng, các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó, khắc phục thiệt hại do hạn hán gây ra. Tính đến ngày 15-5, lượng nước của 21 hồ chứa trong tỉnh đã giảm đáng kể (24,99/194,49 triệu m3, chiếm 12,8% dung tích thiết kế); trong đó có 15 hồ chứa đã cạn trơ đáy.

* Sở NN và PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, mực nước tại các hồ chứa đang giảm mạnh gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Tỉnh Bình Phước có 47 hồ chứa nhưng 10 hồ chứa dưới 50% dung tích, trong đó có hồ chỉ còn 18%, như hồ Ðội 7, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập. Hiện có 232 ha cây trồng bị ảnh hưởng và 759 hộ thiếu nước sinh hoạt.

* Tại Nghệ An, dưa hấu bước vào đầu vụ thu hoạch đang được bán với giá cao kỷ lục và luôn "cháy hàng". Nếu như các năm trước, dưa hấu chỉ có giá từ 4.000 đến 6.000 đồng/kg thì đầu vụ năm nay, giá đạt từ 8.000 đến 10.000 đồng/kg tại ruộng. Ðây là mức giá cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, mỗi sào dưa cho thu nhập hơn 10 triệu đồng. Năm nay toàn tỉnh trồng hơn 600 ha dưa hấu.

* Tại Bến Tre, giá sầu riêng đang xuống thấp kỷ lục, có loại chỉ 3.000 đến 5.000 đồng/kg. Ðây là mức giá thấp chưa từng xảy ra trước đây. Mọi năm vào chính vụ, giá sầu riêng thấp nhất cũng 35.000 đến 45.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do ảnh hưởng hạn, mặn kéo dài, không đủ nguồn nước tưới cho cây để nuôi trái khiến chất lượng sầu riêng không đạt.

* Tại tỉnh Hưng Yên, hiện tổng đàn lợn ước đạt khoảng 435 nghìn con. Mặc dù số lượng đàn lợn, nguồn cung thịt lợn từ các trang trại và hộ chăn nuôi đã tăng so với đầu năm nhưng vẫn chưa dồi dào, làm giá thịt lợn vẫn ở mức cao. Ðáng chú ý, hiện nay giá lợn giống đang rất cao, phổ biến từ 2,5 đến ba triệu đồng/con khiến nhiều hộ chăn nuôi chưa mạnh dạn tái đàn.

* UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành công văn yêu cầu các địa phương, đơn vị liên quan tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng dịch như vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất, chăn nuôi an toàn sinh học; xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh.

* Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai (PCTT và TKCN) tỉnh Bình Thuận, vào khoảng 1 giờ 20 phút ngày 16-5, tàu Vega Kappa mang quốc tịch Li-bê-ri-a đang trên hành trình đi qua biển Bình Thuận, cách Mũi Né khoảng 30 hải lý về hướng Ðông thì một thuyền viên tên Kent Gaemark (25 tuổi) bị rơi xuống biển mất tích. Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã yêu cầu các cơ quan có chức năng liên quan hỗ trợ tìm kiếm thuyền viên bị mất tích. Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng phát thông báo cho các tàu thuyền đánh cá của ngư dân đang hoạt động tại vùng biển trên hỗ trợ cứu nạn.

Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của huyện Hòn Đất, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Kiên Giang đã tập trung chữa cháy, dập tắt đám cháy rừng tràm trên địa bàn huyện Hòn Đất. Trước đó, khoảng 14 giờ ngày 14-5, lửa bùng phát gây cháy rừng tràm của Công ty cổ phần Gỗ MDF VRG Kiên Giang quản lý tại ấp Sơn Bình, xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất. Đến 14 giờ ngày 16-5, đám cháy cơ bản được khống chế. Ước tính ban đầu thiệt hại khoảng 40 ha rừng tràm 2,5 tuổi.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44500402-tap-trung-phong-tru-dich-benh-tren-cay-trong-vat-nuoi.html