Tất cả vì nạn nhân da cam
Thị xã Chơn Thành hiện có 106 nạn nhân da cam được hưởng chế độ Nhà nước. Trong đó có 75 nạn nhân trực tiếp, 31 nạn nhân gián tiếp, có 13 nạn nhân mất hơn 81% sức khỏe. Toàn thị xã có 80 gia đình nạn nhân da cam, gồm 59 gia đình 1 nạn nhân, 17 gia đình 2 nạn nhân, 3 gia đình 3 nạn nhân và 1 gia đình 4 nạn nhân. Thời gian qua, công tác chăm sóc nạn nhân da cam đã được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và mạnh thường quân trên địa bàn thị xã chung tay chăm lo. Qua đó giúp nạn nhân da cam và gia đình của họ vượt qua số phận, vươn lên trong cuộc sống.
Những ngày này, gia đình ông Đỗ Mạc Thắng, bà Phạm Thị Thanh Xuân ở khu phố 3, phường Minh Long, TX. Chơn Thành nhận được nhiều sự quan tâm, thăm hỏi của các cấp, ngành, đoàn thể. Bà Xuân cho biết, cả hai ông bà đều tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày phục viên, ông bị nhiễm chất độc da cam, ảnh hưởng 80% sức khỏe. Người con gái Đỗ Thị Dung bị lây nhiễm chất độc hóa học từ cha khiến tay chân khuyết tật, trí não chỉ như đứa trẻ lên 3. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn đó, đầu năm 2024, gia đình ông Thắng, bà Xuân đã được trao tặng căn “Nhà nhân ái” trị giá 150 triệu đồng, do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thị xã Chơn Thành phối hợp cùng Thị đoàn trao tặng. “Dịp lễ tết hằng năm, các cấp hội, đoàn thể thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho gia đình. Chúng tôi rất phấn khởi và hạnh phúc. Gia đình cảm ơn sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, ban, ngành, đoàn thể, mạnh thường quân rất nhiều” - bà Xuân xúc động chia sẻ.
Chiến tranh đã lùi xa gần 50 năm nhưng nỗi đau và di chứng để lại thì mãi còn đó. Liệt, mù lòa, câm điếc, thiểu năng trí tuệ, ung thư, dị tật bẩm sinh... các di chứng, bệnh tật hiểm nghèo đeo bám nạn nhân da cam cho đến hết cuộc đời. Đau lòng hơn khi hầu hết thế hệ đầu tiên bị nhiễm dioxin là những người lính Cụ Hồ năm xưa đã hy sinh xương máu vì hòa bình, độc lập tự do cho dân tộc. Nay trở về đời thường, họ lại tiếp tục đấu tranh với bệnh tật, với nỗi đau da cam di truyền sang thế hệ sau. Thậm chí thế hệ thứ 3, thứ 4 (cháu, chắt) của một số nạn nhân hiện nay có biểu hiện sức khỏe không bình thường. Tuy nhiên, chưa có hướng dẫn để được giám định công nhận cũng như những chế độ ưu đãi. Ông Trần Văn Đồng ở khu phố 7, phường Minh Long cho hay, ông không rõ mình bị nhiễm chất độc da cam trong trận chiến nào, chỉ biết khi sinh con thì 2 người con gái là Trần Thị Bé và Trần Thị Hon đều câm điếc, ngờ nghệch, mọi sinh hoạt hằng ngày đều phải có người theo sát chỉ bảo. “Ban ngày không sao, nhưng đêm đến tôi lại suy nghĩ, không biết sau này các con sẽ ra sao. Vậy nên nay còn sống, có của ngon vật lạ gì tôi đều cho con ăn. Sau này mình qua đời rồi thì... đành chịu vậy!” - ông Đồng ngậm ngùi.
Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, 6 tháng đầu năm 2024, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thị xã Chơn Thành đã vận động các cấp, ngành, đơn vị, tổ chức, cá nhân mạnh thường quân, chức sắc, tôn giáo trên địa bàn thị xã hỗ trợ, chăm lo cho nạn nhân… với tổng hơn 314,8 triệu đồng, gồm 369 phần quà và 1 căn “Nhà nhân ái”. Cán bộ hội cũng thường xuyên đi cơ sở, nắm bắt tình hình khó khăn của nạn nhân da cam để trợ giúp kịp thời.
Bà Ngô Thị Thu Thảo, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thị xã Chơn Thành hy vọng các cấp, ngành, đoàn thể, nhà hảo tâm, mạnh thường quân sẽ tiếp tục chung tay cùng hội để sẻ chia với nạn nhân chất độc da cam. Phần nào đem lại niềm tin, động lực để nạn nhân và thân nhân nạn nhân chất độc da cam vượt qua số phận, vươn lên xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn”.
“Thời gian qua, phường Minh Long đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác chăm sóc nạn nhân chất độc da cam. Với chủ trương “Tất cả vì nạn nhân da cam”, hằng năm, nhất là vào tháng 8 - “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin”, các ban, ngành, đoàn thể, mạnh thường quân đều quan tâm, thăm hỏi, tặng quà các nạn nhân. Phường cũng đã hoàn thành công tác xây dựng nhà ở, công trình vệ sinh cho nạn nhân da cam hoàn cảnh khó khăn”.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/161229/tat-ca-vi-nan-nhan-da-cam