Tập trung tiêu chí môi trường
Cả hệ thống chính trị và Nhân dân trên địa bàn huyện Ngọc Hiển đang dốc sức, chung lòng để đưa huyện về đích NTM vào năm 2025 theo lộ trình đề ra. Theo đó, ở các địa phương trong huyện xuất hiện những cách làm hay, sáng tạo, nhằm gỡ khó trong thực hiện 19 tiêu chí, nhất là tiêu chí môi trường (tiêu chí số 17), mở ra tín hiệu lạc quan để huyện cực Nam đạt chuẩn đúng hẹn.
Tại xã Ðất Mũi, trước đây, tình trạng ô nhiễm từ rác thải sinh hoạt trên địa bàn diễn ra khá phổ biến khiến địa phương khó đạt 2 nội dung trong tiêu chí số 17 gồm: xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn và tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý theo quy định.
Ông Võ Công Trường, Chủ tịch UBND xã, cho biết, do tập quán sinh sống, người dân cất nhà ở ven các tuyến sông, rạch. Theo thói quen, nhiều hộ trực tiếp vứt rác thải sinh hoạt xuống sông hoặc xung quanh nhà khiến môi trường ở địa phương, nhất là khu đông dân cư bị ô nhiễm, mất vẻ mỹ quan. Ðịa phương đã nhiều lần phát động cán bộ, đoàn viên, thanh niên, hội viên các hội, đoàn thể ra quân thu gom, xử lý, thế nhưng sau đợt ra quân vài ngày thì đâu cũng lại vào đấy.
“Sau thời gian quyết liệt triển khai hàng loạt kế hoạch, giải pháp, môi trường ở xã đổi thay đáng kể, diện mạo nông thôn ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp”, ông Trường thông tin thêm.
Minh chứng cụ thể từ phong trào “Ðổi rác lấy quà” ở ấp Cái Mòi. Một buổi chiều muộn, trụ sở ấp đông đúc, náo nhiệt hẳn khi hàng chục em nhỏ và học sinh vây quanh cán bộ Ðoàn và phụ nữ ấp để bán ve chai. Mỗi em lỉnh kỉnh bao, bọc đựng chai nhựa, hộp giấy, tấm tôn vụn, sắt vụn... tập trung ngay nhà sinh hoạt văn hóa để bán.
Nhận được 20 ngàn đồng, em Nguyễn Tấn Ðạt, 10 tuổi, ấp Cái Mòi, hồ hởi: “Mỗi ngày sau khi đi học về, con cùng với các bạn trong xóm thường rủ nhau đi lượm ve chai xung quanh nhà để bán kiếm tiền đi học. Chú trưởng ấp nói, miễn là chai lọ, bao, bọc, kể cả vỏ hàu, vỏ ốc gì thì ông cũng mua, do đó ngày nào con cũng gom, vừa bán lấy tiền, vừa làm sạch môi trường nên con rất thích”.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ấp, chia sẻ, tiêu chí môi trường là điểm nghẽn lớn nhất khiến địa phương trăn trở. Ðể gỡ nút thắt này, ấp đã vận động nguồn tài trợ tặng thùng, sọt đựng rác miễn phí cho bà con, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt đúng quy định.
Ngoài ra, ông Hiền còn phát động phong trào “Ðổi rác lấy quà” đến từng em nhỏ và học sinh trên địa bàn. Mỗi ký rác thải, ve chai được mua với giá từ 1-3 ngàn đồng. Ngoài trả tiền thu mua, ông còn tặng thêm quà, bánh, kẹo, nước uống, tạo động lực cho các bạn nhỏ tham gia. Nguồn chi phí ban đầu do ông tự bỏ ra, từ giữa năm 2022, ấp có nguồn tài trợ cho phong trào và đã thu mua hơn 2 tấn rác.
Chị Nguyễn Thị Hồng Ngọc, ngụ ấp Cái Mòi, chia sẻ: “Chứng kiến những em nhỏ, học sinh vất vả lượm ve chai để bán kiếm tiền, góp phần làm sạch môi trường, gia đình tôi đã ý thức, không còn vứt rác bừa bãi như trước. Rác thải được gia đình phân loại, xử lý hẳn hoi theo hướng dẫn của chính quyền, góp phần bảo vệ môi trường và xây dựng NTM”.
Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã xuất hiện, lan tỏa những mô hình khéo, cách làm hay trong xử lý rác thải, bảo vệ môi trường. Toàn huyện có gần 7.600 hộ thực hiện phân loại rác tại nguồn; hơn 10.100 hộ gia đình có ít nhất một loại hình xử lý rác thải; chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại được thu gom, xử lý đạt 91%; xây dựng được 147,7 km đường có cảnh quan, không gian xanh - sạch - đẹp; hàng trăm cây số hàng rào cây xanh, hoa kiểng được người dân trồng, cắt tỉa đẹp mắt dọc theo các tuyến lộ, tô điểm cho làng quê thêm khang trang, rạng rỡ./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tap-trung-tieu-chi-moi-truong-a31821.html