Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế phát triển, đồng thời có giải pháp cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ… cho doanh nghiệp.

Ngày 3-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2023.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Ảnh: TTXVN

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với các báo cáo và ý kiến tại hội nghị. Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội quý I nhìn chung có xu hướng tích cực, đạt kết quả khả quan trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các khó khăn, thách thức còn nhiều. Ngay từ đầu năm, chúng ta đã nhận định tình hình có khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội, thuận lợi và đến nay chúng ta càng thấy nhận định này là đúng.

Thủ tướng chỉ rõ ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, tăng trưởng chưa được như kỳ vọng và mục tiêu đề ra, lạm phát cơ bản quý I tăng 5,01% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng thấp, rủi ro nợ xấu gia tăng, bất ổn bên ngoài tác động đến tình hình trong nước. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng âm, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) còn khó khăn…

“Dự báo tình hình quốc tế còn phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, cần phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, nỗ lực, quyết tâm hơn nữa, làm việc có trọng tâm, trọng điểm hơn nữa” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bám sát các quan điểm chỉ đạo để cụ thể hóa, tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tập trung thúc đẩy ba động lực tăng trưởng (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng). Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát…

Thủ tướng yêu cầu đưa ra giải pháp nhằm cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ… cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa: NGUYỆT NHI

Thủ tướng yêu cầu đưa ra giải pháp nhằm cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ… cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa: NGUYỆT NHI

Về các nhiệm vụ chung, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục nhất quán giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Theo đó, điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa lãi suất và tỉ giá, tăng trưởng và lạm phát, cung và cầu, giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình bên trong và bên ngoài.

Bên cạnh đó cần tập trung làm tốt công tác quy hoạch, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, ba chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, phát huy vai trò tích cực hơn của các tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN, tạo sinh kế cho người dân, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền việc cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ, giảm chi phí cho DN; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

NH Nhà nước cần thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; chỉ đạo các NH tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay.

Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, rà soát, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn pháp lý; tập trung đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng hạ tầng chiến lược. Nâng cao hiệu quả phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương; không trông chờ, ỷ lại, không để địa phương phải đi lại nhiều mà không được việc…

Dự báo những khó khăn trong nước và thế giới sẽ tiếp tục kéo dài trong năm 2023, Thủ tướng chỉ rõ chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng năm 2023 và chỉ tiêu kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, các bộ, ngành cần quyết tâm, nỗ lực lớn hơn, theo dõi, bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, có kịch bản, giải pháp phản ứng kịp thời, phù hợp, khó khăn thì khắc phục, thách thức thì vượt qua để đạt mục tiêu đã đề ra.

TP.HCM kiến nghị
nhiều chính sách

Báo cáo với Thủ tướng tại phiên họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP đã dự báo, nhận diện khó khăn, thách thức từ sớm và đã chủ động ban hành kế hoạch, triển khai giải pháp từ cuối năm 2022. Tuy vậy, kết quả phát triển kinh tế - xã hội giảm sâu hơn dự báo. Mức tăng trưởng của TP chỉ đạt 0,7% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân của sự sụt giảm là do ngành xây dựng và bất động sản gặp nhiều khó khăn. 90% bất động sản bị đóng băng; các vụ việc, vụ án ảnh hưởng nhiều đến tiến độ dự án bất động sản, tổ tháo gỡ bất động sản hoạt động tích cực nhưng kết quả chưa được nhiều. Nhiều ngành dịch vụ bị ảnh hưởng, các điều kiện tín dụng thắt chặt, nhiều DN cần vốn nhưng các điều kiện đáp ứng khó…

Ông Mãi cho biết TP đã họp sơ kết quý I để phân tích nguyên nhân, đề ra giải pháp cố gắng cải thiện tình hình trong quý II. Trong đó, TP tập trung quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho người dân và DN để thúc đẩy các dự án; thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư, bảo đảm đầu tư công diễn ra đúng tiến độ. Đồng thời tập trung hỗ trợ DN phát triển thị trường, tiếp cận nguồn vốn, giải quyết thủ tục…

“Mong Thủ tướng, các bộ, ngành có chính sách hỗ trợ đặc biệt xuất nhập khẩu, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại - du lịch; quan tâm phê duyệt chủ trương đầu tư cho dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài trước 30-4…” - ông Mãi kiến nghị. THANH TUYỀN

Tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng (NH) Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý có trọng tâm, trọng điểm.

Chỉ đạo các NH tiếp tục tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý và tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên; xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan đến NH yếu kém. Rà soát, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, phát triển nhà ở, nhất là gói 120.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 33 của Chính phủ. “Đề xuất các cấp có thẩm quyền giải pháp cơ cấu lại nợ, khoanh nợ, giãn nợ…” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ Tài chính được giao tăng cường quản lý thu chi ngân sách, tiết kiệm chi tối đa trong chi thường xuyên; khẩn trương trình cấp có thẩm quyền chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; hoàn thiện báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu DN giai đoạn 2022-2023 và đề xuất giải pháp.

Bộ KH&ĐT hoàn thành việc phân bổ chi tiết các kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2023, vốn cho chương trình phục hồi; chủ trì, tiếp tục rà soát cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân và DN.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng thực hiện tốt Nghị quyết 33, góp phần giải quyết những khó khăn của thị trường bất động sản. Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải đi từng địa phương, rà soát từng dự án, từng DN, từ việc giải quyết tại các dự án, địa phương cụ thể để nhân rộng.

Bộ Y tế tiếp tục tháo gỡ, xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc trong mua sắm, đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế, dứt khoát không để thiếu. Bộ Nội vụ khẩn trương thúc đẩy triển khai việc sắp xếp đơn vị hành chính theo nghị quyết của Bộ Chính trị…

Các địa phương tập trung chăm lo đời sống nhân dân và tháo gỡ khó khăn cho DN, sản xuất, kinh doanh. Làm tốt công tác quy hoạch, công tác giải phóng mặt bằng, vận động nhân dân để triển khai các dự án hạ tầng chiến lược, các chương trình mục tiêu quốc gia, giải ngân vốn đầu tư công...

Các bộ, ngành phối hợp đề xuất, tháo gỡ vướng mắc về luật pháp liên quan việc dùng kinh phí thường xuyên cho đầu tư phát triển; tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư, nhất là đầu tư công; đề xuất các quy định chuyển tiếp để xử lý tồn tại tại các dự án đầu tư công như hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An); chính sách visa cho người nước ngoài...•

Phân cấp, ủy quyền 700 thủ tục hành chính

Năm 2023 là năm đầu tiên Hà Nội thực hiện phân cấp, ủy quyền 700 thủ tục hành chính và 10 nhiệm vụ quản lý hành chính cho cấp quận, huyện. Đây cũng là một lý do để trong quý I Hà Nội có mức tăng trưởng 5,8%, trong đó thu ngân sách đạt 128.000 tỉ đồng, riêng thu nội địa 121.000 tỉ đồng, đạt 40% dự toán...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội TRẦN SỸ THANH

10.353 thuốc, vaccine… được gia hạn

Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 30 tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và Nghị định 07/2023 về quản lý trang thiết bị y tế đã cơ bản tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động nhập khẩu, đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, hoạt động của các bệnh viện cơ bản đã trở lại bình thường… Cuối tuần qua, bộ đã thực hiện gia hạn đợt 3 giấy phép lưu hành thuốc và đến nay đã có 10.353 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, vaccine và sinh phẩm y tế được gia hạn.

Bộ trưởng Bộ Y tế ĐÀO HỒNG LAN

Gỡ khó cho các dự án dở dang

Trong quý I, Bộ GTVT đã giải ngân được khoảng 17%, bình quân mỗi tháng giải ngân khoảng 8.000 tỉ đồng. Nếu giải ngân đầu tư công được thúc đẩy mạnh trong quý II sẽ tạo dư địa tăng trưởng, cùng với đó là tăng cường tháo gỡ các khó khăn cho DN, đặc biệt là các dự án dở dang.

Bộ trưởng Bộ GTVT NGUYỄN VĂN THẮNG

N.THẢO

Nguồn PLO: https://plo.vn/tap-trung-thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-post727047.html