Tất cả cho ngày mai Phú Quý

Tháng 4 âm lịch, Phú Quý như chìm trong thênh thang của gió lộng, của mặt biển im ắng tựa hồ thu. Du khách nhộn nhịp ngày mấy bận xuôi ngược đi về đảo ngọc. Hoàng hôn ở Ngũ Phụng vẫn vẹn nguyên dưới ánh của buổi chiều tà.

Điểm hẹn tháng 4

Phú Quý tự nhiên như đứa trẻ mong muốn được tìm về nhà, để hít thở thêm dư vị của biển cả, để mai này có lỡ như đảo nhỏ bỗng trở thành “đặc khu” còn có thêm những hoài niệm cũ mới.

Ở Phú Quý, dù là bình minh, hoàng hôn hay những buổi chiều tà đâu cũng đẹp, cũng hiền hòa. Phú Quý vẹn nguyên của chừng hơn 10 năm trước, những mớ rau, hoa quả dọc đường, những bếp bánh xèo củi cứ chiều là đỏ lửa bay vào mũi thơm tho, mời gọi.

Phú Quý dự đón hơn 10 nghìn lượt khách cho đến hết tháng 4 âm lịch. Bởi lẻ, thời điểm đẹp nhất chính là tháng 4, tháng 5. Thời điểm đảo Phú Quý gió lặng và biển trong xanh như ánh mắt trong xanh của thiếu nữ bước vào xuân thì.

Phú Quý hiện tại, tuyến đường thủy nối giữa Phan Thiết và Phú Quý mỗi ngày có 3 tàu cao tốc chuyên chở hành khách, cùng với đó là 8 tàu vận tải cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa giữa đất liền và đảo. Phú Quý trở nên có nhiều cơ hội phát triển, và chắc hẳn sẽ phát triển nếu trong tầm chiến lược của vài năm tới.

Thử thách

Diện tích đảo Phú Quý chỉ hơn 18km2, chu vi khoảng 35 km cùng khoảng 29.000 dân. Nhưng Phú Quý lại có 28 cơ sở thờ tự, tín ngưỡng, trong đó có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, thắng cảnh cấp quốc gia như Vạn An Thạnh (đã được Bộ Văn hóa và Thông tin) xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1996). Di tích được người dân đảo Phú Quý gọi tên là Vạn An Thạnh với ngụ ý muốn nói lên ước nguyện cầu mong có một cuộc sống an khang, thịnh vượng. Nơi đây thờ cá voi (hay cá “Ông”) là thần Nam Hải gắn với tín ngưỡng ngư nghiệp của ngư dân ven biển nước ta. Hay Chùa Linh Quang (Chùa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin) xếp hạng thắng cảnh cấp quốc gia năm 1996, được coi là ngôi chùa được tạo lập sớm nhất trên đảo Phú Quý.

Đến với chùa Linh Quang ngoài vãng cảnh chùa, lễ phật, du khách còn khám phá, chiêm ngưỡng những giá trị kiến trúc nghệ thuật mang dấu ấn đặc trưng Phật giáo trên đảo Phú Quý, được nghe những giai thoại gắn với quá trình hình thành ngôi chùa và khai sáng phật pháp nơi đây. Bên cạnh đó, sự tôn kính của người dân nơi đây còn hướng về khu dinh mộ Thầy Sài Nại.

Theo truyền thuyết, Thầy Sài Nại là một thương gia có hiểu biết về các loại thuốc để chữa bệnh. Trong một lần đi buôn bán, thuyền của ông bị bão tố đẩy lên đảo Phú Quý; ông bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp của đảo nên quyết định ước nguyện gắn bó suốt đời với nơi này, nên sau khi mất Thầy được nhân dân chôn cất rồi đắp nên khu dinh mộ Thầy Sài Nại vào năm 1665. Người dân đảo đến dinh mộ Thầy Sài Nại cầu nguyện khi gặp khó khăn để được đầu xuôi đuôi lọt hay đi biển được mùa tôm cá. Hàng năm, Lễ cúng Thầy được tổ chức vào ngày 4/4 âm lịch với nhiều nghi thức lễ truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa miền biển. Sở hữu nền văn hóa đặc trưng cùng vô số các cảnh đẹp nguyên sơ, hấp dẫn, Phú Quý trở thành điểm đến biển – đảo hấp dẫn của cả nước trong vài năm trở lại đây.

Nhưng để Phú Quý có thể thật sự vươn tầm thì cần giải quyết 2 thách thức cấp bách về nước ngọt và rác thải. Năm 2024, Phú Quý đón gần 155.000 lượt khách, trong đó có khoảng 3.200 lượt khách quốc tế, nhưng số lượng cơ sở lưu trú như khách sạn, nhà nghỉ, homestay ngày càng tăng (hiện có khoảng 70 khách sạn và 100 nhà nghỉ, homestay), gây thêm áp lực lên hệ thống hạ tầng- nhất là về điện và nước.

Hiện trên đảo có 2 hồ chứa nước ngọt lớn nhưng vào mùa khô, nước phục vụ sinh hoạt và nông nghiệp thường xuyên khan hiếm. Chính quyền địa phương đã đưa ra nhiều biện pháp bảo vệ nguồn nước ngầm như hạn chế người dân tự ý khoan giếng và khuyến khích xây dựng hệ thống bể chứa nước mưa tại nhà. Dù vậy, tình trạng thiếu nước ngọt vẫn luôn ở mức "cảnh báo", đặc biệt vào mùa du lịch cao điểm như hiện tại. Bên cạnh đó, rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa - cũng là vấn đề nhức nhối. Dù đã có nhà máy xử lý rác trên đảo nhưng phương pháp chủ yếu vẫn là đốt hoặc chôn lấp, chưa thể xử lý hiệu quả rác nhựa không phân hủy.

Minh chứng cho điều đó, nhiều hàng quán và người dân địa phương vẫn có thói quen dùng rác thải nhựa trong buôn bán, trong khi đó huyện đảo đã từng phát động phong trào chống rác thải nhựa, du khách không mang rác thải nhựa lên đảo. Đây là một trong những hoạt động thiết thực hướng đến loại bỏ hoàn toàn rác thải nhựa tại đảo Phú Quý. Nhưng xem chừng bài toán ấy vẫn khó.

QUANG NHÂN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tat-ca-cho-ngay-mai-phu-quy-130348.html