Tập trung phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ sản xuất vụ mùa, vụ đông

PTĐT - Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đang bước vào cao điểm phòng trừ sâu bệnh gây hại, tập trung chăm sóc cây trồng vụ mùa, chuẩn bị sớm các điều kiện triển khai vụ đông. Tuy nhiên vụ mùa vụ đông thường bị ảnh hưởng lớn...

Cán bộ Trạm TT&BVTV huyện Phù Ninh kiểm tra, dự báo tình hình sâu bệnh trên lúa mùa tại xã Hạ Giáp.

Cán bộ Trạm TT&BVTV huyện Phù Ninh kiểm tra, dự báo tình hình sâu bệnh trên lúa mùa tại xã Hạ Giáp.

PTĐT - Hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đang bước vào cao điểm phòng trừ sâu bệnh gây hại, tập trung chăm sóc cây trồng vụ mùa, chuẩn bị sớm các điều kiện triển khai vụ đông. Tuy nhiên vụ mùa vụ đông thường bị ảnh hưởng lớn bởi điều kiện thời tiết, khiến cây trồng giảm sức đề kháng, gây nguy cơ bùng phát sâu bệnh, do vậy cần phải tổ chức phòng trừ kịp thời, tránh lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng đến, hiệu quả sản xuất.

Theo kế hoạch, vụ mùa 2019, toàn tỉnh gieo cấy 29.750ha lúa, gieo trồng trên 4.170ha ngô, trên 4.000ha rau các loại; vụ đông gieo trồng trên 7.000ha ngô và trên 5.490ha rau các loại. Đến thời điểm này, lúa mùa đang bước vào thời kỳ đẻ nhánh, làm đòng trên một số diện tích trà sớm, lúa đã bắt đầu, trỗ bông; ngô hè thu bắt đầu trỗ cờ. Theo báo cáo điều tra tình hình sâu, bệnh của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV), hiện, ngoài cây trồng vụ mùa như: Lúa, ngô, rau màu các loại… trên cây chè, cây lâm nghiệp đã xuất hiện các đối tượng sâu bệnh gây hại. Để bảo đảm năng suất, sản lượng cây trồng vụ mùa, vụ đông, công tác phòng trừ sâu bệnh đang được các địa phương thực hiện quyết liệt.
Tại huyện Phù Ninh, sâu cuốn lá nhỏ gây hại ở hầu hết diện tích lúa mùa, tổng diện tích nhiễm trên 200ha, trong đó gây hại chủ yếu trên diện tích lúa mùa trà sớm với mật độ phổ biến từ 1,9-14 con/m2. Trên diện tích ngô hè thu, sâu keo mùa thu phát triển mạnh và lây lan rộng, gây hại nặng trên 21ha, cục bộ tại một số xã: Vĩnh Phú, Tử Đà, An Đạo, Bình Bộ… Ngoài ra, một số đối tượng sâu, bệnh khác xuất hiện như: Sâu đục thân hai chấm, ốc bươu vàng, chuột, khô vằn trên cây lúa; sâu đục thân, khô vằn trên cây ngô; rệp, bọ xít, ruồi đục quả trên cây bưởi… Ông Nguyễn Hữu Đại - Trạm trưởng Trạm TT&BVTV huyện cho biết: Trước tình hình đó, trạm đã phối hợp với bộ phận khuyến nông, tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân tranh thủ thời tiết tạnh ráo tập trung phòng trừ sâu, bệnh hại lúa mùa, ngô hè thu cũng như một số cây trồng khác. Đồng thời phối hợp với các địa phương, chủ động tổ chức các đợt cao điểm phòng trừ sâu bệnh từ 28/7 đến đầu tháng 8, trong đó tập trung phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân và tổ chức diệt chuột tập trung trên diện tích lúa mùa; tổ chức phòng trừ cho gần 150ha ngô hè thu bị nhiễm sâu hại. Trạm TT&BVTV huyện khuyến cáo bà con nông dân không chủ quan, tiếp tục theo dõi sát tình hình sâu bệnh, đặc biệt là sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân trên lúa mùa và sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô nhằm bảo vệ sản xuất.Huyện Thanh Sơn hiện có diện tích chè vụ hè thu xuất hiện nhện đỏ gây hại nhẹ đến trung bình trên tổng diện tích 460ha; bọ cánh tơ gây hại gần 540ha; rầy xanh trên 187ha; bọ xít muỗi trên 148,18ha… chủ yếu trên diện tích chè kinh doanh tại các xã Địch Quả, Võ Miếu, Thục Luyện… Dự báo, từ cuối tháng 8 sẽ xuất hiện thêm một số đối tượng sâu, bệnh gây hại cho cây chè vụ đông như: Rầy xanh, bệnh đốm nâu, đốm xám. Để đảm bảo năng suất cây chè, Trạm TT&BVTV huyện khuyến khích người dân đẩy mạnh áp dụng các chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý dinh dưỡng tổng hợp (INM); đẩy mạnh thâm canh, đưa cơ giới vào sản xuất nhằm giảm thiểu phát sinh sâu bệnh; thay thế giống chè cũ bằng những giống chè mới có năng suất, chất lượng cao, khả năng kháng bệnh tốt. Khuyến cáo tổ chức phòng trừ sâu bệnh tập trung, sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, tránh tình trạng ủ bệnh trong mùa đông, hạn chế bùng phát sâu, bệnh trên cây chè vào vụ đông - xuân năm sau.Theo báo cáo của Trạm TT&BVTV huyện Tân Sơn, từ cuối tháng 6, tình hình sâu bệnh hại cây lâm nghiệp có xu hướng gia tăng, xuất hiện sâu xanh ăn lá mỡ và lá bồ đề, gây hại trên diện tích 200ha rừng trồng tại các xã: Mỹ Thuận, Lai Đồng, Thu Cúc, Xuân Đài, Kim Thượng… Ngoài ra, bệnh khô cành, chết héo gây hại nhẹ trên một số diện tích cây keo. Để phòng trừ, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT phối hợp với Trạm TT&BVTV, Khuyến nông huyện thường xuyên kiểm tra tình hình sâu hại tại các địa phương, bám sát diễn biến, quy mô và mức độ gây hại; tập trung hướng dẫn các chủ rừng thực hiện các biện pháp phòng trừ, đảm bảo 100% diện tích rừng bị sâu gây hại đều được phòng trừ kịp thời, không để thiệt hại cho sản xuất. Theo nhận định của cơ quan chức năng, so với cùng thời điểm năm trước, vụ mùa, vụ đông năm 2019 diễn ra trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, kết hợp mưa lớn tại nhiều địa phương, khiến cho cây trồng giảm sức đề kháng, thêm vào đó, không khí nóng ẩm tạo điều kiện cho một số đối tượng sâu, bệnh hại phát triển, lây lan nhanh. Đặc biệt, tình hình sâu keo mùa thu gây hại diễn biến phức tạp, hiện toàn tỉnh có trên 520ha ngô hè thu bị nhiễm sâu keo mùa thu (trong đó gần 283ha bị nhiễm nhẹ, hơn195ha mức sâu hại trung bình và gần 42ha nhiễm sâu hại nặng tập trung tại các huyện Phù Ninh, Hạ Hòa, Tam Nông, Thanh Ba)… Ông Phan Văn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV tỉnh cho biết: Xác định vụ mùa, vụ đông là cao điểm phòng chống sinh vật gây hại cây trồng trong năm, do đó, ngay từ đầu mùa vụ, Chi cục đã chủ động tham mưu cho Sở NN&PTNT xây dựng kế hoạch phòng sâu, bệnh, sinh vật gây hại; tập trung hướng dẫn bà con nông dân bố trí cơ cấu giống, thời vụ theo đúng khung lịch của Sở NN&PTNT; hướng dẫn các trạm TT&BVTV tăng cường theo dõi diễn biến thời tiết, tình hình sâu hại, bố trí cán bộ thường xuyên điều tra, nắm bắt tình hình sâu bệnh hại; tăng cường dự tính, dự báo tình hình phát sinh các đối tượng gây hại cho lúa và hoa màu, làm cơ sở chỉ đạo cho các địa phương và bà con nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ. Tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ thuật phòng trừ, ưu tiên sử dụng thuốc BVTV không có nguồn gốc hóa học trong phòng trừ sâu, bệnh. Hướng dẫn bà con tuân thủ nguyên tắc “4 đúng”, chỉ phun thuốc BVTV khi mật độ sâu, tỷ lệ bệnh gây hại đạt ngưỡng phòng trừ. Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng tiến bộ KH-KT như: Sử dụng máy bay phun thuốc không người lái; ứng dụng tưới tiết kiệm… nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng trừ sâu, bệnh hại. Khuyến khích bà con đẩy mạnh áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và chương trình quản lý dinh dưỡng tổng hợp (INM). Trong đó chú trọng khâu lựa chọn, cây trồng mới có năng suất, chất lượng tốt, khả năng chống bệnh cao thay thế cây trồng kém hiệu quả, xử lý giống trước gieo trồng; ưu tiên áp dụng các biện pháp cơ giới vật lý kết hợp với các biện pháp sinh học; đẩy mạnh luân canh, xen canh nhằm cải tạo môi trường đất và hạn chế tối đa sự phát triển sinh vật gây hại; sử dụng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học thay thế thuốc BVTV hóa học. Đồng thời phát huy hiệu quả hoạt động của tổ dịch vụ BVTV nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng trừ sâu, bệnh tại địa phương.

Thùy Phương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/nong-lam-nghiep/201908/tap-trung-phong-tru-sau-benh-bao-ve-san-xuat-vu-mua-vu-dong-166109