Tập trung số hóa ngành Nông nghiệp

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử tại hội nghị tổng kết năm 2024, triển khai kế hoạch năm 2025 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), diễn ra vào chiều 30/12.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT chủ trì hội nghị.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT chủ trì hội nghị.

Đại biểu đại diện các sở, ngành và địa phương dự hội nghị.

Đại biểu đại diện các sở, ngành và địa phương dự hội nghị.

Năm 2024, kinh tế nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, góp phần vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tổng sản phẩm (GRDP) của ngành ước đạt 15.280 tỷ đồng, tăng 3,4% so cùng kỳ năm 2023. Đa phần các chỉ tiêu đều tăng so cùng kỳ; có 13/23 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, các chỉ tiêu còn lại đều xấp xỉ đạt. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chiếm tỷ trọng 31,9 % trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh. Thủy sản tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Diện tích nuôi tôm siêu thâm canh 5.025 ha, tăng 5,21% so cùng kỳ. Nuôi tôm quảng canh cải tiến ước đạt 187.671 ha, đạt 100,3% kế hoạch. Diện tích tôm nuôi được chứng nhận đạt trên 22.000 ha; trong đó, diện tích tôm - rừng là 20.907 ha, diện tích tôm lúa là 987 ha. Tổng sản lượng thủy sản trong năm hơn 647.000 tấn, trong đó sản lượng hơn tôm 252.000 tấn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Sản xuất lúa thích ứng tốt với điều kiện biến đổi khí hậu, sản lượng tăng cao so kế hoạch; thị trường lúa gạo mang tín hiệu tốt đã khuyến khích phát triển sản xuất. Trong năm, tổng sản lượng lúa 570.000 tấn. Toàn tỉnh xây dựng 2 vùng nguyên liệu sản xuất lúa gạo chất lượng cao khoảng 20.000 ha. Trong đó, sản xuất lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn quốc tế trên 800 ha.

Ngoài ra, lĩnh vực chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học gắn với công tác phòng, chống dịch bệnh được quan tâm, các ổ dịch được kiểm soát, khống chế nhanh, không lây lan trên diện rộng. Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục đổi mới; nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng. Sản xuất nông nghiệp từng bước nâng cao giá trị gia tăng, sản phẩm OCOP trong tỉnh tăng về số lượng lẫn chất lượng và quy mô. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, sử dụng và phát triển hiệu quả, bền vững cả 3 loại rừng. Công tác phòng tránh thiên tai, ứng phó với thời tiết cực đoan, triều cường, sạt lở được tăng cường triển khai kịp thời, góp phần ổn định đời sống, sản xuất…

Ông Đỗ Minh Điền, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, đề nghị chính quyền các cấp cùng với Sở triển khai các giải pháp tiết kiệm nước ngọt để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn.

Ông Đỗ Minh Điền, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, đề nghị chính quyền các cấp cùng với Sở triển khai các giải pháp tiết kiệm nước ngọt để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tại hội nghị các đại biểu cũng chỉ ra một số khó khăn tồn tại. Cụ thể, Giám đốc Sở NN&PTNT Phan Hoàng Vũ cho biết, kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung và thích ứng với biến đổi khí hậu. Công tác chống khai thác IUU vẫn còn bất cập, tình trạng tàu cá khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra. Ảnh hưởng biến đổi khí hậu gây ra tình trạng sụt lún, sạt lở, triều cường, ngập úng làm thiệt hại tài sản; hạn hán vào mùa khô gây thiếu nước sinh hoạt, sản xuất…

Theo kế hoạch năm 2025, ngành nông nghiệp đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP 5%, tổng sản lượng thủy sản đạt 660.000 tấn, trong đó sản lượng tôm 262.000 tấn; tổng sản lượng lúa 550.000 tấn, năng suất lúa bình quân đạt 4,59 tấn/ha; đàn heo xuất chuồng đạt 240.000 con; đàn gia cầm xuất chuồng 6.000.000 con. Tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán đạt 27%. Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96%. Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao 30%; số huyện đạt chuẩn nông thôn mới là 2 huyện…

Giám đốc Sở NN&PTNT ký kết chương trình phối hợp với Hội Nông Dân tỉnh và UBND TP Cà Mau.

Giám đốc Sở NN&PTNT ký kết chương trình phối hợp với Hội Nông Dân tỉnh và UBND TP Cà Mau.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo, thời gian tới, sở tiếp tục tiếp tục thực hiện chương trình đột phá của ngành theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, triển khai các chiến lược, đề án lớn về thủy sản khắc phục IUU, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao; tập trung tháo gỡ khó khăn cho ngành lâm nghiệp cũng như việc sắp xếp 2 công ty lâm nghiệp. Tập trung đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của ngành. Thực hiện chương trình xây dựng NTM gắn với kinh tế tập thể, sản phẩm OCOP; triển khai các giải pháp giảm nhẹ thiên tai và phòng chống dịch bệnh; tập trung thực hiện số hóa ngành nông nghiệp; sắp xếp tinh gọn bộ máy theo chủ trương của tỉnh và Trung ương.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử lưu ý sở tập trung 4 nhiệm vụ được xem là “trọng tâm trong trọng tâm”. Đó là việc sắp xếp hợp nhất Sở NN&PTNT và Sở Tài nguyên - Môi trường. Thực hiện chương trình đột phá của ngành nông nghiệp với trọng tâm là nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh theo hướng tập trung quy mô lớn, có sự vào cuộc đầu tư của doanh nghiệp và cả nuôi phân tán. Phải tập trung tuyên truyền sâu rộng để thay đổi nhận thức của bà con nông dân và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể. Đối với xây dựng NTM gắn với phát triển kinh tế tập thể và sản phẩm OCOP, phải quyết tâm cao nhất dù rất khó khăn. Tập trung số hóa ngành nông nghiệp để nâng cao hiệu quả quản lý ngành trong điều kiện tinh gọn bộ máy.

Nguyễn Phú

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tap-trung-so-hoa-nganh-nong-nghiep-a36430.html