Tập trung phòng trừ sâu bệnh hại lúa giai đoạn cuối vụ
Hiện nay hầu hết diện tích lúa đông xuân trên địa bàn tỉnh đang ở giai đoạn ôm đòng - trổ bông, cây lúa phát triển khá tốt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết thay đổi thất thường nên trên một số diện tích đã xuất hiện bệnh đạo ôn cổ bông, khô vằn, bạc lá; ngoài ra còn có sâu cuốn lá, rầy nâu và rầy lưng trắng cũng bắt đầu phát sinh, gây hại. Để chủ động phòng trừ các đối tượng dịch hại có hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, ngành nông nghiệp đang cùng với các địa phương và nông dân chủ động, tích cực triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh để bảo vệ sản xuất.
Theo thống kê của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) huyện Hải Lăng, vụ đông xuân năm nay toàn huyện gieo cấy hơn 6.800 ha lúa. Hiện nay, lúa đại trà đang giai đoạn trổ bông, một số diện tích lúa trà đầu đã bắt đầu chín sữa - chín sáp, nhìn chung cây lúa phát triển tốt. Tuy nhiên, qua điều tra đồng ruộng, đã có gần 210 ha lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn lá, vàng lá vi khuẩn và bệnh đốm nâu với tỉ lệ bệnh hại từ 3 - 20%; bệnh khô vằn tiếp tục phát triển với diện tích 180 ha, tỉ lệ bệnh từ 10 - 35%, gây hại chủ yếu trên các chân ruộng gieo dày, bón thừa đạm. Đặc biệt, rầy các loại đã phát sinh và gây hại với diện tích 10 ha, mật độ phổ biến từ 200 - 500 con/m2 , nơi cao từ 1.000 - 1.500 con/m2 , cục bộ một số diện tích ở xã Hải Định, Hải Dương mật độ rầy đã lên đến hơn 3.000 con/m2 . Ngoài ra, các đối tượng sâu bệnh hại khác như bệnh đạo ôn cổ lá, cổ bông, sâu cuốn lá nhỏ, nhện gié... cũng đã xuất hiện và gây hại rải rác, mức độ nhẹ, tỉ lệ hại thấp.
Trạm trưởng Trạm TT&BVTV huyện Hải Lăng Dương Văn Tuấn cho biết, thời kỳ lúa trổ đến thu hoạch là thời điểm cây lúa rất mẫn cảm với các đối tượng sâu bệnh và dễ ảnh hưởng đến năng suất nếu không chủ động các biện pháp phòng trừ kịp thời. Do đó, Trạm TT&BVTV đã tăng cường cán bộ về các HTX để kiểm tra sâu bệnh, đặc biệt là các đối tượng nguy hiểm, dễ lây lan thành dịch để hướng dẫn phòng trừ kịp thời. “Dự báo từ nay đến cuối vụ, thời tiết vẫn còn diễn biến phức tạp và các đối tượng sâu bệnh hại như sâu cuốn lá, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, rầy các loại... vẫn có khả năng tiếp tục phát sinh và gây hại mạnh. Do đó, nông dân cần có sự theo dõi chặt chẽ để có biện pháp quản lý, phòng trừ kịp thời, tránh tư tưởng chủ quan làm thiệt hại đến năng suất thu hoạch”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Hiền cho biết, vụ đông xuân năm nay toàn tỉnh gieo cấy hơn 26.000 ha lúa, hiện nay cây lúa đang ở giai đoạn ôm đòng - trổ bông, trong đó diện tích lúa đã trổ đạt trên 80%, một số trà lúa gieo cấy sớm bắt đầu chín sữa. Thời gian qua điều kiện thời tiết nắng ấm giúp cây lúa rút ngắn thời gian sinh trưởng so với dự kiến từ 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, qua điều tra đồng ruộng đã có một số đối tượng sâu bệnh phát sinh, gây hại như bệnh đạo ôn lá diện tích nhiễm 796 ha, khô vằn 803 ha, đốm sọc vi khuẩn 200 ha, sâu cuốn lá nhỏ 121 ha; đáng chú ý là rầy nâu và rầy lưng trắng bắt đầu nở và gây hại một số vùng ở huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong… với mật độ phổ biến từ 750 - 800 con/m2 , nơi cao từ 1.000 - 1.500 con/m2 , rầy chủ yếu tuổi 1 - 2. Theo dự báo điều kiện thời tiết trong thời gian tới ngày nắng nóng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, nhiệt độ trung bình từ 25 - 27 độ C, cao 31 - 33 độ C, sẽ là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông, khô vằn, bạc lá, đặc biệt là rầy nâu và rầy lưng trắng bùng phát và gây hại nặng trên diện rộng, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất lúa cuối vụ.
Theo ông Hiền, để chủ động phòng trừ các đối tượng dịch hại có hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, các địa phương và nông dân cần tăng cường thăm đồng và có biện pháp phòng trừ kịp thời khi phát hiện sâu bệnh hại. Đối với bệnh đạo ôn cần theo dõi và phun thuốc phòng bệnh đạo ôn cổ bông trước khi lúa trổ từ 5 - 7 ngày; phun lại lần 2 sau khi lúa trổ 5 - 7 ngày trên những chân ruộng có nguy cơ nhiễm bệnh nặng; đặc biệt là những vùng bị nhiễm đạo ôn lá chưa được phòng trừ, hoặc phòng trừ chưa tốt, vùng ổ dịch, những vùng gieo trồng giống nhiễm như HC95, IR38, VN10, TBR225, P6, Thiên Ưu 8. Đối với bệnh khô vằn cần phòng trừ ngay khi phát hiện để bệnh không lây lan ra diện rộng. Phun thuốc phòng bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn sau những trận mưa và trước khi lúa trổ. Tăng cường thăm đồng để kiểm tra mật độ rầy và sâu cuốn lá nhỏ trên đồng ruộng. Đối với rầy cần tiến hành phun thuốc ngay ở những nơi có mật độ từ 1.000 con/m2 trở lên; để phun thuốc có hiệu quả cần đi chậm, rẽ lúa thành từng băng và phun vào gốc lúa nơi rầy tập trung đồng thời phải đảm bảo lượng nước thuốc 30 lít/sào trở lên; đối với những ruộng có mật độ rầy quá cao thì sau 3 ngày kiểm tra lại nếu mật độ vẫn cao tiến hành phun lần 2. Đối với sâu cuốn lá nhỏ cần phun thuốc trừ sâu ở những nơi có mật độ khoảng 10 - 20 con/m2 trở lên, phun ngay khi sâu đang ở tuổi 1 - 2.
“Để bảo vệ sản xuất lúa vụ đông xuân, Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đang tiếp tục chỉ đạo Chi cục TT&BVTV, Trung tâm Khuyến nông tăng cường cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, phối hợp chặt chẽ với các địa phương, các HTX trong việc thường xuyên thăm đồng để kiểm tra, phát hiện, dự tính dự báo chính xác, nắm bắt thông tin và hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời cũng như thời gian cách ly của từng loại thuốc để tránh ảnh hưởng tới năng suất lúa thu hoạch và đảm bảo an toàn cho nông sản phẩm”, ông Hiền cho biết thêm.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=147374