Tập trung sản xuất vụ đông xuân
Thời điểm trong và sau tết Nguyên đán, thời tiết diễn biến thất thường, các loại sâu bệnh xuất hiện và có nguy cơ bùng phát trên nhiều diện tích lúa, cây trồng vụ đông xuân.
Ngành nông nghiệp, chính quyền và nông dân các địa phương đang tập trung đẩy nhanh tiến độ xuống giống, chăm sóc cây trồng, phòng trừ dịch bệnh.
Nỗ lực chăm sóc lúa
Toàn tỉnh đã gieo sạ trên 37,7 nghìn héc ta lúa vụ đông xuân 2022 - 2023 (đạt 99,8% kế hoạch). Thời điểm trong và sau tết Nguyên đán, nông dân hối hả ra đồng thăm lúa, chăm sóc, tỉa dặm và phòng trừ các loại sinh vật gây hại. Bà Nguyễn Thị Hoa Vinh, ở xã Hành Minh (Nghĩa Hành) cho biết, ngoài chuột, ốc bươu vàng thì sâu cuốn lá, sâu năng và bệnh đạo ôn cũng bắt đầu xuất hiện gây hại lúa. Tranh thủ khi tỉa dặm lúa, tôi bắt ốc bươu vàng, đặt thuốc diệt chuột và áp dụng các biện pháp trừ sâu, hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, nhằm bảo vệ cây trồng, tránh thiệt hại về năng suất.
Còn tại cánh đồng Bàu Súng, xã Đức Chánh (Mộ Đức), người dân cũng tập trung ra đồng chăm sóc lúa ngay những ngày đầu năm mới. Vùng trũng, gieo sạ muộn nên nhiều diện tích lúa bị chuột và ốc bươu vàng gây hại nặng. Một số thửa ruộng không đủ mạ để tỉa dặm, trong khi bọ trĩ và sâu cuốn lá nhỏ bắt đầu xuất hiện cắn phá.
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở NN&PTNT), tình hình sâu bệnh hiện đang diễn biến phức tạp, đã có gần 2.000ha lúa bị các loại sinh vật gây hại, trong đó có trên 668ha nhiễm nặng và trung bình. Các đối tượng gây hại chủ yếu là chuột (614ha), ruồi đục nõn (391ha), ốc bươu vàng (gần 728ha), bọ trĩ (86ha) và các loại sâu cuốn lá nhỏ, đạo ôn lá... Nguyên nhân một phần do ảnh hưởng của thời tiết, mặt khác do mật độ gieo sạ quá dày và quá trình sử dụng phân bón kém hiệu quả.
Trước tình hình trên, Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh theo hướng an toàn, tránh lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phạm Bá cho biết, trên 1.220ha diện tích lúa nhiễm các loại sinh vật gây hại đã được phòng trừ kịp thời. Thời gian đến, nông dân cần tuân thủ việc bón phân đảm bảo cân đối và hợp lý, giữ mực nước trong ruộng thích hợp với từng giai đoạn phát triển của cây lúa để hạn chế sự xuất hiện và gây hại của các loại sâu bệnh, nhất là bệnh đạo ôn và đạo ôn cổ bông.
Khẩn trương xuống giống rau màu
Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã xuống giống gần 2.800/4.389ha bắp (đạt gần 63,8% kế hoạch); trên 2.600/4.466ha đậu phụng (58% kế hoạch); gần 983/1.787ha đậu các loại (55% kế hoạch); 3.824ha/6.543ha cây rau các loại (58,4% kế hoạch)... Trong khi đó, tình hình dịch bệnh gây hại trên các đối tượng cây rau màu và cây công nghiệp có dấu hiệu lan rộng với trên 1.500ha bị nhiễm bệnh. Đáng chú ý là bệnh khảm lá vi rút gây hại trên 1.000ha mì ở giai đoạn phát triển củ đến thu hoạch; bệnh chết cây keo gây hại cục bộ trên 372ha đối với cây giai đoạn từ 1 - 3 năm tuổi. Trước tình hình đó, cùng với việc đẩy nhanh tiến độ sản xuất, Sở NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chuyên môn cử cán bộ kỹ thuật chuyên môn thường xuyên theo dõi, bám sát vùng sản xuất gắn với dự báo tình hình dịch hại để thông tin và triển khai các biện pháp xử lý kịp thời, không để phát triển và lây lan ra diện rộng.
Ông Phạm Bá cho biết thêm, tùy từng vùng sản xuất sẽ xuất hiện các đối tượng sâu bệnh gây hại đặc thù, chính quyền địa phương và người dân cần theo dõi, chủ động thực hiện các biện pháp phòng trừ sớm. Nếu mật độ sâu bệnh, tỷ lệ bệnh cao, nông dân cần sử dụng thuốc đặc hiệu thuộc danh mục để phun trừ, tránh để bùng phát. Riêng bệnh khảm lá vi rút gây hại trên cây mì hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị, nên người dân tuyệt đối không sử dụng hom giống không rõ nguồn gốc hoặc hom của những ruộng mì đã bị nhiễm bệnh. Sau khi trồng thường xuyên kiểm tra ruộng mì, nếu cây con mới mọc có biểu hiện bị bệnh cần nhổ bỏ và tiêu hủy, trồng dặm lại để tránh bệnh lây lan ra diện rộng.
Bài, ảnh: MỸ HOA