Tập trung thúc đẩy, phát triển bứt phá 3 trụ cột kinh tế
Đó là một trong những chỉ đạo của đồng chí Dương Văn An - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tại cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Tuy Phong về kết quả 2,5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025 vào sáng ngày 26/9.
Cùng dự họp có các đồng chí: Nguyễn Hoài Anh - Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Đoàn Anh Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh; các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, UBND tỉnh cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Dân - Bí thư Huyện ủy cho biết, qua 2,5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX nhiệm kỳ 2020 – 2025, có 4/5 chỉ tiêu đạt kế hoạch hàng năm; 5/10 chỉ tiêu đạt kế hoạch 5 năm. Thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm và 2 khâu đột phá đạt một số kết quả quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình an ninh trật tự, nâng cao đời sống nhân dân.
Cuộc họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Tuy Phong.
Vườn nho ở xã Phước Thể - Tuy Phong (ảnh: N. Lân)
Nổi bật, du lịch từng bước phục hồi, ước 9 tháng năm 2023, thu hút 1,1 triệu khách, đạt 76,38% kế hoạch, tăng 37,7% so cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh, một số sản phẩm nông nghiệp bước đầu khẳng định được thương hiệu, chất lượng như cây nho, cây táo. Năm 2022, thu ngân sách gần 368,6 tỷ/216 tỷ đồng, đạt 170,6% kế hoạch, ước 9 tháng năm 2023, thu đạt 239 tỷ/310 tỷ đồng, đạt 77,1% kế hoạch… Song song đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chọn và tập trung, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết có kết quả 4 vấn đề bức xúc của huyện...
Ngành năng lượng tái tạo tiếp tục phát triển nhanh (ảnh:N. Lân)
Bên cạnh đó, Tuy Phong còn những khó khăn, tồn tại như hầu hết các trạm y tế trên địa bàn huyện không có bác sĩ, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho y tế thiếu và yếu; đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp còn chậm; thiếu giáo viên, thiếu trang thiết bị dạy và học ở một số trường; xử lý những vụ việc nổi cộm chưa triệt để…
Du lịch từng bước phục hồi, đặc biệt tour tuyến cung đường Tà Năng - Phan Dũng
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An ghi nhận những nỗ lực của Ban Thường vụ Huyện ủy Tuy Phong đã đạt được. Qua đó, đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp thu những ý kiến của các đại biểu dự họp và có những giải pháp, định hướng cho thời gian tới. Về những hạn chế, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh thêm, kinh tế của huyện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Thu ngân sách của huyện những năm qua đạt và vượt so với chỉ tiêu, nhưng đang có xu hướng tụt hạng so với các địa phương khác. Năm 2020, huyện đứng thứ 3, nhưng đến năm 2022, huyện tụt hạng đứng thứ 5. Không chỉ vậy, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch dịch vụ chưa có sự phát triển bứt phá, tình trạng rác thải, vệ sinh môi trường còn tồn tại, nhất là an ninh trật tự còn diễn biến phức tạp…
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An ghi nhận những nỗ lực của Ban Thường vụ Huyện ủy Tuy Phong đã đạt được.
Thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Huyện ủy tập trung thúc đẩy, phát triển bứt phá 3 trụ cột kinh tế (công nghiệp – nông nghiệp và du lịch) góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện nói riêng và của tỉnh nói chung. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các khu công nghiệp, các địa bàn dân cư, các dự án trọng điểm, dự án du lịch trên địa bàn. Rà soát, tham mưu tỉnh kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai. Khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp, quan tâm chế biến các sản phẩm từ ngành ngư nghiệp tạo giá trị gia tăng mới. Đặc biệt, về phát triển du lịch Hòn Cau, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Huyện ủy quan tâm, phát triển du lịch nhưng không ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh, không ảnh hưởng đến khu bảo tồn sinh sản rùa biển. Nghiên cứu xây dựng mô hình “Du lịch không túi ni lon, không rác thải nhựa” khi khách đến tham quan nơi đây.
Toàn cảnh cuộc họp.
Ngoài ra, đồng chí Dương Văn An mong muốn Huyện ủy nghiên cứu quỹ đất đẹp bố trí tái định cư các hộ dân sống giáp ranh Đền thờ Hùng Vương – Phan Rí Cửa, để mở rộng không gian, phát triển, tôn tạo, xứng tầm là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ ngư dân tôn tạo, nâng cấp các Dinh, Vạn, Đền lăng ông Nam Hải ở các làng chài để bảo tồn, giữ gìn nét văn hóa lâu đời.
Đồng thời, bên cạnh nguồn lực đầu tư công, huyện phải huy động nguồn lực xã hội hóa để tham gia nâng cao chất lượng y tế, giáo dục, các thiết chế văn hóa. Tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, người đứng đầu trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công tác dân vận, chú ý xử lý tốt các vấn đề phức tạp liên quan đến dân tộc, tôn giáo, ô nhiễm môi trường phát sinh, tranh chấp đất đai, khiếu nại… không để phát sinh các vụ tụ tập đông người, mất an ninh trật tự trên địa bàn…