Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án điện
Đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao, ngành điện đang nỗ lực tháo gỡ, giải quyết dứt điểm những vướng mắc, nhất là trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (BT - GPMB), đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án điện, tạo đà phát triển KT - XH của tỉnh.
Theo Công ty Điện Lực Vĩnh Phúc, giai đoạn 2016 - 2021 và hiện nay, việc đầu tư phát triển nguồn và lưới điện trên địa bàn tỉnh được triển khai tuân thủ đúng quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH của tỉnh.
Hiện, công ty quản lý vận hành 10 TBA 110kV, tổng công suất là 1.119,5MVA; 16 đường dây 110kV, tổng chiều dài hơn 150 km; số lượng xuất tuyến trung áp là 115, có chiều dài trung bình là 17km/xuất tuyến.
Lưới điện hạ áp có tổng chiều dài hơn 2.573 km cơ bản đã được đầu tư, sửa chữa... đảm bảo cấp điện phục vụ sản xuất, kinh doanh (SXKD) và sinh hoạt của nhân dân. Năm 2022, điện thương phẩm đạt 3,87 tỷ kWh tăng trưởng so với năm 2021 là hơn 7,2%.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nhu cầu sử dụng điện trên địa bàn tỉnh liên tục tăng cao, nhất là điện phục vụ công nghiệp xây dựng, với mức tăng trưởng bình quân đạt từ 12 - 15%/năm. Phụ tải tăng trưởng nhanh, nóng, nên hệ thống lưới điện 110kV trên địa bàn tỉnh luôn vận hành trong tình trạng mang tải cao.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn 4 huyện Sông Lô, Tam Dương, Tam Đảo, Yên Lạc chưa có trạm 110kV. Việc cấp điện cho các khu vực này được thực hiện từ các trạm 110kV lân cận có bán kính cấp điện xa nên chất lượng điện năng không ổn định vào những ngày cao điểm nắng nóng.
Đảm bảo cấp điện phục vụ phát triển KT - XH của tỉnh, ngành điện đã và đang chuẩn bị đầu tư xây dựng 3 dự án lưới điện truyền tải 500 - 220 kV (đường dây 500 kV Lào Cai - Vĩnh Yên; TBA 500 kV Vĩnh Yên; TBA 220 kV Bá Thiện và đường dây 220 kV Việt Trì - Tam Dương - Bá thiện) cùng 21 dự án lưới điện 110 kV trên địa bàn.
Song, trong quá trình triển khai xây dựng, một số dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc đăng ký quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phê duyệt hướng tuyến; công tác BT- GPMB chậm do các hộ dân yêu cầu giá cao vượt quy định, đề nghị phải thu hồi cả phần diện tích đất nằm ngoài dự án…
Đơn cử, dự án đường dây và TBA 110 kV Yên Lạc được khởi công từ tháng 10/2021 và kế hoạch đóng điện vào tháng 6/2023, nhưng đến nay dự án mới thi công xong hệ thống tiếp địa và san lấp được khoảng 40% mặt bằng trạm do một số hộ dân chưa chịu nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng.
Để việc đầu tư triển khai các dự án điện được thuận lợi, đúng tiến độ, ngành điện kiến nghị tỉnh sớm bổ sung, hoàn thiện quy hoạch lưới điện trên địa bàn; phê duyệt hướng tuyến và vị trí trạm biến áp theo hồ sơ chủ đầu tư đề xuất; phê duyệt đơn giá đất cụ thể cho các dự án; đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng thi công.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tích cực vào cuộc quản lý, xử lý những vi phạm của người dân trong việc sử dụng đất, đảm bảo an toàn hành lang lưới điện.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án điện trên địa bàn, tại buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam vào cuối tháng 6 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Chí Giang đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung, chủ động, linh hoạt hơn nữa trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, GPMB, quy hoạch hướng tuyến…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, là tỉnh công nghiệp nên Vĩnh Phúc đặc biệt quan tâm đến phát triển hạ tầng lưới điện và đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các đơn vị thành viên, chủ đầu tư các dự án tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với các cấp chính quyền tỉnh để giải quyết dứt điểm các vướng mắc, nhất là trong công tác GPMB, đảm bảo tiến độ thi công các dự án, nâng cao năng lực cung cấp điện trên địa bàn.