Tập trung ứng phó mưa lũ

Chiều 17-10, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã ban hành công điện số 27/CĐ-TWPCTT gửi UBND các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam và các bộ, ngành đề nghị tập trung ứng phó mưa lũ.

Sau nhiều ngày bị chia cắt, trong 3 ngày (từ 14 đến 16-10), cán bộ Đồn Biên phòng A Vao, BĐBP Quảng Trị đã phối hợp với các lực lượng dọn dẹp các điểm sạt lở trên tuyến đường từ A Vao vào bản Pa Lin để người dân có thể đi bộ mua lương thực, thực phẩm, đèn dầu bảo đảm cuộc sống. Ảnh: Mạnh Hùng

Sau nhiều ngày bị chia cắt, trong 3 ngày (từ 14 đến 16-10), cán bộ Đồn Biên phòng A Vao, BĐBP Quảng Trị đã phối hợp với các lực lượng dọn dẹp các điểm sạt lở trên tuyến đường từ A Vao vào bản Pa Lin để người dân có thể đi bộ mua lương thực, thực phẩm, đèn dầu bảo đảm cuộc sống. Ảnh: Mạnh Hùng

Những ngày qua, các địa phương khu vực miền Trung liên tiếp xảy ra mưa lũ lớn kéo dài, đặc biệt tại Thừa Thiên Huế và Quảng Trị; nhiều khu vực đã xảy ra ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất, chia cắt giao thông.

Theo dự báo, khu vực này tiếp tục có mưa lớn trong những ngày tới, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt sâu trở lại và mất an toàn các hồ đập, nhất là hồ đập nhỏ, xung yếu.

Để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt Điện của Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng, các công điện, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, đồng thời tập trung một số nhiệm vụ cấp bách sau:

1. Các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân: Rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết. Tổ chức giám sát, vận hành an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ đập đã đầy nước. Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện kịp thời triển khai cứu hộ, cứu nạn và khắc phục sự cố đê điều, hồ đập, sạt lở... Tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ năng bảo đảm an toàn, hạn chế rủi ro trong mưa lũ.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan có liên quan và người dân biết chủ động chỉ đạo, triển khai ứng phó.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương chỉ đạo vận hành hồ đập thủy lợi, thủy điện bảo đảm an toàn công trình và hạ du, lưu ý vận hành các hồ đập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế bảo đảm an toàn, hạn chế ngập lụt trong ngày 18-10-2020.

4. Các bộ, ngành khác chủ động chỉ đạo, phối hợp với địa phương kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao.

5. Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và cứu hộ, cứu nạn theo thẩm quyền.

Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, sáng ngày 17-10, lũ các sông có xu hướng tăng nhanh. Mực nước lúc 1 giờ ngày 17-10 trên một số sông như sau: Sông Kiến Giang tại Lệ Thủy: 11,55m dưới báo động (BĐ)3 0,45m. Sông Bồ tại Phú Ốc: 3,99m; dưới BĐ3 0,13m. Sông Hương tại Kim Long: 2,73m; trên BĐ II 0,73m. Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa: 8,11m; trên BĐ II 0,11m.

Dự báo Từ ngày 16 đến 21-10 trên các sông từ Nghệ An đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ, đỉnh lũ ở hạ lưu các sông từ Nghệ An đến Quảng Ngãi, thượng nguồn các sông ở Bình Định, Phú Yên, KonTum, Gia Lai có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3; riêng các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế vượt mức BĐ3.

Hiện tại, trên lưu vực sông Hương, các hồ cơ bản đang đầy nước, đang xả 300-500m3/s đưa về mực nước đón lũ. Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chỉ đạo các hồ cần tăng lượng xả để hạ dần mực nước hồ chuẩn bị cho tình huống mưa lũ sắp tới.

Trong khi đó, lưu vực Vu Gia - Thu Bồn, các hồ lớn cơ bản đã đầy nước và đang xả tràn. Các hồ Bản Vẽ, Khe Bố đạt trên 90% dung tích thiết kế (đang được tiếp tục theo dõi, chủ động vận hành theo quy trình). Còn các hồ chứa trên lưu vực sông Mã đạt từ 68-80% dung tích thiết kế.

Tính đến ngày 17-10, mưa lũ tại miền Trung đã làm 60 người chết, cụ thể: Quảng Bình 2, Quảng Trị 16, Thừa Thiên Huế 22, Quảng Nam 11, Đà Nẵng 3, Quảng Ngãi 1, Gia Lai 1, Đắk Lắk 1, Lâm Đồng 1, Kon Tum 2. Ngoài ra có 4 người vẫn đang mất tích, gồm: Quảng Trị 2, Đà Nẵng 1, Gia Lai 1.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tap-trung-ung-pho-mua-lu-post434171.html