Tất cả BV, thầy thuốc cùng siết chặt tay trên tuyến đầu chống dịch
Tất cả thầy thuốc, các bệnh viện không phân biệt lớn hay nhỏ, công hay tư đều cùng nhau tham gia tuyến đầu chống dịch COVID-19 với tinh thần khẩn trương nhất, 'chống dịch như chống giặc'.
Xả thân, quên mình chống dịch
Chiều 26/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đi thăm, động viên các y, bác sĩ đang điều trị bệnh nhân COVID-19, tại Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức, Bệnh viện tư nhân Hoàn Mỹ Thủ Đức; làm việc nhanh với lãnh đạo TP. Thủ Đức
Phó Thủ tướng cho biết, một tuần nay ông đã đi rất nhiều nơi, gặp nhiều y, bác sĩ, nhiều lực lượng đang tham gia chống dịch. Ông rất cảm động trước sự xả thân quên mình của tất cả các lực lượng chống dịch.
Rất nhiều quận, huyện, phường, cơ sở đã có những sáng kiến tốt trong phòng, chống dịch, cần tiếp tục phát huy. “Tinh thần là bám sát cơ sở thực tiễn và khẩu hiệu là ‘hiệu quả là trên hết’ để có những giải pháp cụ thể, chiến thắng được đại dịch này”, Phó Thủ tướng nói.
Trước tình hình dịch bệnh lan rộng, ngấm rất sâu ở TPHCM, Phó Thủ tướng đã bàn, thống nhất với lãnh đạo TPHCM, các quận, huyện, cơ sở y tế để có những điều chỉnh quan trọng về các giải pháp chống dịch nhằm làm giảm mức độ lây lan của dịch bệnh. Quan trọng nhất là giảm những người bị nhiễm COVID-19 trở thành có triệu chứng, giảm tỉ lệ người có triệu chứng nhẹ chuyển thành nặng.
Cụ thể là điều chỉnh đồng bộ từ khâu xét nghiệm, cho tới việc quản lý các F0 không triệu chứng và chuyển tuyến khi triệu chứng nặng lên một cách kịp thời nhất; có hệ thống đồng bộ, không chỉ lo cho đời sống của người dân, mà còn theo dõi sức khỏe để bất kỳ người dân nào có triệu chứng sẽ được sự trợ giúp y tế ngay lập tức.
Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã có rất nhiều chương trình kêu gọi các bệnh viện tư nhân, đội ngũ y, bác sĩ, dù đang ở đâu, tham gia chống dịch, đồng hành trong tư vấn điều trị, hướng dẫn cách giữ gìn, chăm sóc sức khỏe cho các F0, F1, người trong khu phong tỏa.
“Chống dịch như chống giặc, lúc này “giặc COVID” đã vào nhà. Tất cả các bệnh viện, không phân biệt lớn hay nhỏ, công hay tư và đội ngũ y, bác sĩ hãy cùng siết chặt tay nhau trên tuyến đầu chống dịch, với một tinh thần khẩn trương nhất, dưới sự điều hành, chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM. Chạy đua theo thời gian, cố gắng không để tử vong, không để bệnh nhẹ chuyển biến thành nặng. Nặng vừa thì quyết giữ không để chuyển biến thành rất nặng”, Phó Thủ tướng kêu gọi và nhấn mạnh nếu làm được như vậy, kết hợp với việc vận động toàn dân thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, nhất là giãn cách nhà với nhà, người với người, thì chúng ta sẽ chiến thắng được đại dịch.
Giãn cách để chống dịch hiệu quả nhất
Báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc làm việc nhanh chiều 26/7, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết từ ngày 27/4 đến nay Thành phố ghi nhận 5.151 F0; 701 khu phong tỏa (gần 26.000 hộ gia đình); hiện còn 9/34 phường phong tỏa toàn địa bàn.
Tình hình dịch bệnh hiện tại trên địa bàn 12 phường “nóng”, đến thời điểm hiện tại vẫn còn nhiều nguy cơ từ cộng đồng. Công tác truy vết, lấy mẫu tầm soát vẫn được thực hiện thường xuyên liên tục; thực hiện nghiêm việc giãn cách tại các phường có khu vực hẻm nhỏ, mật độ dân số cao như phường Bình Chiểu, Hiệp Bình Chánh, Hiệp Bình Phước, Tam Bình, Linh Trung, Linh Xuân, Trường Thọ.
Hiện nay TP. Thủ Đức đã chủ động được công tác xét nghiệm nhanh, xét nghiệm PCR để điều hành lấy mẫu, xét nghiệm, tiếp tục thực hiện triển khai lấy mẫu tầm soát tại các KCX Linh Trung 1, KCX Linh Trung 2, KCN Bình Chiểu để nhanh chóng phát hiện và xử lý các ca nhiễm và xử lý một cách kịp thời.
Năm nội dung phòng, chống dịch mà TP. Thủ Đức tập trung thực hiện là: Tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm, trọng tâm, trọng điểm, phân cấp cho phường; cách ly, thu dung và điều trị; ưu tiên tiêm phòng vaccine phòng COVID-19; thực hiện nghiêm giãn các xã hội, nhất là trong các khu vực phong tỏa; chăm lo đời sống xã hội cho người dân.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, với sự hỗ trợ, chỉ đạo của TPHCM, Bộ Y tế từ những ngày đầu nên TP. Thủ Đức có hệ thống cơ cấu chống dịch tương đối hoàn chỉnh từ bệnh viện điều trị được những bệnh nhân nặng, có bệnh nền cho đến chủ động hoàn toàn trong truy vết, xét nghiệm.
Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, Phó Thủ tướng yêu cầu TP. Thủ Đức phải tập trung thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg một cách quyết liệt trong những ngày còn lại. “Thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 chính là một hình thức cách ly, ngăn chặn và chặt đứt chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng”, Phó Thủ tướng nói.
Đối với công tác xét nghiệm, TP. Thủ Đức cần quán triệt tinh thần hiệu quả là trên hết, tiết kiệm triệt để. Cụ thể, Thành phố cần ưu tiên xét nghiệm cho những người có triệu chứng, người già, người có bệnh nền để phát hiện kịp thời, có biện pháp chăm sóc, điều trị từ sớm.
TP. Thủ Đức cần lưu ý các khu trọ công nhân tập trung để có giải pháp kết hợp giữ xét nghiệm và giãn, giảm mật độ cư trú, không để dịch bệnh xuất hiện và lan rộng.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu của các khu F0 không triệu chứng là phấn đấu hạn chế thấp nhất số ca chuyển sang có triệu chứng, còn tại các khu F0 có triệu chứng nhẹ là hạn chế chuyển sang nặng. Vì vậy, các khu này phải có nhân viên y tế theo dõi sát để xử lý kịp thời những trường hợp chuyển sang có triệu chứng, chuyển nặng để chuyển lên tuyến trên.
Trong các khu thu dung phải chăm lo, quan tâm đầy đủ cho bà con từ chế độ ăn uống, vận động đến sinh hoạt văn hóa, tinh thần; cấp, phát ngay các loại thuốc đông y, tây y cho các F0, F1, người dân trong khu phong tỏa… kết hợp với các phương pháp truyền thống để nâng cao thể trạng, hỗ trợ điều trị COVID-19 ngay từ ban đầu;…
Phó Thủ tướng hoan nghênh TP. Thủ Đức đã huy động được các bệnh viện tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19. Tinh thần chung là phải kêu gọi tất cả các bệnh viện thuộc mọi thành phần, không phân biệt công, tư cùng tham gia.