Tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 93/CĐ-TTg ngày 11/9/2024 về việc tập trung ứng phó lũ lớn, đảm bảo an toàn đê điều trên các sông ở Bắc Bộ, nhất là hệ thống sông Hồng - sông Thái Bình.

Nguy cơ uy hiếp an toàn đê điều

Công điện nêu rõ: Những ngày qua, tại Bắc Bộ đã liên tiếp xảy ra mưa rất lớn trên diện rộng, lũ một số nơi ở thượng nguồn đã vượt mức lũ lịch sử, ngập lụt, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đã xảy ra ở nhiều địa phương gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước. Các hồ chứa đã được vận hành phù hợp góp phần cắt giảm lũ ở hạ du nhưng lũ trên nhiều các tuyến sông ở Bắc Bộ vẫn lên mức báo động 2 đến báo động 3, một số nơi vượt báo động 3, gây ngập lụt nghiêm trọng vùng ven sông, đe dọa an toàn đối với đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.

Theo dự báo, lũ hạ du hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình còn tiếp tục lên, duy trì ở mức cao trong nhiều ngày, trong bối cảnh nhiều năm qua hệ thống đê điều sông Hồng, sông Thái Bình không chịu tác động của lũ lớn, có thể xảy ra nguy cơ uy hiếp an toàn đê điều.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nêu trên không chủ quan, lơ là, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công các đồng chí trong Thường vụ, thường trực Ủy ban trực tiếp tới các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống lũ, hộ đê, trong đó tập trung:

Rà soát, kiểm tra, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo "phương châm bốn tại chỗ"; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị, nhất là tại các trọng điểm xung yếu để kịp thời triển khai hộ đê, xử lý các sự cố ngay từ giờ đầu.

Tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo cấp báo động, bảo đảm đúng quy định của Luật Đê điều, kịp thời phát hiện, xử lý ngay các sự cố có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ.

Tiếp tục rà soát, triển khai ngay các phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân sinh sống tại các khu vực ngoài bãi sông (kể cả trong các tuyến đê bối có nguy cơ mất an toàn), kiên quyết không để người dân ở lại các khu vực nguy hiểm khi lũ lên cao (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân).

 Để đảm bảo an toàn, Sở GTVT Hà Nội cũng đã cấm các phương tiện qua cầu Long Biên.

Để đảm bảo an toàn, Sở GTVT Hà Nội cũng đã cấm các phương tiện qua cầu Long Biên.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục làm tốt công tác dự báo, cảnh báo mưa lũ, bảo đảm kịp thời, chính xác phục vụ công tác chỉ đạo ứng phó lũ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai công tác phòng, chống lũ, hộ đê theo cấp báo động để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, trong đó phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt; phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo vận hành khoa học, phù hợp các hồ chứa nước trên lưu vực sông Hồng, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những vấn đề vượt thẩm quyền.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo, bảo đảm quân đội là lực lượng chủ lực thực hiện nhiệm vụ hộ đê theo đúng quy định; chỉ đạo các quân khu, cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp với các địa phương, cơ quan chuyên môn rà soát các phương án hộ đê và sẵn sàng triển khai lực lượng tại các vị trí trọng điểm xung yếu để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.

Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh trật tự tại các khu vực sơ tán dân cư đi và đến, trật tự an toàn giao thông, sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ địa phương thực hiện cứu hộ cứu nạn, ứng phó lũ lớn.

Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng, các chủ thể quản lý, khai thác hồ đập thủy điện phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc vận hành hồ chứa thủy điện, bảo đảm an toàn cho công trình, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa, không để xảy ra sự cố đối với phương tiện giao thông thủy gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, các cầu qua sông, nhất là trên các tuyến sông có lũ lớn.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tích cực, chủ động chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng, chống lũ theo quy định.

Giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo các Bộ, ngành và các địa phương có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc công điện này.

Nhiều sông đều trên mức báo động 3

Trao đổi với báo chí, chiều ngày 11/9, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, từ đêm qua đến sáng nay, lũ trên sông Hồng có xu hướng tăng, 10 giờ sáng nay (11/9), mực nước trên sông Hồng tại Hà Nội đã lên 11,02m, thấp hơn báo động 3 0,48m.

Tuy nhiên, mực nước thực đo vào lúc 15h, 16h, 17h ngày 11/9 đều đứng yên, thấp hơn mức báo động 3 0,28m.

Phố Tân Ấp, quận Ba Đình, Hà Nội cũng đã ngập.

Phố Tân Ấp, quận Ba Đình, Hà Nội cũng đã ngập.

Ông Võ Văn Hòa, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho rằng, đây là đợt lũ hiếm gặp, đến thời điểm hiện tại, tất cả các sông như sông Hồng, sông Thái Bình, sông Thao, sông Lô nhiều điểm đo đều trên mức báo động 3, điểm đo trên sông Thao còn vượt giá trị lịch sử.

"Do mực nước trên các sông vẫn còn cao nên nguy cơ ngập lụt vẫn còn diễn ra trong vài ngày tới. Điều này rất giống đợt lũ các năm 2006, 2008 gây ngập úng kéo dài", ông Hòa cảnh báo.

Dự báo con số sát hơn, ông Hòa cho biết, Hà Nội sẽ xảy ra ngập úng ở ven các sông chính như sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Đáy.

"Đáng chú ý, lũ trên các sông nhánh như sông Bùi, sông Tích, sông Cà Lồ đang ở mức báo động 3 nên có nguy cơ ngập úng diện rộng. Các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Quốc Oai, Chương Mỹ, Đông Anh, Sóc Sơn,... sẽ chịu ảnh hưởng của các hệ thống sông nhỏ, gây ngập úng cục bộ", ông Hòa nói.

Anh Thư

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/tap-trung-ung-pho-lu-lon-dam-bao-an-toan-de-dieu-tren-cac-song-o-bac-bo-93117.html