Tất bật thu hoạch cá chép đỏ phục vụ Tết ông Công, ông Táo
Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp), những ngày này, các hộ dân nuôi cá chép đỏ tất bật thu hoạch để kịp cung cấp ra thị trường.
Trong đời sống văn hóa của người dân Việt Nam, ngày 23 tháng Chạp hằng năm là ngày ông Công, ông Táo về trời báo cáo những công việc năm qua ở hạ giới. Ngày này, người dân thường cúng tiễn ông Công, ông Táo bằng cá chép đỏ. Nắm bắt được nhu cầu đó, một số hộ dân trong tỉnh đã nuôi cá chép đỏ để sản xuất “phương tiện” cho ông Công, ông Táo về trời.
Với gần 2ha mặt nước nuôi cá giống và cá thương phẩm, gia đình ông Nguyễn Văn Hợp, thôn Khởi Khe, thị trấn Phong Hải (Bảo Thắng) là một trong những hộ tiên phong nuôi cá chép đỏ. Khi chúng tôi đến, ông Hợp đang cùng vợ, con tất bật kéo những mẻ cá cho thương lái đến mua. Ông Hợp cho biết: Cá chép đỏ được gia đình bắt đầu nhân giống từ khoảng tháng 6 âm lịch. Việc chăm sóc cá chép đỏ phải cẩn thận, công phu để cá không bị dịch bệnh, khi bán cho thương lái cung cấp ra thị trường dịp tết ông Công, ông Táo, cá chỉ vừa bằng ba đầu ngón tay, màu đỏ tươi, rực rỡ.
Gia đình anh Huỳnh Thanh Minh, thôn Toòng Già, thị trấn Phong Hải (Bảo Thắng) cũng bắt đầu nuôi các chép đỏ phục vụ tết ông Công, ông Táo từ năm nay. Cá giống được anh Minh nhập từ tỉnh Phú Thọ về nuôi. Với giá bán cho tiểu thương là 110.000 đồng/kg, vụ cá này anh Minh thu về gần 40 triệu đồng. “Nhà tôi có gần 1ha ao, đầu năm thả cá trắm, cá trôi và nuôi thêm các cặp cá chép đỏ bố mẹ để gây giống, đến tháng 7 âm lịch thì bắt đầu thả đại trà 1 vạn cá chép đỏ giống xuống ao nuôi kết hợp. Thời điểm này, toàn bộ ao cá của gia đình được thương lái trên địa bàn thị trấn đặt mua hết” – anh Minh chia sẻ.
Theo ông Lê Xuân Cương, Chủ tịch UBND thị trấn Phong Hải, địa phương hiện có 145 ha mặt nước nuôi thủy sản. Năm nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá cá thương phẩm lại thấp, nên một số hộ dân đã kết hợp nuôi các giống cá truyền thống xen với cá chép đỏ để phục vụ tết ông Công, ông Táo. So với các giống cá truyền thống thì nuôi cá chép đỏ có nhiều ưu thế hơn như sức đề kháng tốt, ít mắc dịch bệnh, thức ăn đơn giản và thời gian nuôi ngắn, nhanh cho thu hoạch. Được biết, giá bán cá chép đỏ trung bình cho thương lái từ 70.000 đồng/kg – 110.000 đồng/kg, cho hiệu quả kinh tế cao hơn 1,5 - 2,5 lần so với cá truyền thống.
Anh Đoàn Văn Dũng, thương lái mua cá chép đỏ cho biết: Mọi năm vào thời điểm này, tôi phải gọi điện cho chủ hộ tận Phú Thọ để đặt hàng, từ ngày 15 đến 20 âm lịch khi chủ hộ kéo lưới thì đến thu mua, vận chuyển về Lào Cai. Đi lại vất vả, lại tốn công vận chuyển, cá mang về nhiều khi bị yếu, chết phải bỏ đi một phần. Năm nay, được biết ở thị trấn Phong Hải có một số hộ dân nuôi cá chép đỏ, nên tôi đã tới tận nơi để xem. Cá ở đây to, khỏe, màu sắc đẹp, giá cả lại hợp lý, nên tôi quyết định nhập hàng luôn. Cá chép đỏ sau khi được bắt lên bờ sẽ được phân loại. Những con cá to, khỏe mạnh sẽ được bán với giá cao hơn; thông thường sẽ bán lẻ với giá 45.000 đồng- 50.000 đồng/3 con.
Trại Nghiên cứu và Sản xuất giống thủy sản cấp 1 (Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Lào Cai) hiện đang nuôi thử nghiệm cá chép đỏ phục vụ Tết ông Công, ông Táo. Anh Đỗ Thành Luân, Trại trưởng cho biết: Cá chép đỏ được nuôi từ tháng 6 – 7 âm lịch, đến trung tuần tháng 12 âm lịch, cá to khoảng 2 đầu ngón tay sẽ thu hoạch. Trong quá trình chăm sóc đòi hỏi người nuôi cá phải có kinh nghiệm để hãm cá, đảm bảo kích thước đồng đều, không quá to nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Vì thế, khâu quan trọng nhất để cá không lớn nhanh, đó là ao nuôi phải nhỏ, nước sạch, không quá sâu, thả cá dày, cho ăn thật ít. Năm nay, trại nuôi thử nghiệm 6 tạ cá chép đỏ (khoảng 3 vạn con) đã được thương lái trong tỉnh đặt mua hết. Theo tính toán, số lượng này mới chỉ đủ phục vụ 20% nhu cầu toàn tỉnh. Trước thành công của mô hình, những năm tiếp theo, trại sẽ mở rộng quy mô nuôi và cung cấp cá giống cho các hộ có nhu cầu.
Vào những ngày này, không khí tại các vùng nuôi cá chép đỏ trong tỉnh trở nên nhộn nhịp. Những mẻ lưới đỏ rực được kéo lên trong niềm vui của các hộ nuôi cá. Người người tất bật, hồ hởi mong một vụ cá bội thu khi tết ông Công, ông Táo cận kề.