Tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp

Thời gian qua do tình hình dịch COVID-19 kéo dài, giá nguyên vật liệu, khí đốt tăng cao, lạm phát, suy giảm kinh tế, tình hình thế giới có nhiều biến động…, đơn hàng của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, sản lượng, doanh thu giảm đã ảnh hưởng không nhỏ thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN). Song các chỉ tiêu trong năm 2022 đặt ra như: Thu hút đầu tư, Doanh thu, nộp ngân sách Nhà nước, kim ngạch xuất khẩu đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.

Nhiều khu, cụm công nghiệp hoàn thiện hạ tầng đón các nhà đầu tư như: KCN Phú Hà, CCN Thanh Ba... qua đó, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động.

Theo báo cáo của Ban quản lý các KCN, năm 2022 tỉnh đã cấp mới sáu dự án đầu tư trong nước (DDI), điều chỉnh 24 dự án; ba dự án FDI, điều chỉnh chứng nhận đầu tư 40 dự án. Tính đến nay, toàn tỉnh có 193 dự án còn hiệu lực, trong đó có 100 dự án DDI với tổng vốn đăng ký đầu tư 22.099 tỉ đồng và 93 dự án FDI có tổng vốn đăng ký đầu tư 1.923 triệu USD. Cùng với việc thu hút đầu tư, Ban quản lý các KCN còn thực hiện công tác quản lý, quy hoạch, phát triển hạ tầng và quy hoạch; quản lý môi trường, giải quyết các vấn đề thu gom và xử lý nước thải, rác thải của các doanh nghiệp; giám sát chất lượng môi trường của các doanh nghiệp nhằm quản lý, xử lý kịp thời các vấn đề về ô nhiễm phát sinh, hướng tới môi trường KCN xanh - sạch - đẹp... Đồng thời, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Theo đó đã có 85 doanh nghiệp với 3.822 người lao động đã được hưởng tiền hỗ trợ với tổng kinh phí gần 5 tỉ 800 triệu đồng...

Tuy nhiên, trong thời gian qua hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh COVID-19; một số doanh nghiệp phải cho người lao động nghỉ việc với số lượng lớn do không có đơn hàng. Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp do Trung tâm Phát triển hạ tầng KCN làm chủ đầu tư chậm, thiếu nguồn lực. Nhà máy nước thải tập trung tại KCN Trung Hà, CCN Bạch Hạc chưa được đầu tư xây dựng, không đảm bảo điều kiện hoạt động theo quy định. Công tác thực hiện thủ tục phê duyệt thủ tục đầu tư KCN Tam Nông, Hạ Hòa và lập quy hoạch phân khu KCN Thanh Ba, KCN Phú Hà giai đoạn II chậm, kéo dài. Một số doanh nghiệp chưa hoàn thiện ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh đơn giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải; đơn giá thuê hạ tầng; giá dịch vụ công cộng theo quyết định UBND tỉnh. Còn một số dự án khó khăn, vướng mắc kéo dài, nợ tiền thuê đất, thuê hạ tầng, chưa tháo gỡ được... Để thực hiện tốt những chỉ tiêu đã đặt ra vào năm 2023 là: Thu hút khoảng 700 tỉ đồng vốn đầu tư của các dự án đầu tư trong nước; 150 triệu USD vốn đăng ký đầu tư nước ngoài và một dự án đầu tư hạ tầng KCN; doanh thu đạt ước đạt: 60.000 tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước ước đạt: 1.500 tỉ đồng; kim ngạch xuất khẩu ước đạt: 12.000 triệu USD và ổn định lao động cho 57.000 lao động với mức thu nhập bình quân là 7,8 triệu đồng/người/tháng.

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Hanh - Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh chia sẻ: Ban quản lý tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cơ chế một cửa liên thông, thường xuyên rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính qua bộ phận “Một cửa” điện tử. Tăng cường đổi mới phương thức xúc tiến đầu tư, đa dạng hóa bằng nhiều hình thức; ưu tiên thu hút các dự án sản xuất kinh doanh lựa chọn theo định hướng của tỉnh, phù hợp với tính chất từng KCN; phối hợp, đôn đốc thực hiện hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư xây dựng KCN Tam Nông, Hạ Hòa và KCN Thụy Vân mở rộng; lập quy hoạch phân khu xây dựng KCN Phú Hà giai đoạn II, KCN Phù Ninh giai đoạn I, KCN Thanh Ba giai đoạn I theo chủ trương của UBND tỉnh.

Thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát sau đầu tư; công tác quản lý quy hoạch xây dựng tại các khu, cụm công nghiệp; giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Nắm bắt, giám sát kịp thời doanh nghiệp gặp khó khăn, hoạt động kém hiệu quả, ngừng sản xuất, nợ thuế, vi phạm kinh doanh thương mại để có phương án giải quyết. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về lao động nước ngoài làm việc trong khu, cụm công nghiệp. Phối hợp với Công đoàn các KCN hướng dẫn và đôn đốc kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện pháp luật về lao động, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, của chủ doanh nghiệp... có như vậy mới đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra.

Anh Tú

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/tap-trung-thu-hut-dau-tu-vao-cac-khu-cong-nghiep/190468.htm