Tập trung ứng phó mưa lũ sau bão

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ban hành liên tiếp 3 công điện chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão, với yêu cầu tập trung ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân

Phát biểu mở đầu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra sáng 7-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trước tình hình bão số 3 với cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, diễn biến phức tạp đang ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta, Chính phủ đã thành lập Sở Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng để chỉ đạo công tác phòng chống bão.

Bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân

Với việc lập Sở Chỉ huy tiền phương, một số bộ trưởng, thứ trưởng được cử xuống các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phố ven biển để chỉ đạo, đôn đốc phòng chống bão; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đã huy động lực lượng ứng trực và giúp dân phòng chống bão.

Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trực tiếp chỉ đạo phòng chống bão và khắc phục hậu quả ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ do hoàn lưu bão theo đúng tinh thần các công điện của Thủ tướng.

Trước đó, ngày 6-7, Thủ tướng ký Công điện số 88/CĐ-TTg gửi bí thư, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Vĩnh Phúc; bộ trưởng các bộ, yêu cầu triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng tại các Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 3-9 và Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 5-9, tập trung ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và nhà nước.

Ngay trong sáng sớm 7-9, sau khi kiểm tra công tác dự báo bão số 3 tại Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã di chuyển xuống Hải Phòng để họp tại Sở Chỉ huy tiền phương phòng chống bão số 3, nghe báo cáo tình hình ứng phó với bão tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình.

Cảnh ôtô đi chậm chắn gió giật mạnh cho người đi xe máy qua cầu Nhật Tân (Hà Nội). Ảnh: Thế Dũng

Cảnh ôtô đi chậm chắn gió giật mạnh cho người đi xe máy qua cầu Nhật Tân (Hà Nội). Ảnh: Thế Dũng

Lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã và đang vào cuộc với quyết tâm cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước. Trong quá trình ứng phó, các bộ, ngành cùng các tỉnh, thành gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình đã hỗ trợ sơ tán 52.979 người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi thủy sản, trong các nhà yếu đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nghiêm Xuân Cường cho biết Quảng Ninh đã sơ tán người dân ở các vị trí nguy hiểm, nhà không kiên cố, trên tàu thuyền neo đậu vào nhà văn hóa, trường học, khách sạn. Còn theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang, với dự báo thời gian đổ bộ bão kéo dài, mưa lớn, ngành đã chỉ đạo bố trí các lực lượng để kịp thời khắc phục các điểm sạt lở, bảo đảm giao thông thông suốt.

Theo Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Quốc phòng đã huy động trên 438.000 cán bộ, chiến sĩ, hàng ngàn phương tiện, vật tư hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, di dời đến nơi tránh trú an toàn; phối hợp với chính quyền địa phương rà soát rất kỹ các tuyến đê, kè, hồ, đập, khu vực xung yếu để chủ động ứng phó với các sự cố có thể xảy ra; chuẩn bị công tác khắc phục hậu quả, phòng chống dịch bệnh sau bão. "Trên cơ sở các phương án hiệp đồng, chỉ huy, các đơn vị phải bảo đảm tốt thông tin liên lạc, báo cáo kịp thời những tình huống bất ngờ, ngoài kế hoạch, không để bị bất ngờ" - Trung tướng Nguyễn Doãn Anh nói.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó bão số 3 vào sáng 7-9Ảnh: VĂN DUẨN

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà họp chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó bão số 3 vào sáng 7-9Ảnh: VĂN DUẨN

Cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, bão số 3 đã gây mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to như Cát Bà (Hải Phòng) 215 mm, Đầm Hà (Quảng Ninh) 189 mm, Cẩm Phả (Quảng Ninh) 188 mm, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 171 mm… khu vực phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa từ nay đến ngày 8-9 có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 80-200 mm, cục bộ có nơi trên 400 mm. Phía Tây Bắc Bộ từ nay đến sáng 9-9, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-350 mm, cục bộ có nơi trên 500 mm. Khu vực trung du, vùng núi có mưa to, có nơi mưa rất to, cục bộ có nơi trên 250 mm.

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Thanh Hóa đi kiểm tra khu vực đê biển xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa. Ảnh: TUẤN MINH

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Thanh Hóa đi kiểm tra khu vực đê biển xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa. Ảnh: TUẤN MINH

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cảnh báo mưa rất lớn, tập trung trong thời gian ngắn là mối nguy đặc biệt về lũ quét, sạt lở đất, tập trung tại vùng núi, trung du của Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An. "Chính quyền địa phương và người dân cần hết sức lưu tâm để không thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản" - ông Khiêm lưu ý.

Theo ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều về phòng chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù bão đã đi qua nhưng hoàn lưu bão số 3 rất rộng, gió mạnh, rất nguy hiểm. Vì vậy, các địa phương cần duy trì nghiêm lệnh cấm biển, không cho tàu thuyền ra khơi vì còn gió bão rất mạnh. Kiên quyết không để người dân quay trở lại tàu cá, các lồng, bè, chòi canh sau khi bão đổ bộ.

Đối với vùng đồng bằng, ven biển cần sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra đối với các tuyến đê, nhất là 31 trọng điểm xung yếu trên các tuyến đê biển, đê cửa sông xung yếu hoặc đang thi công từ Quảng Ninh đến Ninh Bình (có vị trí trọng điểm kèm theo) do các tuyến đê này chỉ chống được bão cấp 9, cấp 10 triều 5%. Lực lượng quân đội cần bố trí tại các vị trí xung yếu, sẵn sàng hộ đê khi có yêu cầu.

Các địa phương cần bảo đảm hậu cần, nhu yếu phẩm và các điều kiện lưu trú cho người dân tại nơi sơ tán; cung cấp thức ăn, nước uống để người dân yên tâm không quay về nhà yếu khi bão chưa tan. Đồng thời sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng phó sự cố mất an toàn hồ đập đối với các hồ đập xung yếu hoặc đang thi công. Sẵn sàng vận hành tiêu úng, khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp. Mưa 300 mm trong vòng một ngày thì các khu đô thị như Hà Nội, khu công nghiệp nguy cơ cao sẽ ngập úng.

Công an quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng giúp dân di chuyển đến nơi an toàn. Ảnh: TRỌNG ĐỨC

Công an quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng giúp dân di chuyển đến nơi an toàn. Ảnh: TRỌNG ĐỨC

Hà Nội: Di dời các hộ dân ra khỏi chung cư xuống cấp

Chiều 7-9, thực hiện chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cùng các đơn vị chức năng và phường Thụy Khuê đã có mặt tại khu tập thể P16A phố Thụy Khuê - công trình nguy hiểm cấp D - để vận động người dân di chuyển đến nơi an toàn. Lãnh đạo phường Thụy Khuê cho biết sau khi tiến hành vận động, 14 hộ dân đã đồng ý tạm thời di dời ra khỏi khu tập thể để phòng chống bão số 3. Trong đó có 8 hộ di dời sang ở Trung tâm Phát triển phụ nữ; 6 trường hợp di chuyển về nhà người quen ở tạm.

UBND quận Hoàng Mai cùng các đơn vị liên quan và UBND phường Tân Mai đã di dời 48 hộ dân với 160 nhân khẩu ở chung cư A7 Tân Mai (khu nhà 5 tầng đã xuống cấp thuộc nhóm nguy hiểm cấp C) đến Trường Tiểu học Tân Mai để bảo đảm an toàn cho người dân.

Trước đó, trong các công điện, chỉ đạo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh trọng tâm là bảo đảm an toàn tính mạng người dân và bảo vệ tài sản; đặc biệt chú trọng bảo vệ đê, hồ đập, những khu vực xung yếu, khu vực có nguy cơ cao về mất an toàn trên địa bàn...

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tap-trung-ung-pho-mua-lu-sau-bao-196240907225133158.htm