Tập trung xử lý, nợ xấu vẫn khó giảm
Các ngân hàng ráo riết đăng bán nợ xấu bởi nợ xấu đang tăng quá nhanh. Thống kê từ số liệu báo cáo tài chính quý III/2024 của 29 ngân hàng cho thấy, tính đến ngày 30/9/2024 có tới 11 ngân hàng đang có tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay ở mức trên 3% gồm: SHB, PGBank, ABBank, VietBank, PVcomBank, VIB, OCB, BaoVietBank, BVBank, VPBank, NCB.
Điển hình là PVcomBank, trong 9 tháng đầu năm 2024, nhà băng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 89 tỷ đồng, giảm 74,3% so với cùng kỳ. Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, PVcomBank đang có tổng cộng 3.775 tỷ đồng nợ xấu vào cuối quý III/2024, trong đó nợ có khả năng mất vốn ở mức 2.851 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 75,5% nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay hiện ở mức 3,69%.
PVcomBank còn có 7.750 tỷ đồng nợ xấu dưới dạng trái phiếu đặc biệt tại Công ty Quản lý tài sản VAMC và đã trích lập 865 tỷ đồng cho khoản này.
Còn tại TPBank tổng nợ xấu tăng 28% so với đầu năm, lên mức 5.369 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn giảm nhẹ 10% còn hơn 1.000 tỷ đồng. Ngược lại, nợ dưới tiêu chuẩn lại tăng tới 63% lên hơn 2.709 tỷ đồng và nợ nghi ngờ tăng 16% lên hơn 1.659 tỷ đồng. Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu tại TPBank tăng từ 2,05% hồi đầu năm lên 2,29%.
Theo nhận định của các chuyên gia, nợ xấu sẽ chưa dừng lại ở mức hiện nay, bởi vùng nhận diện nợ xấu thực tế sẽ mở rộng hơn nhiều khi những yếu tố bất lợi khách quan vẫn chưa ngừng đè thêm áp lực lên vai các ngân hàng với tỷ lệ khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ ngày càng tăng sau dịch Covid-19 và mới đây là bão lũ.
Ông Nguyễn Hưng - Tổng Giám đốc Ngân hàng TPBank từng cho biết, với một số khách hàng bị ảnh hưởng nặng của bão thì mối lo ngại lớn nhất là sụt giảm hoạt động sản xuất kinh doanh, chưa có dòng tiền trả nợ.
Do hệ thống đánh giá tín dụng tự động, nên nợ quá hạn sẽ tự động nhảy nhóm, ngay cả khi khách hàng chỉ cần chậm một ngày không trả nợ đúng hạn. Từ đó, doanh nghiệp (DN) sẽ bị có lịch sử nợ xấu, sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng trong tương lai. Trong trường hợp này, nếu không có cơ chế, các ngân hàng sẽ gặp khó khăn khi hoãn, giãn nợ.
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, nợ xấu của các ngân hàng rất đáng lo khi các DN phục hồi còn chậm sau đại dịch, thị trường bất động sản còn khó khăn. Từ nay đến cuối năm, ông Hiếu cho rằng nợ xấu sẽ còn tiếp tục gia tăng khi thiệt hại từ cơn bão Yagi để lại cho nền kinh tế rất lớn.
“Ngành ngân hàng trông cậy vào sự tồn tại, phát triển của người dân, DN. Nay đời sống DN khó khăn sẽ dẫn tới tín dụng chậm lại, thu hồi nợ khó khăn hơn. Thế nên, vấn đề xử lý nợ xấu dường như chưa thể nhìn thấy ánh sáng phía cuối đường hầm” - vị chuyên gia nói.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tap-trung-xu-ly-no-xau-van-kho-giam-10295341.html