Tập trung xử lý nợ xấu
Bối cảnh kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gặp nhiều thách thức đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động ngân hàng, đặc biệt là xử lý nợ xấu. Trước thực trạng này, các ngân hàng thương mại cổ phần đã đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu nhằm đảm bảo nguồn tín dụng ổn định và tăng trưởng cho nền kinh tế.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, GDP quý I-2023 ước tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước, ngoại trừ quý I-2020 do nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đây là mức tăng trưởng thấp trong 13 năm qua.
Số liệu trên cho thấy tình hình kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn trong nửa đầu năm 2023. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống ngân hàng. Công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2023 của các ngân hàng vừa qua cũng cho thấy, các ngân hàng tuy đã nỗ lực kiểm soát nợ xấu với tỷ lệ dưới 3% nhằm đảm bảo an toàn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhưng giá trị các khoản nợ xấu vẫn rất cao. Nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài, sức khỏe tài chính của các ngân hàng sẽ chịu tác động mạnh và suy giảm khả năng cấp vốn cho nền kinh tế.
Nhận thấy kinh tế còn nhiều khó khăn, các tổ chức tín dụng đã đồng hành cùng NHNN chung tay hỗ trợ khách hàng ổn định sản xuất kinh doanh bằng các chính sách tín dụng, giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ… Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng tăng cường đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, đặc biệt là các khoản nợ xấu "chây ì" nhiều năm – như một giải pháp thực chất, hiệu quả nhằm góp phần bảo đảm nguồn tín dụng ổn định, tăng trưởng cho nền kinh tế. Trong hoạt động xử lý nợ xấu, thời gian qua, nhiều Ngân hàng đã áp dụng chủ động, công khai việc thu giữ, bán đấu giá tài sản bảo đảm để thu nợ theo quy định của pháp luật và hợp đồng bảo đảm đã ký kết.
Với Nam A Bank, vẫn còn những khoản nợ xấu, kéo dài nhiều năm, có những khoản nợ xấu Nam A Bank đã phải bán nợ cho VAMC. Nhưng để triệt để giải quyết các dư nợ xấu này, bên cạnh áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ, Nam A Bank cũng như các tổ chức tín dụng (TCTD) trên thị trường, vẫn áp dụng cả việc thu giữ và bán đấu giá tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.
Đại diện ngân hàng này cho biết: "Vừa qua, Nam A Bank và Công ty AMC Nam A Bank đã tổ chức việc thu giữ và bán đấu giá tài sản bảo đảm thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Hoàn Cầu Nha Trang: đây là các tài sản bảo đảm khoản vay đã chuyển nợ xấu nhiều năm, khách hàng vay và bên bảo đảm (Công ty Cổ phần Hoàn Cầu Nha Trang) không trả nợ hoặc không có các phương án trả nợ cho Ngân hàng, buộc Ngân hàng và Công ty AMC Nam A Bank áp dụng biện pháp thu giữ và bán đấu giá tài sản là các bất động sản tại Dự án Diamond Bay Nha Trang (trước đây là Dự án Khu du lịch và giải trí Sông Lô) các bất động sản được phân loại là đất thương mại dịch vụ. Việc thu giữ và đấu giá tài sản bảo đảm là công khai, quy trình thực hiện theo quy định pháp luật, theo Hợp đồng bảo đảm, có sự tham gia của chính quyền địa phương (khi thu giữ tài sản bảo đảm), công ty đấu giá, tổ chức hành nghề công chứng".
Cũng theo đại diện Nam A Bank, hiện tại Công ty AMC Nam A Bank tiếp tục thu giữ các Tài sản bảo đảm và tổ chức bán đấu giá công khai một số tài sản bảo đảm cũng thuộc sở hữu của Bên bảo đảm là Công ty CP Hoàn Cầu Nha Trang – gồm các Bất động sản hiện được UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định điều chỉnh là đất thương mại dịch vụ theo Quyết định số 541/QĐ-UBND ngày 16-3-2023 nhằm xử lý thu hồi tiếp các khoản nợ xấu được bảo đảm bởi các tài sản này. Các tài sản bảo đảm tại Dự án này không bị ngăn chặn giao dịch, không bị yêu cầu tạm hoãn giao dịch để thực hiện thanh tra.
Đại diện Nam A Bank cũng nhấn mạnh, hoạt động xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ xấu nói chung, và việc thu giữ - bán đấu giá tài sản bảo đảm xử lý nợ xấu nói riêng là hoạt động nghiệp vụ hết sức bình thường của Ngân hàng. Nội dung xử lý nợ xấu cũng được Quốc hội, Chính phủ, NHNN quan tâm và thường xuyên giám sát, đốc thúc nhằm bảo đảm hệ thống TCTD nói chung và Nam A Bank nói riêng bảo đảm an toàn tài chính, cũng như có thêm dư địa tín dụng để tập trung cho các nhu cầu vay vốn ưu tiên của nên kinh tế, góp phần cùng các doanh nghiệp, cá nhân gia tăng hoạt động sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn và phát triển kinh tế xã hội.
Thực vậy, việc các tài sản đang là tài sản bảo đảm hợp pháp tại các Ngân hàng, bán đấu giá tài sản bảo đảm có người mua là hoạt động nghiệp vụ của các TCTD. Việc Ngân hàng căn cứ quy định pháp luật, hợp đồng bảo đảm để xử lý tài sản bảo đảm cần được các bên liên quan tôn trọng và ủng hộ tạo điều kiện để nhanh chóng xử lý các "cục ung nợ xấu" tại Ngân hàng, nhanh chóng đẩy vốn tín dụng vào nền kinh tế theo chủ trương hiện nay của Chính phủ. Việc "chây ì" trả nợ, kéo dài việc xử lý nợ thực tế gây tác hại tiêu cực không chỉ cho Ngân hàng có nợ xấu mà còn với toàn nền kinh tế. Tuy nhiên, cũng cần nhất quán việc xử lý nợ, xử lý tài sản bảo đảm cần đúng quy định pháp luật, công khai, minh bạch để bảo đảm hiệu quả giải pháp cũng như bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp các bên liên quan.
Nguồn NLĐ: https://thitruong.nld.com.vn//vnmoney/tap-trung-xu-ly-no-xau-20230822175330052.htm