Tập trung vào 7 nhóm giải pháp cho sức khỏe học đường

Sức khỏe học đường đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực đất nước. Một học sinh khỏe mạnh về thể chất và tinh thần sẽ có khả năng học tập và phát triển toàn diện, từ đó góp phần xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Bữa ăn bán trú tại trường học vô cùng quan trọng với trẻ đang tuổi lớn. Ảnh: Báo AG

Bữa ăn bán trú tại trường học vô cùng quan trọng với trẻ đang tuổi lớn. Ảnh: Báo AG

Coi trọng chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh

Bên cạnh những kết quả đã đạt được công tác giáo dục, đào tạo và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe học đường vẫn còn những hạn chế, khó khăn, thách thức.

Có thể kể ra rất nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến sức khỏe học đường diễn ra thời gian qua, như tình trạng học sinh bị bạo hành thân thể, bạo hành tinh thần, những bữa ăn trường học thiếu dinh dưỡng, những vụ ngộ độc thực phẩm, tình trạng ma túy xâm nhập vào trường học.

Cùng với đó là tình trạng một số ít học sinh có những quyết định dại dột vì bị quá tải trong học tập, áp lực thi cử, sự thiếu sẻ chia từ gia đình, thầy, cô giáo, bạn bè…

Mới nhất là câu chuyện về một học sinh ở Hà Nội bị xâm hại, phải tạm nghỉ học, sinh con khi mới 12 tuổi khiến tất cả xót xa…

Bên cạnh đó, sự phổ biến của nghiện game, mạng xã hội và việc sử dụng thiết bị điện tử quá mức cũng đang gây ra nhiều vấn đề về thị lực, sức khỏe thể chất và tinh thần cho học sinh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu suất học tập mà còn làm suy giảm khả năng giao tiếp và phát triển kỹ năng sống cho học sinh.

Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay là tiếp tục chú trọng dạy các kỹ năng sinh tồn cho trẻ, nhất là có giải pháp giảm tỷ lệ trẻ đuối nước. Nhà trường, gia đình, học sinh và người dân cần chủ động, tích cực coi sức khỏe học sinh là đối tượng phục vụ đặc biệt và coi trọng chăm sóc sức khỏe tinh thần ngang với sức khỏe thể chất. Gia đình và nhà trường phải liên hệ, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả. Tiếp tục phát động chiến dịch tiêm chủng cho các cháu từ 5 đến 12 tuổi an toàn, khoa học, hợp lý, hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh.

Để giải quyết những thách thức này, cần có những giải pháp thiết thực và hiệu quả. Tăng cường giáo dục đạo đức và kỹ năng sống để học sinh biết cách giải quyết mâu thuẫn, ứng xử phù hợp và phòng tránh bạo lực. Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử, quy định thời gian sử dụng thiết bị hợp lý cũng như khuyến khích các hoạt động thể chất và giao tiếp trực tiếp.

Ngoài ra, việc nâng cao chất lượng giáo dục dinh dưỡng, tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý định kỳ và phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội cũng rất quan trọng. Chỉ khi có sự hợp tác chặt chẽ và đầu tư mạnh mẽ từ toàn xã hội, chúng ta mới có thể nâng cao sức khỏe học đường, góp phần xây dựng một thế hệ trẻ khỏe mạnh, năng động, sáng tạo, và đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Tôi tâm đắc với 7 nhóm giải pháp sau đây cho vấn đề sức khỏe học đường

1. Bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị trong trường học để bảo đảm điều kiện dạy và học, nâng cao chất lượng công tác sức khỏe học đường, nhất là y tế và bữa ăn học đường đối với các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

2. Tăng cường và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để triển khai công tác sức khỏe học đường phù hợp với điều kiện cụ thể từng địa phương, từng trường học; tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chế độ, chính sách cho đội ngũ nhân viên trong trường học trực tiếp hoặc gián tiếp triển khai công tác sức khỏe học đường. Khuyến khích các trường học ngoài công lập chủ động bố trí đầy đủ bộ máy, nhân lực phục vụ cho y tế trường học, bữa ăn học đường và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động.

Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn triển khai các phần mềm quản lý cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên y tế trường học phục vụ triển khai hiệu quả công tác sức khỏe học đường.

3. Đổi mới công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao trường học với việc nghiên cứu, đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá môn học giáo dục thể chất trong chương trình giáo dục phổ thông mới một cách thiết thực, hiệu quả theo hướng cá thể hóa người học.

4. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ sức khỏe học sinh (có kết nối giữa gia đình và nhà trường) nhằm kiểm tra, giám sát, hỗ trợ, tư vấn cho học sinh, giáo viên, cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh về các vấn đề liên quan đến sức khỏe và kỹ năng tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe.

Số hóa trong quản lý, sử dụng cơ sở vật chất phục vụ công tác sức khỏe học đường (trang thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe học sinh, sân chơi, bãi tập, công trình nước sạch, nhà vệ sinh...).

5. Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục và vận động xã hội. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục truyền thông về Chương trình và phổ biến kiến thức trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, phổ biến đến các trường học về chủ trương, chính sách, hướng dẫn đối với sức khỏe học đường và nâng cao sức khỏe cho học sinh.

Đa dạng hóa các phương thức truyền thông về sức khỏe học đường phù hợp với từng cấp học, địa phương, vùng, miền, dân tộc.

6. Xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật về giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh, đặc biệt đối với vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Xây dựng, hoàn thiện và tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành về hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh từ trung ương đến địa phương; đòng thời đẩy mạnh huy động các tổ chức, cá nhân và cộng đồng tham gia triển khai Chương trình sức khỏe học đường.

7. Đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường hợp tác quốc tế. Huy động sự ủng hộ, tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong việc thực hiện Chương trình cũng như giám sát, đánh giá hoạt động của Chương trình.

Thúc đẩy hợp tác quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân nước ngoài để chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ tài chính triển khai thực hiện Chương trình vì sức khỏe học đường.

Tác giả: Đặng Ngọc Anh

Bến Tre

(Bài dự thi "Sức khỏe học đường - vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước")

Bài dự thi xin gửi về Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học:
Email: toasoan@congdankhuyenhoc.vn
Địa chỉ: Số 29/67 Đỗ Quang, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Đặng Ngọc Anh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/tap-trung-vao-7-nhom-giai-phap-cho-suc-khoe-hoc-duong-179240529104200404.htm