Tất cả học sinh của một ngôi trường bỏ trốn trót lọt khỏi Đức Quốc xã
Hằng năm, những học sinh còn sống của cô Anna Essinger tập trung tại Trường Bunce Court, Anh, để tưởng nhớ người phụ nữ phi thường này. Năm 1933, cô Anna, Hiệu trưởng một trường tư thục ở Đức, đã đưa tất cả học sinh từ 3 đến 17 tuổi của mình đến Anh. Cùng với các em gái của mình và hai giáo viên khác, cô đã làm được điều không tưởng. Cuộc đào thoát táo bạo của các học sinh như một phép màu và là chiến công của một người phụ nữ bình dị.
Anna Essinger mất sáu tháng trời để xây dựng và thực hiện kế hoạch đưa tất cả học sinh trường mình chạy trốn khỏi Đức Quốc xã. Hôm đó là ngày 5 tháng 10 năm 1933. Vào ngày này, các nhân viên thân tín nhất của nữ hiệu trưởng 54 tuổi tập trung tại ba địa điểm khác nhau của nước Đức. Các bậc phụ huynh và học sinh lặng lẽ tập kết tại các ga tàu hỏa định trước, dọc theo ba tuyến đường chính ra khỏi đất nước.
Giáo viên thần học Martin Schwarz bí mật đón từng học sinh tại mỗi bến tàu dọc theo sông Rhine từ Basel. Paula Essinger, em gái của cô Anna kiêm y tá nhà trường, khởi hành từ Munich qua Herrlingen, rồi đến Stuttgart và Mannheim, cũng đón học sinh trên đường. Cô Hanna Bergas, giáo viên tiếng Anh, tiếng Pháp và lịch sử nghệ thuật, dẫn đầu nhóm cuối cùng ở miền bắc nước Đức.
Mọi người ý thức rất rõ hành động của họ mạo hiểm như thế nào. Hơn nữa, chiến dịch này có quá nhiều người tham gia: từ cán bộ nhà trường, học sinh, đến cha mẹ các em. Chỉ cần một người trong họ lỡ mồm là không thể tưởng tượng được điều gì sẽ xảy ra. Nỗi sợ hãi ám ảnh những người chạy trốn từng giây từng phút. Những suy nghĩ xâm chiếm tâm trí họ, không để họ yên. Điều gì sẽ xảy ra nếu những tên côn đồ mặc áo nâu tấn công đoàn tàu? Điều gì sẽ xảy ra nếu Gestapo nắm được kế hoạch của cô Anna và chặn họ ở biên giới?
Trong hồi ký của mình, cô Hannah Bergas nhớ lại giây phút họ đến ga “Vườn Bách thú” ở Berlin, nơi mười cậu bé, cô bé đang chờ cô. Đây là một nhóm khá đông và đa dạng. Nhiệm vụ không hề dễ dàng. Cần phải làm sao cho tất cả giống như một chuyến đi bình thường của học sinh. Để không gây nghi ngờ, chỉ có vài phụ huynh đến tiễn ở nhà ga, không ai dám mang nhiều đồ đạc. Cuộc chia tay diễn ra rất lặng lẽ. Cô Hannah Bergas ôm hôn mẹ mình thắm thiết, bởi cô không biết liệu họ có bao giờ gặp lại nữa không.
Tất cả học sinh phải hoàn toàn tin tưởng “Bác Anna”, như cách các em gọi cô. Chính cô là người thành lập trường, nghĩ ra và thực hiện kế hoạch giải cứu tất cả học sinh thoát khỏi sự kìm kẹp của Đức Quốc xã. Niềm tin, tình yêu và ý chí không gì lay chuyển nổi của người phụ nữ lớn tuổi bình dị đã giúp giành lại mạng sống của hàng trăm đứa trẻ từ nanh vuốt của Hitler.
Dáng cao, tóc vàng, cô Anna Essinger sinh ra trong một gia đình Do Thái gốc Đức ở thành phố Ulm, miền nam nước Đức. Là con cả trong gia đình 9 người con, cô thường xuyên giúp mẹ chăm sóc các em. Từ nhỏ, Anna làm việc chăm chỉ để kiếm tiền ăn học. Sau đó, cô vào học Đại học Wisconsin-Madison, lấy bằng cử nhân và thạc sĩ ở hai chuyên ngành. Những quyền tự do dân chủ và hệ thống giáo dục tiến bộ của Mỹ đã truyền cảm hứng cho cô Anna.
Anna Essinger đã sống ở Mỹ gần 20 năm. Cô trở về nước Đức quê hương sau Thế chiến thứ nhất. Năm 1926, cô mở ngôi trường riêng của mình. Trường của cô đoạn tuyệt với quan điểm giáo dục truyền thống của Đức, vốn dựa trên kỷ luật nghiêm minh và hình phạt hà khắc. Thay vào đó, trong ngôi trường nội trú tiến bộ và phi tôn giáo này, mọi đứa trẻ đều được quan tâm.
Nhà trường khích lệ tính ham hiểu biết bẩm sinh và tiềm năng sáng tạo của trẻ em. Cô Anna thường dẫn lời của nhà văn, triết gia Anh John Ruskin: “Mục đích của một nền giáo dục chân chính là làm cho con người không chỉ trở nên cần cù lao động mà còn yêu lao động, không chỉ thông thái mà còn yêu tri thức, không chỉ trở nên sạch sẽ mà còn yêu sự sạch sẽ, không chỉ trở nên công bằng mà còn khao khát sự công bằng”.
Cô Anna cho rằng cần quan tâm nhiều đến việc dạy cho học sinh các kỹ năng thực hành hơn là kiến thức hàn lâm. Theo cô, trẻ em phải học để cống hiến cho xã hội. Ví dụ như giúp bố mẹ ở nhà, chăm sóc vườn tược, nấu ăn, dọn dẹp. Tất cả học sinh của cô Anna đều nói rằng bầu không khí ở trường rất độc đáo. Các em thực sự được tự do ngôn luận.
Nhà trường giáo dục tính ham hiểu biết, thể hiện quyền uy phi bạo lực, khơi dậy sự tôn trọng và tình đoàn kết, cũng như khuyến khích học sinh suy nghĩ độc lập. Tất cả những phẩm chất đó, cùng với việc học tập các môn khoa học, ngoại ngữ và thể thao khác nhau, đã cung cấp cho học sinh không những một nền học vấn xuất sắc mà còn một tuổi thơ hạnh phúc. Đây không chỉ trường học mà còn là một gia đình thực sự.
Tháng 1 năm 1933, khi Adolf Hitler trở thành Thủ tướng Đức. Anna bắt đầu lo sợ sự nghiệp của đời mình bị lâm nguy. Cô đọc cuốn hồi ký “Cuộc chiến đấu của tôi” của Hitler và dự đoán rằng Hitler sẽ nhấn chìm nước Đức vào vực sâu tăm tối, nơi không những không có chỗ cho tự do suy nghĩ hay biểu đạt mà có thể cả sự sống. Tháng 3 năm đó, "Đạo luật Cho quyền" đã biến Hitler thành một tên độc tài toàn năng. Vài ngày sau, cô Anna được lệnh treo cờ phát xít Đức ở Trường Herrlingen. Phẫn nộ đến tận cùng, cô lên tiếng phản đối. Cô đã khẩn trương tổ chức một cuộc diễu hành kéo dài ba ngày cho học sinh của mình, và chỉ khi không còn ai ở trong trường, cô mới treo cờ của Đức Quốc xã.
Hình ảnh lá cờ phát xít Đức treo nơi ngôi trường ở Herrlingen rốt cuộc đã cho Anna thấy không thể có tương lai đối với bản thân cô và học sinh của cô ở đây. Đất nước này không còn là nơi bạn có thể yên tâm giáo dục con cái một cách trung thực và tự do. Cô Anna chân thành tin rằng có thể sống cách khác, tự do. Tự do suy nghĩ, tự do nói và không ngoái nhìn ai đó, sống không sợ hãi. Giờ đây, cô Anna thấy sự giả dối biến thành sự thật, trắng đổi thành đen như thế nào. Cô cho rằng đã đến lúc phải hành động.
Nếu Đức Quốc xã phát hiện ra kế hoạch chạy trốn của cô Anna thì sẽ vô cùng nguy hiểm. Những ngôi trường như vậy bị phạt tiền, thậm chí bị trưng dụng hoàn toàn cho Đoàn Thanh niên Hitler. Tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Cô Anna bắt đầu đi du lịch khắp châu Âu, tìm kiếm một địa điểm cho ngôi trường của mình. Cuối mùa xuân năm 1933, cô nhận được sự giúp đỡ ở Anh. Đã có những người sẵn sàng quyên góp và tìm địa điểm phù hợp cho trường.
Cô Anna tích cực thực hiện kế hoạch. Cô nhiều lần trao đổi với các bậc phụ huynh học sinh, phân tích tình hình cho họ. Thời gian này, trên quảng trường trung tâm thành phố Ulm, sách của các nhà khoa học gốc Do Thái bị đốt. Ngọn lửa không thương tiếc thiêu rụi những kiến thức và phát minh vô giá của Albert Einstein, Sigmund Freud, Karl Marx...
Rủi ro vô cùng lớn, nhưng không ai từ chối lời đề nghị của cô Anna. Trong khi hiệu trưởng giải quyết các vấn đề về tổ chức, học sinh tích cực học tiếng Anh. Đầu tháng 9, đích thân Adolf Hitler đến thành phố. Y diễn thuyết trên quảng trường. Ai cũng hoan hỉ, quốc trưởng đi thị sát các đơn vị quân đội đồn trú gần đó. Đoàn xe của Hitler đi qua làng Herrlingen, cách trường của cô Anna không xa, nhưng không hề biết gì về hành động ngang ngược sắp xảy ra.
Hai tuần sau chuyến thăm của Hitler, cô Anna cùng với hàng chục giáo viên của trường và học sinh bắt đầu thực hiện kế hoạch chạy trốn sang Anh. Tình hình hết sức căng thẳng, các em học sinh lên đường theo từng nhóm nhỏ. Ở mỗi nhà ga, cô Anna cảnh giác quan sát các tòa nhà và khuôn mặt của mọi người, chờ đợi một thủ đoạn bẩn thỉu. Thật kỳ lạ, “chiến dịch” diễn ra hoàn hảo.
Các nhóm học sinh có giáo viên tháp tùng gặp lại nhau tại bến tàu ở Ostend, Bỉ. Từ đó họ đến thị trấn Dover vùng đông nam nước Anh. Từ đây, cô Anna cùng với tất cả học sinh lên ba chiếc xe buýt màu đỏ đi đến một vùng nông thôn thơ mộng và dừng lại trước một địa điểm rất đẹp, chẳng bao lâu được gọi là Trường Bunce Court. Kế hoạch đã hoàn thành - những đứa trẻ đã được an toàn.
Tất cả học sinh đều sợ hãi và tâm hồn bị tổn thương. Ở Trường Bunce Court, cô Anna Essinger không chỉ tạo ra cho các em bầu không khí an toàn và hạnh phúc mà còn là một ngôi nhà, nơi những đứa trẻ được chữa trị những vết thương tinh thần và được truyền cảm hứng để tiếp tục sống. Ở đây các em luôn luôn được yêu mến và giúp đỡ. Nhà trường trở thành gia đình đối với các em. Nhiều năm sau, các em vẫn nhớ đến “Bác Anna” với lòng biết ơn vô hạn.
Sức khỏe của cô Anna Essinger giảm sút nhanh chóng. Không tìm được người thay thế cô, năm 1948, trường buộc lòng phải đóng cửa. Cô Anna gần như bị mù và sống một mình ở Bunce Court. Cho đến khi qua đời, cô vẫn tiếp tục nhận được những lá thư cảm động của các học trò cũ từ khắp nơi trên thế giới. Những người ở lại Vương quốc Anh thường đến thăm cô. Qua đời năm 1960, cô Anna Essinger đã kịp chứng kiến các học trò của mình giành được những thành công lớn trong sự nghiệp. Nhưng điều quan trọng nhất mà cô Anna đã làm được trong cuộc đời này là ban tặng cho những học sinh của mình không những cuộc sống mà còn một thứ quý giá hơn nhiều - tình yêu.