Tập trung tháo gỡ vướng mắc để đón 'sóng' đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam
Tại Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Tài chính tiếp tục khẳng định sẽ triển khai các giải pháp thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài, hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Sáng 12/3, tại Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chủ trì Hội nghị xúc tiến đầu tư “Việt Nam – Điểm đến đầu tư”. Đây là sự kiện tiếp nối thành công của Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc và nằm trong chương trình công tác xúc tiến đầu tư tài chính của Đoàn công tác của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN).
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết sau hơn 50 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, năm 2024 là năm đầu tiên Việt Nam và Nhật Bản triển khai thực hiện quan hệ "Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình và Thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới" vừa được nâng cấp kể từ tháng 11 năm 2023. Nhật Bản trở thành đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và Việt Nam cũng đã trở thành đối tác quan trọng của Nhật Bản tại Đông Nam Á.
Theo đó, Bộ trưởng kỳ vọng sau Hội nghị này, các doanh nghiệp hai nước sẽ có thêm nhiều ý tưởng và dự án hợp tác mới để làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế cũng như quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nhật Bản.
“Chúng tôi mong chờ vào sự tiếp tục thành công của doanh nghiệp Nhật Bản, nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam, vì sự thành công của các bạn cũng là sự thành công của chúng tôi.” Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, Bộ Tài chính đã giới thiệu đến các nhà đầu tư Nhật Bản về sự phát triển của thi trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong thời gian qua. Trong năm 2023, mặc dù chịu nhiều thách thức, khó khăn từ bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước, thế nhưng, TTCK Việt Nam phục hồi tốt. Nhờ đó, TTCK Việt Nam tiếp tục là điểm sáng thu hút nhà đầu tư tư trong và ngoài nước, là kênh dẫn vốn hiệu quả và quan trọng cho nền kinh tế.
Nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi là một trong những mục tiêu lớn mà Chính phủ Việt Nam đang hướng tới. Mục tiêu này đã được đưa vào đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Tại kỳ đánh giá vào tháng 9/2023, FTSE Russel tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thứ cấp và ghi nhận việc tái khẳng định cam kết của các Lãnh đạo cấp cao của các cơ quan quản lý TTCK Việt Nam trong công tác nâng hạng TTCK.
Bộ Tài chính, UBCKNN đã triển khai nhiều hoạt động các đối tác nước ngoài, trao đổi thông tin với các bên liên quan nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài và tháo gỡ những vướng mặc khi đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Chia sẻ những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp phát triển thị trường, hoàn thiện khung khổ pháp lý; chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực chứng khoán; phối hợp với các bộ, ngành liên quan tháo gỡ những khó khăn cho danh nghiệp; tập trung thanh tra, kiểm tra đảm bảo TTCK an toàn, minh bạch; đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, triển khai các giải pháp thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài, hướng tới nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.
Về phía các doanh nghiệp Nhật Bản, ông Takafumi Oue, trưởng văn phòng đại diện công ty chứng khoán Daiwa tại Việt Nam chia sẻ, từ năm 2008, Công đã tham gia nhiều hoạt động mua bán và sáp nhập thành công trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Đại diện Daiwa đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam được các nhà đầu tư Nhật Bản chào đón và khẳng định thời gian tới Daiwa sẽ mở rộng hoạt động tại Việt Nam, tạo cơ hội cho các nhà doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đầu tư vào Việt Nam.