Tập trung xây dựng nhiều hợp tác xã kiểu mới hoạt động hiệu quả

Qua 3 năm triển khai thực hiện xây dựng hợp tác xã kiểu mới trên địa bàn tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã có 51 hợp tác xã đạt tiêu chí kiểu mới. Đây là kết quả từ sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ngành nông nghiệp Quảng Trị cùng nỗ lực đưa Nghị quyết 04/NQ-TU ngày 20/4/2017 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Trị vào thực tiễn cuộc sống.

 Ươm giống cây hồ tiêu ở Cam Lộ - Ảnh: Đ.T

Ươm giống cây hồ tiêu ở Cam Lộ - Ảnh: Đ.T

Để triển khai thực hiện xây dựng hợp tác xã (HTX) kiểu mới, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2299/QĐ- UBND ngày 23/8/2017 về việc ban hành tiêu chí phân loại và đánh giá HTX nông nghiệp kiểu mới giai đoạn 2017- 2020. Theo đó, Quảng Trị là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành bộ tiêu chí về HTX kiểu mới. UBND tỉnh cũng đã có nhiều quyết định về phê duyệt kế hoạch xây dựng và phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2018- 2020; bổ sung nhiệm vụ phát triển HTX ứng dụng công nghệ cao trong xây dựng HTX kiểu mới tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2018- 2020, nhằm đưa ra mục tiêu và giải pháp xây dựng HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; phê duyệt danh sách các HTX nông nghiệp thực hiện thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại HTX…

Theo thống kê, đến nay toàn tỉnh có 291 HTX nông nghiệp và 1 liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX năm 2012, chủ yếu là loại hình HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp: 223 HTX, chiếm 77%; 58 HTX trồng trọt, chiếm 20%; 6 HTX chăn nuôi, chiếm 2,1%; còn lại các HTX lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỉ lệ thấp. Tổng số thành viên các HTX nông nghiệp 71.549 thành viên.

Doanh thu bình quân 1,2 tỉ đồng/ HTX, lợi nhuận bình quân 120 triệu đồng/ năm/HTX. Tổng giá trị tài sản các HTX là 480 tỉ đồng. Tổng số vốn điều lệ 84 tỉ đồng, bình quân 300 triệu đồng/ HTX. Kết quả phân loại HTX (theo Thông tư 09/2017/TTBNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và PTNT), toàn tỉnh có 22% HTX loại tốt, 36% loại khá, 40% loại trung bình, 2% loại yếu. Có 19% HTX có tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.

Qua 3 năm triển khai thực hiện xây dựng HTX kiểu mới trên địa bàn tỉnh, đến nay toàn tỉnh đã có 51 HTX đạt tiêu chí kiểu mới (vượt mục tiêu Nghị quyết 04/NQTU của Tỉnh ủy đề ra). Số HTX ứng dụng công nghệ cao tính đến hết năm 2020 khoảng 5% (16 HTX). Trong lĩnh vực HTX tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm“ (OCOP), toàn tỉnh có 53 sản phẩm OCOP của tỉnh giai đoạn 2019- 2020, có 7 sản phẩm OCOP được công nhận cho chủ thể là HTX nông nghiệp từ 3 sao đến 4 sao (chiếm 13% sản phẩm OCOP toàn tỉnh), trong đó có 2 sản phẩm của HTX nông nghiệp đạt 4 sao (chiếm tỉ lệ 28% tổng số sản phẩm đạt 4 sao của tỉnh).

Để các HTX hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển HTX kiểu mới, nhiều chính sách hỗ trợ đã được triển khai tích cực. Những năm qua, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận nhiều hơn với các chính sách hỗ trợ của nhà nước như đào tạo tập huấn, hỗ trợ thí điểm cán bộ trẻ có trình độ về làm việc tại các HTX, xúc tiến thương mại, hỗ trợ thành lập mới, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và máy móc, thiết bị cho sản xuất, sơ chế và chế biến sản phẩm… theo các nội dung tại Quyết định số 2261/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 05/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đã triển khai và lồng ghép các nguồn lực đầu tư ưu tiên hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp một cách tích cực. Về bồi dưỡng nguồn nhân lực, từ năm 2017- 2020, tổ chức bồi dưỡng tập huấn cho cán bộ xây dựng HTX kiểu mới với 350 lượt cán bộ chủ chốt HTX để nâng cao trình độ quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX, tập huấn về chương trình OCOP.

Từ năm 2018 đến nay, có 5 HTX trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ thí điểm 5 cán bộ trẻ có trình độ đại học về làm việc tại HTX của 5 huyện (Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Vĩnh Linh và Hải Lăng). Việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cũng được chú trọng bằng cách hỗ trợ các HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác và các cá nhân tham gia xúc tiến thương mại, tham gia hội thảo, hội chợ giới thiệu sản phẩm hàng hóa tiêu biểu ra thị trường; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, xây dựng và triển khai sàn giao dịch thương mại điện tử.

Từ năm 2017- 2020, Chi cục Phát triển nông thôn đã hỗ trợ thành lập mới 24 HTX nông nghiệp và 1 liên hiệp HTX nông nghiệp. Trong hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trong 2 năm 2019-2020, phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho 50 HTX nông nghiệp, bao gồm các nội dung về kênh mương, đường giao thông vào khu sản xuất, cửa hàng vật tư nông nghiệp, sân phơi, chợ nông sản, điện sản xuất... Hỗ trợ 12 HTX nông nghiệp đăng ký xây dựng HTX kiểu mới được tiếp cận các chính sách hỗ trợ máy móc, thiết bị hiện đại trong sản xuất, chế biến sản phẩm.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, chủ trương của tỉnh và ngành nông nghiệp là củng cố, đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ then chốt trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp và tổ chức sản xuất theo liên kết chuỗi.

Cùng với đó là xây dựng và phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sản phẩm chủ lực của tỉnh và sản phẩm có lợi thế cạnh tranh ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, đặc biệt là thúc đẩy phát triển các HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Nâng cao vai trò của HTX nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên HTX. Mục tiêu đặt ra đến năm 2022, phấn đấu có từ 55 - 60% HTX đạt loại khá trở lên. Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, có trên 60% HTX hoạt động đạt loại khá trở lên.

Để đạt được chỉ tiêu trên, cần tiếp tục tuyên truyền về Luật HTX năm 2012, Quyết định số 1804/QĐ-TTg ngày 13/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2025 và các chính sách mới có liên quan. Xây dựng kế hoạch phát triển HTX nông nghiệp có hiệu quả gắn với xây dựng sản phẩm OCOP giai đoạn 2021 - 2025, trong đó lựa chọn các hợp tác xã tham gia đề án thí điểm HTX kiểu mới (theo Quyết định 167/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

Đẩy mạnh phát triển các HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên nguồn lực và tăng cường hỗ trợ các HTX tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước, nhất là các chính sách hỗ trợ về máy móc, thiết bị trong sản xuất, sơ chế, chế biến sản phẩm và chính sách hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho HTX nông nghiệp nhằm thúc đẩy các HTX tham gia vào chế biến, chế biến sâu, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa theo chuỗi liên kết ngành hàng mà Quảng Trị có lợi thế, như: Lúa chất lượng cao, hồ tiêu, cà phê, chế biến thủy sản... Tiếp tục rà soát, đánh giá, phân loại HTX theo Thông tư 09/2017/TT- BNNPTNT ngày 17/4/2017 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, đánh giá tình hình phát triển kinh tế trang trại, tổ hợp tác nhằm có cơ sở phân loại HTX nhằm có những tác động để nâng cao số lượng HTX hoạt động hiệu quả gắn với phát triển sản phẩm OCOP, cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông mới. Tổ chức đánh giá nhận diện điểm mạnh, điểm yếu, thời cơ và thách thức cho từng nhóm HTX để có kế hoạch củng cố hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết và thị trường giữa các hộ sản xuất với HTX, doanh nghiệp.

Đan Tâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=163825&title=tap-trung-xay-dung-nhieu-hop-tac-xa-kieu-moi-hoat-dong-hieu-qua