Tập trung triển khai hiệu quả 'Tháng hành động vì an toàn thực phẩm'
'Tháng hành động vì ATTP' năm 2022 diễn ra từ ngày 15/4 đến ngày 15/5, với chủ đề 'Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình bình thường mới'.
“Tháng hành động vì ATTP” năm 2022 diễn ra từ ngày 15/4 đến ngày 15/5, với chủ đề “Tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nông sản thực phẩm trong tình hình bình thường mới”.
Mục tiêu của tháng hành động nhằm tăng cường công tác thông tin, truyền thông chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm về ATTP nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về ATTP. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, quảng cáo thực phẩm; tăng cường giám sát nhằm giảm thiểu ngộ độc thực phẩm do thực phẩm không an toàn. Nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về ATTP trên địa bàn tỉnh.
Tuyến tỉnh thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành do Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì kiểm tra công tác ATTP tại 6 huyện, thị xã, thành phố cũng như các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Các đơn vị đồng thời sẽ thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành về ATTP theo phân công, phân cấp quản lý. Công an tỉnh tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP, chỉ đạo các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có hành vi vi phạm.
UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo phân cấp quản lý. Các sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với các ngành liên quan triển khai hiệu quả công tác bảo đảm ATTP trong tháng hành động.
Song song với hoạt động thanh tra, kiểm tra, công tác truyền thông cũng được tăng cường. Trong đó đối tượng ưu tiên truyền thông là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng và người tiêu dùng thực phẩm. Nội dung truyền thông tập trung vào nâng cao kiến thức, trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm theo quy định. Truyền thông, quảng bá các sản phẩm, địa chỉ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp chất lượng, an toàn. Đẩy mạnh tuyên truyền các sản phẩm chủ lực địa phương theo chuỗi giá trị gắn với ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến.
Tiếp tục tuyên truyền chương trình phối hợp giữa Chính phủ - Hội Nông dân Việt Nam – Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam “Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025”; đề án “Xây dựng và phát triển mô hình cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc”… Phổ biến, vận động người tiêu dùng lựa chọn và sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn, nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.
Thời gian qua, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác thông tin tuyên truyền đã được đẩy mạnh giúp thay đổi nhận thức và hành vi trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm theo chiều hướng tốt hơn, góp phần củng cố niềm tin của người tiêu dùng. Công tác thanh tra, kiểm tra được duy trì thường xuyên, có trọng điểm. Công tác kiểm nghiệm và phòng ngừa nguy cơ ngộ độc thực phẩm được triển khai hiệu quả, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm rõ rệt, không có vụ ngộ độc thực phẩm tập trung.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 5.106 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố và bếp ăn tập thể. Trong đó, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và dịch vụ ăn uống chiếm trên 81%. Trong dịp Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân 2022, toàn tỉnh đã tổ chức 121 đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành kiểm tra công tác ATTP tại 643 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Số cơ sở vi phạm là 141, trong đó 5 cơ sở bị xử lý vi phạm với số tiền 13 triệu đồng (4 cơ sở kinh doanh thực phẩm và 1 cơ sở dịch vụ ăn uống). Trong dịp Tết Nguyên đán ghi nhận 10 ca ngộ độc thực phẩm lẻ tẻ, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021; tuy nhiên số phải nhập viện chỉ có 5 ca, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2021.
Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (VSTP) tỉnh đã tổ chức 2 đoàn giám sát, kiểm soát ATTP phục vụ Lễ hội Tịch điền năm 2022 và lễ khởi công đường nối 2 cao tốc Pháp Vân-Ninh Bình và Hà Nội-Hải Phòng với trên 200 suất ăn, xét nghiệm nhanh 50 mẫu thực phẩm và dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Giám sát ATTP các cơ sở chế biến, cung cấp suất ăn phục vụ khu vực cách ly tập trung, điều trị Covid-19 trên địa bàn tỉnh với tổng số 3.000 suất ăn, bảo đảm an toàn; test nhanh 70 mẫu thực phẩm và dụng cụ trực tiếp đều đạt yêu cầu.
Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm ATTP năm 2022, Chi cục An toàn VSTP tỉnh phối hợp với Ban Quản lý các Khu Công nghiệp tỉnh, phòng y tế, trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố kiểm tra, hậu kiểm 10 cơ sở thực phẩm thuộc lĩnh vực do ngành y tế tuyến tỉnh quản lý. Qua kiểm tra, hậu kiểm tại 2 cơ sở trong các khu công nghiệp và 8 cơ sở trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, có 9 cơ sở đạt yêu cầu và 1 cơ sở vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền 4 triệu đồng với hành vi “Nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập”.
Theo đánh giá của Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn VSTP tỉnh Trần Quốc Trịnh, việc chấp hành pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đã có chuyển biến rõ nét, nhận thức của người dân về sử dụng thực phẩm an toàn được nâng lên. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống cơ bản đáp ứng đầy đủ hồ sơ về mặt pháp lý, con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, ăn uống theo quy định. Để công tác bảo đảm ATTP không chỉ là khẩu hiệu thì cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả cơ quan chuyên môn, nhà quản lý, chính quyền địa phương. Cùng với đó, phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm ATTP.