Tập trung trí tuệ, đề ra các giải pháp hiệu quả thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Sáng 28/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương, cơ quan nhằm bàn các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Ủy viên T.Ư Đảng; điểm cầu trực tuyến các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Phát biểu ý kiến mở đầu hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hội nghị này bàn chủ đề hết sức quan trọng là thúc đẩy, tìm giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng hoan nghênh sự có mặt của các đại biểu, thể hiện tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cao để bàn bạc, đánh giá, có những nhiệm vụ, giải pháp thật sự hiệu quả để thúc đẩy đầu tư công từ năm đến cuối năm, chuẩn bị cho năm 2022.
Thủ tướng nêu rõ, đầu tư công được bố trí gần 500 nghìn tỷ đồng, cho đến nay, chúng ta mới giải ngân được 47,38% số vốn này; như vậy còn khoảng 250 nghìn tỷ đồng chưa được giải ngân từ nay đến cuối năm theo kế hoạch đề ra. Tình hình khó khăn lúc này thì việc giải ngân đầu tư công là một trong những giải pháp để góp phần khôi phục và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đây là việc hết sức quan trọng, do đó hội nghị này sẽ phân tích, mổ xẻ, đánh giá xem những gì đã làm được, chưa làm được, nguyên nhân vì sao, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó chúng ta đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức thực hiện thế nào để thật sự hiệu quả, nhất là sử dụng vốn đầu tư công vừa bảo đảm đúng tiến độ, khả thi, nâng cao chất lượng, chống tiêu cực, tham nhũng, sách nhiễu, lợi ích nhóm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát như thế nào để đạt mục tiêu đề ra.
Thủ tướng mong các đại biểu tập trung trí tuệ, suy nghĩ, tìm ra giải pháp tốt nhất, hiệu quả nhất để chúng ta lãnh đạo, chỉ đạo vì đây là nguồn lực rất lớn để góp phần khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội từ nay đến cuối năm, tạo tiền đề cho năm 2022.
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, giải ngân vốn đầu tư công là nguồn lực, động lực để góp phần khôi phục, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới. Do đó cần đánh giá đúng tình hình, nhận biết đúng hạn chế bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ, thể hiện quyết tâm cao phải khắc phục bằng được để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn thời gian tới, quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công ở mức cao nhất có thể.
Về tình hình giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng qua, Thủ tướng đánh giá, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều chỉ đạo sát sao, Quốc hội luôn đồng hành Chính phủ tháo gỡ mọi vướng mắc liên quan thể chế.
Ngay sau khi được kiện toàn, Chính phủ đã xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm. Qua các năm, chúng ta nhận thấy điểm yếu là giải ngân đầu tư công và việc tổ chức thực hiện, thiếu thông suốt đồng bộ từ trên xuống, dẫn đến khắc phục các tồn tại yếu kém chưa được kịp thời. Nguyên nhân có phần do khách quan vì dịch Covid-19 diễn biến ngoài dự báo, việc ứng phó và thực hiện phòng, chống dịch lúc đầu cũng có bị động, lúng túng, ảnh hưởng việc giải ngân do thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội. Trong điều kiện như vậy, cũng có bộ, ngành, địa phương giải ngân rất tốt, bảo đảm tăng trưởng, giải quyết việc làm. Như vậy, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, thể hiện ở một số điểm như: việc chuẩn bị đầu tư dự án, tính toán không kỹ càng, dàn trải; thiếu tập trung để lãnh đạo, chỉ đạo; dàn trải không đúng với bản chất đầu tư công là đầu tư cho phát triển.
Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp tổ chức thực hiện vẫn còn những điểm yếu, thời điểm thiếu tập trung, thiếu sâu sát, cụ thể, khâu kiểm tra giám sát chưa thực hiện nghiêm túc. Vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB) vướng mắc, thiếu minh bạch, công bằng, chưa làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân.
Việc chuẩn bị dự án sơ sài, khi vướng mắc tháo gỡ khó; công tác đấu thầu thiếu minh bạch, chọn nhà thầu không đủ năng lực; ban quản lý, chủ đầu tư năng lực yếu kém, kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm; việc xử lý vi phạm không làm dứt điểm kịp thời; công tác thẩm định, tư vấn còn nhiều chậm chạp, hạn chế. Liên quan vốn ODA thì giải ngân chậm, có cả nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan, phải chỉ ra và khắc phục ngay.
Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương các địa phương, cơ quan, đơn vị có tỷ lệ giải ngân trên 60%; nêu rõ, tỷ lệ này còn ít. Chúng ta phải phê bình nghiêm khắc các bộ, ngành giải ngân dưới 40%; đề nghị cấp ủy, chính quyền thực hiện kiểm điểm nghiêm túc vấn đề này, chỉ đạo, rút kinh nghiệm để làm tốt hơn; xem xét các tổ chức, cá nhân trì trệ, vi phạm thì phải xử lý nghiêm khắc, đúng người đúng việc, đúng pháp luật. Khen thưởng kịp thời những người làm tốt.
Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới, bối cảnh quốc tế, trong nước có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, dịch Covid-19 còn có thể kéo dài gây tác động trầm trọng cho kinh tế, đời sống sinh kế của nhân dân. Vừa qua, Chính phủ và Ban Chỉ đạo đã thống nhất lộ trình mở cửa nền kinh tế và phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Trên tinh thần đó, các bộ, ngành, địa phương căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế mở cửa phù hợp để chống dịch tốt, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Từ nay đến cuối năm chỉ còn 3 tháng, trong khi số vốn chưa giải ngân còn trên 50%, là thách thức lớn đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao mới thực hiện được. Do đó cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy; tăng cường tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt phù hợp trong tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền, coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng từ nay đến cuối năm để tổ chức thực hiện có trọng tâm trọng điểm, sử dụng nguồn lực này để khôi phục, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội.
Nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, đặc biệt là người đứng đầu. Hoàn thành giải ngân đạt tỷ lệ cao nhất, nhiều nhất có thể, bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng trong điều kiện khó khăn, bảo đảm tiết kiệm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể, tự lực tự cường, biến khó khăn thành động lực để giải ngân hiệu quả, đúng tiến độ, khắc phục những hạn chế, bất cập.
Thủ tướng lưu ý việc giao vốn cho các dự án thì phải chuẩn bị, thẩm định kỹ càng; các cơ quan, địa phương phải lựa chọn kỹ, đúng với mục đích dự án cho phát triển, tạo ra nguồn lực, vốn đầu tư phát triển với tinh thần lấy vốn nhà nước là vốn mồi, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn vốn cho phát triển. Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phát huy vai trò chỉ đạo, lãnh đạo vấn đề này; nêu cao tinh thần trách nhiệm để lãnh đạo, chỉ đạo; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tăng cường giám sát, kiểm tra, xử lý các vi phạm; cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; coi đây là một trong những tiêu chuẩn đánh giá cán bộ cuối năm.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác GPMB khi triển khai dự án; lập hồ sơ thanh quyết toán, các bộ ngành nhất là Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc này. Hoàn thành việc giao vốn chi tiết các dự án khởi công mới, chủ động điều chỉnh vốn từ dự án triển khai chậm sang dự án giải ngân tốt hơn. Nhanh chóng điều chỉnh phù hợp; tiếp tục rà soát các quy định vướng mắc, liên quan thẩm quyền. Không đùn đẩy trách nhiệm; chủ động phối hợp chặt chẽ, tích cực hơn. Cái gì vướng mắc thể chế của Chính phủ thì các bộ, ngành, cơ quan tập hợp để Chính phủ họp và giải quyết theo tinh thần nhanh nhất. Những gì vượt quá thẩm quyền phải trình cấp trên; phải đánh giá tác động kỹ lưỡng, nêu rõ lý do, vì sao phải sửa. Quan trọng nhất là khi trình, báo cáo, đề xuất phải chính sách có lý, có tình; phải lấy ý kiến các cơ quan liên quan trước khi trình.
Tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa; sau ngày 30/9 phải mở cửa và thích ứng an toàn, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại các thủ tục hành chính, cắt giảm tối đa, không gây phiền hà; tăng cường làm việc trực tuyến, hạn chế việc “chạy đi, chạy lại” lo thủ tục, giấy tờ, mất thời gian; tiết kiệm cho dân, cho nước.
Bộ Tài chính rà soát các thủ tục, rút ngắn các thời gian thanh quyết toán, rút vốn. Thẩm quyền thuộc bộ, ngành nào thì phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, cố gắng nhất tháo gỡ. Văn phòng Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư công khai giải ngân của các bộ, ngành, địa phương lên các Cổng thông tin điện tử. Về vấn đề các địa phương kiến nghị thí điểm tách khâu GPMB ra khỏi dự án đầu tư, Thủ tướng giao Bộ trưởng Tư pháp phối hợp nghiên cứu đề xuất giải pháp thí điểm. Đây là bài toán thực tiễn đặt ra, nếu cần thì trong ngay trong kỳ họp tới xin Quốc hội cho thí điểm.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm, nhờ có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, người dân và xã hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội và đặc biệt là sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương, đến nay nước ta cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và trạng thái bình thường mới đang dần được thiết lập trong mọi hoạt động kinh tế xã hội. Tuy nhiên , mức tăng trưởng GDP của quý III dự báo đạt thấp là điều đáng quan tâm. Trong bối cảnh đó, việc đẩy mạnh đầu tư công là một trong những giải pháp ưu tiên, quan trọng nhất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Kế hoạch đầu tư vốn Ngân sách Nhà nước năm 2021 đã được Thủ tướng Chính phủ giao một lần cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương từ cuối năm 2020 với tổng số vốn là 461.300 tỷ đồng (chiếm 96,6% kế hoạch đã được Quốc hội quyết định), còn lại 16.000 tỷ đồng (chiếm 3,4%) vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia phải hoàn thiện thủ tục. Đến hết ngày 15/9/2021, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao chi tiết cho các dự án là 404.976,159 tỷ đồng, đạt 87,8% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao từ đầu năm; số vốn còn lại chưa giao chi tiết là 56.323,841 tỷ đồng, bằng 12,2% kế hoạch.
Thực hiện các Quyết định số 1535/QĐ-TTg và số 59/QĐ-TTg ngày 15/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2021 cho các nhiệm vụ, dự án khởi công mới trong năm 2021 với tổng số vốn là: 1.232,369 tỷ đồng.
Tổng số dự án triển khai trong năm 2021 khoảng 2.511 dự án (vốn trong nước: khoảng 2.114 dự án, vốn nước ngoài: khoảng 397 dự án), trong đó: 2.021 dự án chuyển tiếp và 490 dự án khởi công mới; mức vốn bố trí trung bình cho một dự án sử dụng vốn trong nước là 50,8 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 118,6 tỷ đồng, trung bình mỗi bộ, cơ quan Trung ương và địa phương bố trí cho 4,3 dự án khởi công mới.
Đối với vốn ngân sách Trung ương hiện nay còn 34 bộ, cơ quan Trung ương và 37 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao; vốn ngân sách địa phương còn 14 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, nguyên nhân là do nguồn thu giảm, một số dự án dự kiến bố trí từ nguồn thu xổ số kiến thiết nhưng chưa đủ thủ tục đầu tư và cũng không thể điều chỉnh nguồn thu này cho dự án khác...
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, thực hiện giải ngân 8 tháng đạt 183.320,91 tỷ đồng, đạt 39,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (461.300 tỷ đồng); dự kiến giải ngân đến 30/9/2021 là 218.550,92 tỷ đồng, đạt 47,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2020 đạt 56,33%), trong đó vốn trong nước đạt 51,71% (cùng kỳ năm 2020 là 60,88%), vốn nước ngoài đạt 12,69% (cùng kỳ năm 2020 đạt 21,65 %).
Đến nay có 4 bộ và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt hơn 60%; 46/50 bộ, cơ quan Trung ương và 52/63 địa phương giải ngân dưới 60 % kế hoạch vốn ngân sách Trung ương đã được giao từ đầu năm 2021.
Tính đến ngày 27/9/2021, có 15 bộ, cơ quan Trung ương và 23 địa phương ngân sách Trung ương năm 2021 với tổng số vốn 21.771,492 tỷ đồng, trong đó vốn trong lại kế hoạch đầu tư vốn nước là 3.917,057 tỷ đồng; vốn nước ngoài là 17.854,435 tỷ đồng. Có 6 địa phương có văn bản đề nghị bổ sung kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương với tổng số vốn là 1.643,888 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương trong nước là 1.595 tỷ đồng của 5 địa phương...