Tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Qua báo cáo tổng hợp của Thường trực HĐND tỉnh, tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Sóc Trăng khóa X, UBND tỉnh nhận được 135 kiến nghị của cử tri và đại biểu HĐND tỉnh, trong đó đặc biệt quan tâm đến giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tạo điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tăng cường các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19
Trả lời kiến nghị của cử tri, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho biết, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, tại Sóc Trăng, ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đầu tiên được phát hiện vào ngày 4-7-2021. Với sự vào cuộc nhanh chóng, tập trung của các ngành, các cấp, cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của doanh nghiệp, nhân dân, tình hình dịch trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát tốt.
Sóc Trăng là tỉnh đầu tiên trong cả nước áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo mức độ nguy cơ (4 vùng). Vận dụng linh hoạt Chỉ thị số 16, Chỉ thị số 15 và Chỉ thị số 19 của Thủ tướng Chính phủ để quy định việc quản lý hoạt động xã hội ở từng vùng. Quyết định này đã tạo ra nhiều thuận lợi và hiệu ứng tích cực trong xã hội. Được nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp ủng hộ, đánh giá cao. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản được tạo điều kiện nhưng vẫn đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 10-2021 đến nay, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp, số ca ngày càng tăng, đáng lo ngại là nhiều ca phát hiện trong cộng đồng. Điều này gây sức ép rất lớn lên hệ thống y tế của tỉnh. Mặc dù vậy, tình hình đến nay vẫn trong tầm kiểm soát. Số ca tử vong do mắc Covid-19 chiếm tỷ lệ thấp (khoảng 0,6%), thấp hơn bình quân của cả nước (2%). Điều này là nhờ sự tận tình chăm sóc và điều trị của ngành y tế và độ bao phủ vắc xin của tỉnh khá tốt. Tỷ lệ tiêm mũi 1 cho người trên 18 tuổi đạt trên 96%; tỷ lệ tiêm mũi 2 cho người trên 18 tuổi đạt trên 87%; tỷ lệ tiêm mũi 1 trong độ tuổi từ 12 - 18 tuổi trên 96%; tỷ lệ tiêm mũi 2 trong độ tuổi từ 12 - 18 tuổi đạt thấp chỉ 28% do còn nhiều cháu chưa đủ thời gian tiêm mũi 2.
Đối với việc tiêm vắc xin mũi 2 cho người trên 18 tuổi chỉ mới đạt trên 87% có nhiều lý do: có một số trường hợp lúc đầu không chọn tiêm, đến nay mới tiêm mũi 1 nên chưa đủ thời gian tiêm mũi 2; một số trường hợp bệnh nền chống chỉ định; có số liệu quản lý dân cư nhưng không có mặt tại địa phương… Đối với việc tiêm vắc xin, tỉnh đã có rất nhiều giải pháp động viên, tuyên truyền, giáo dục để bà con đến tiêm, có những trường hợp phải đi tận nhà tiêm và UBND tỉnh cũng có văn bản thông báo tất cả người dân từ 12 tuổi trở lên nếu ai chưa tiêm phải đến ngay trung tâm y tế đăng ký để được tiêm, trường hợp nếu không tiêm thì không được tham gia các hoạt động xã hội và không được di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác…
Tạo điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Tăng trưởng GRDP năm 2021 tuy đạt thấp, nhưng nếu xét trong bối cảnh đại dịch và so với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long thì kết quả đáng khích lệ. Tăng trưởng kinh tế cả năm 2021 ước đạt 1,18%, trong đó: khu vực I tăng 0,22%; khu vực II tăng 4,32%; khu vực III tăng 0,77%. Tăng trưởng của tỉnh đứng thứ 3 trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Điển hình như sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng về sản lượng và có bước phát triển về chất lượng; lĩnh vực công nghiệp, thương mại và đặc biệt là xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng khá tốt; thu ngân sách vượt 5% dự toán; tăng trưởng tín dụng đạt khá, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%; về giải ngân đầu tư có nhiều cố gắng; các chính sách an sinh xã hội được triển khai tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, trong bối cảnh khó khăn chung, tình hình tỉnh Sóc Trăng vẫn còn những hạn chế như: sản xuất nông nghiệp tuy đạt về sản lượng nhưng tiêu thụ nông sản khó khăn, giá đầu vào tăng trong khi giá tiêu thụ không tăng, thậm chí giảm so với cùng kỳ; nông dân không có lãi, thua lỗ hoặc lấy công làm lời, đời sống chậm được cải thiện; có trường hợp rơi vào cảnh khó khăn. Phát triển doanh nghiệp chậm lại, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm, trong khi số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng. Giải quyết việc làm giảm đến 43% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp đối mặt với thách thức thiếu lao động. Đời sống một bộ phận nhân dân khó khăn nay càng khó khăn hơn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều lao động mất việc làm, không có thu nhập. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, các hoạt động văn hóa, thể thao, giáo dục trực tiếp bị tạm dừng. Ảnh hưởng lớn đến tiếp cận giáo dục, phát triển đến tâm sinh lý của trẻ nhỏ…
Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo điều hành theo hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đồng thời tạo điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, tập trung các nhiệm vụ, giải pháp và ưu tiên giải quyết các vấn đề sau: tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm chào mừng 30 năm tái lập tỉnh. Tập trung hoàn thành quy hoạch tỉnh với tầm nhìn dài hạn, đảm bảo phù hợp với thực tế địa phương và khả thi. Nghiên cứu, lập quy hoạch vùng huyện Cù Lao Dung để đầu tư bài bản theo định hướng phát triển kinh tế du lịch xanh.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng, trong những năm qua do biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, mặt đất sụp lún tác động rất lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân Sóc Trăng. Nhiều người phải rời địa phương đi làm thuê, làm mướn, làm công nhân ở nhiều nơi, xa gia đình, bỏ con nhỏ ở quê nhà. Thiếu sự chăm sóc, giáo dục nên có em vướng vào các tệ nạn xã hội… Điển hình qua đợt dịch bệnh Covid-19, người dân đi làm thuê từ các nơi khác về quê Sóc Trăng rất nhiều. Thấy được điều đó, Tỉnh ủy liên tục tạo thế, tạo thời để chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp. Để tỉnh phát triển, có nhiều khu, cụm công nghiệp tạo việc làm cho người dân tại địa phương, ngày 22-9-2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống Cảng biển Việt Nam, trong đó có Cảng biển Trần Đề (Sóc Trăng). Hiện nay, tỉnh đang xúc tiến những phần việc tiếp theo. Có thể nói đây là sự dày công, kiên trì của Tỉnh ủy qua nhiều nhiệm kỳ đến nay mới có được, khơi dậy tiềm năng của tỉnh để thu hút các nhà đầu tư lớn, Sóc Trăng sẽ bứt phá trong tương lai gần. Song song đó, tỉnh sẽ tập trung huy động nguồn lực đầu tư phát triển TP. Sóc Trăng trở thành đô thị loại II, hướng đến đô thị loại I trong tương lai. Coi trọng, thúc đẩy và đóng góp quan trọng để liên kết vùng, tiểu vùng đi vào thực chất, hiệu quả.