Tất cả vì người dân vùng lũ

Nhanh chóng, khẩn trương và cẩn thận - hướng đến việc đảm bảo an toàn cho người dân - là tinh thần, quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, huyện, xã, lực lượng cứu hộ và toàn xã hội hướng đến trong công tác cứu hộ cứu nạn cho người dân vùng lũ trong những ngày vừa qua.

Đồng chí Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ tại xã Lát. Ảnh: Lê Tiến

1. Hơn 5h sáng ngày 8/8, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) - Công an tỉnh nhận được cuộc gọi từ Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Sử Thanh Hoài về việc một số người dân bị nước lũ cô lập tại khu vực sản xuất nông nghiệp ở hạ lưu suối Đạ Nghịt (xã Lát). Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH lập tức triển khai lực lượng gồm 80 cán bộ, chiến sỹ (CBCS) làm công tác cứu hộ. 2 ca nô, 1 xuồng cao su và 8 xe chuyên dụng được chuẩn bị. Tuy nhiên, phương án này không được triển khai do dòng nước quá lớn và chảy xiết. Thiếu tá Nguyễn Tiến Hồng - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết: “Khi đó, nước từ đầu nguồn tiếp tục đổ về. Thời tiết diễn biến xấu. Tâm lý người dân có dấu hiệu hoảng loạn. Áp lực rất lớn cho lực lượng cứu hộ. Các phương án khác lần lượt được đưa ra và phương án sử dụng bộ thiết bị cứu nạn cứu hộ để đu dây qua dòng nước lũ được chọn - Tất cả vì sự an toàn cho người dân vùng lũ”.

Việc sử dụng phương án trên là phù hợp bởi kỹ thuật treo người trên dây cáp sẽ hạn chế lắc lư, giảm tiêu tốn sức lực. Đặc biệt, người già, phụ nữ và trẻ em được đưa ra khỏi vùng bị cô lập tuyệt đối an toàn.

Góp sức với các chiến sỹ công an là lực lượng quân đội. Ngay sau khi nhận tin, Đại tá Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Nguyễn Bình Sơn đã chỉ đạo ngay lực lượng tham gia cứu hộ cứu nạn gồm 86 đồng chí thuộc Đại đội Công binh, Đại đội Trinh sát, Ban CHQS huyện Lạc Dương do đồng chí Lê Anh Vương - Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh trực tiếp chỉ huy tham gia cứu hộ. Các phương tiện xe, ca nô, phao tròn, áo phao, dây thừng, thang dây... nhanh chóng được các chiến sỹ mang vào phục vụ công tác cứu hộ.

Đoàn viên, thanh niên di tản người dân ra khỏi vùng lũ.

Thượng úy Lê Quốc Thịnh - người trực tiếp tham gia vào công tác cứu nạn chia sẻ: “Công tác cứu hộ phải được thực hiện tuyệt đối chính xác, bởi chỉ cần một sai sót có thể dẫn đến chết người. Trong số những người dân mắc kẹt có một bà mẹ và em bé 11 tháng tuổi. Việc đưa hai mẹ con cùng qua suối là không thể. Lực lượng cứu hộ bắt buộc phải đưa người mẹ qua trước. Khoảnh khắc người chiến sỹ ôm đứa bé đu dây qua suối an toàn, hạnh phúc không chỉ vỡ òa trong người mẹ trẻ đang đón lấy đứa con mình mà còn trong tiếng thở phào nhẹ nhõm của tất cả anh em”.

Thiếu tá Nguyễn Văn Sướng - Đại đội trưởng Đại đội Công binh khẳng định rằng: “Với đặc thù nhiệm vụ chuyên xử lý bom mìn, vật nổ nên tinh thần chiến sỹ công binh được ví như thép. Song, chúng tôi vẫn vô cùng xúc động khi từng người dân lần lượt trở về an toàn trong nụ cười, nước mắt và vòng tay của gia đình. Nên khi công việc kết thúc, dù người lạnh run và tay phồng rộp nhưng các cán bộ, chiến sĩ ai cũng vui vì 41 người, trong đó có 4 trẻ em, được giải cứu an toàn ra khỏi vùng lũ quét”.

Lực lượng vũ trang giải cứu 41 người dân bị mắc kẹt trong mưa lũ ra vùng an toàn.

2. Từ ngày 7 - 8/8, sau khi cơn bão số 3 đi qua, trên địa bàn huyện Lạc Dương đã xảy ra mưa lớn kéo dài, gây thiệt hại lớn về tài sản và đe dọa tính mạng của người dân. Lãnh đạo huyện Lạc Dương khẩn trương thành lập các tổ công tác, huy động hơn 100 cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang huyện, xã xuống hiện trường.

Từ 4h sáng ngày 8/8, khi bắt đầu xảy ra tình hình ngập úng, lãnh đạo huyện đã trực tiếp đến kiểm tra tình hình tại các khu vực bị ngập lụt thuộc thị trấn Lạc Dương và chỉ đạo ứng phó. Riêng tại các khu vực nguy hiểm như thôn Đạ Nghịt (xã Lát), lãnh đạo huyện thường xuyên có mặt hỗ trợ, đôn đốc các lực lượng cứu hộ. Mục tiêu cao nhất là giải cứu an toàn cho người dân.

Còn tại khu vực Lán Tranh (xã Đưng K’Nớ), đến tận 20h ngày 8/8, đoàn cứu hộ do Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Chí Quang Minh chỉ đạo mới có thể tiếp cận địa bàn do tuyến đường ĐT 722 từ xã Lát vào Đưng K’Nớ bị sạt lở nhiều nơi. Trước đó, ngay sau khi nhận được tin báo một số nhà dân bị sạt lở, UBND huyện đã chỉ đạo xã đưa toàn bộ người dân đến khu vực an toàn, đảm bảo người dân không bị đói rét. Đồng thời, huyện phối hợp với Cục Bảo trì đường bộ và lực lượng tại chỗ để xử lý các điểm sạt lở nhanh nhất. Đến 15h ngày 9/8, đường đến trung tâm xã Đưng K’Nớ cơ bản được sửa chữa xong.

Cơn lũ đi qua, mặc dù Lạc Dương chịu thiệt hại nặng nề về tài sản, song không có thiệt hại về người. “Điều này nhờ vào công tác ứng cứu kịp thời, nhanh chóng của lực lượng cứu hộ tại chỗ và cứu hộ cứu nạn của tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Chí Quang Minh nói.

Tại huyện Đạ Tẻh, sau khi mưa lớn kéo dài, các cơ quan chức năng đã đề nghị trạm truyền thanh các xã tăng thêm thời lượng tiếp sóng vào buổi trưa, thông báo người dân cẩn thận trong việc thu hoạch dâu, sử dụng điện ở những khu vực bị ngập úng. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho Nhân dân trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản trong mùa mưa bão. Số điện thoại nóng của các lực lượng cứu hộ trên địa bàn huyện cũng được thông báo để người dân liên hệ trong trường hợp khẩn cấp. Các khu vực bị chia cắt do sạt lở nhanh chóng được khắc phục. 17 hộ dân trong vùng ngập lụt, lũ quét được di dời đến nơi an toàn.

Tại tất cả các địa phương khác, lãnh đạo huyện, xã bám sát hiện trường, nắm bắt tình hình mưa lũ để kịp thời chỉ đạo, ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra. Tình hình mưa lũ tại các địa phương liên tục được báo về tỉnh. Đồng thời các đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp xuống cơ sở. Nếu đồng chí Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp có mặt tại xã Lát thì đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã trực tiếp có mặt tại khu vực Bảo Lộc và Đạ Tẻh - những địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ.

Nước ngọt được đưa vào cứu trợ cho các hộ dân vùng lũ.

3. Việc hỗ trợ người dân khắc phục mưa lũ là sự chung tay của toàn xã hội. Trong đó, thanh niên là lực lượng xung kích quan trọng. Tại huyện Đạ Tẻh, ngay từ sáng sớm ngày 8/8, khi trời mưa to và nước bắt đầu dâng ngập các tuyến đường, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong huyện đã nhanh chóng phối hợp với các lực lượng chức năng có mặt tại các điểm thấp trũng để di tản người dân, đồ đạc đến vùng an toàn. Tại các khu vực ngập nặng như xã Đạ Pal, Triệu Hải, Quảng Trị, những chiếc xuồng chở những thùng nước ngọt được lực lượng thanh niên đưa đến từng hộ gia đình để kịp thời cứu trợ cho bà con.

Anh Nguyễn Hải Đường - Bí thư Đoàn xã Quốc Oai cho biết: “Đây là đợt lũ lớn trong nhiều năm qua. Từ sáng sớm, nước lũ dâng nhanh khiến người dân hoang mang và bị động, nhất là gia đình có người già và trẻ nhỏ. Nhiều nhà bị cô lập. Lực lượng cứu hộ không ra vào được vì dòng nước chảy xiết”.

Trong suốt một ngày dầm mưa, lội nước, lót bụng tạm bằng mì gói, nhưng hàng trăm cụ già, em nhỏ và từng nong tằm, bao lúa,... đã được lực lượng ĐVTN nhanh chóng di tản. Bên cạnh đó, Huyện đoàn Đạ Tẻh cũng đã huy động hàng trăm thùng mì kịp thời hỗ trợ cho các hộ bị ngập nặng. Nhanh chóng, khẩn trương và cẩn thận - tất cả đều hướng đến việc đảm bảo an toàn cho người dân.

Các lực lượng cứu hộ tập trung khắc phục nhanh nhất hậu quả, sớm ổn định cho các gia đình bị thiệt hại nặng.

Trước tinh thần xung kích của thanh niên toàn tỉnh, chị Trần Thị Chúc Quỳnh - Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng đã kịp thời động viên tinh thần rằng: “Anh em ta cố gắng nhé! Nhớ đi lại cẩn thận, dùng áo phao để đảm bảo an toàn”. Tỉnh Đoàn cũng yêu cầu các đơn vị đoàn cơ sở xem xét những trường hợp học sinh bị hư hỏng sách vở do mưa lũ, từ đó có phương án vận động và hỗ trợ, giúp các em yên tâm đến lớp trước thềm năm học mới đang đến gần. Nguồn hỗ trợ của Tỉnh Đoàn một phần được lấy từ việc tiết kiệm không nhận hoa trong Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh vừa diễn ra. Bên cạnh đó, Tỉnh Đoàn đã hỗ trợ 40 thùng sữa, 40 lốc nước khoáng, 40 thùng mì tôm cho người dân các vùng ngập úng nặng của huyện Đạ Tẻh.

Những việc làm ý nghĩa này đã góp phần giúp người dân vùng lũ vượt qua khó khăn trong những lúc nguy hiểm, gian nan nhất.

Cho đến sáng ngày 11/8, các địa phương vẫn đang tập trung khắc phục nhanh nhất hậu quả. Riêng tại huyện Lạc Dương, ông Lê Chí Quang Minh cho biết các lực lượng của huyện, xã đã cơ bản khắc phục xong các điểm sạt lở, thông các tuyến đường và ổn định bước đầu cho các hộ dân bị thiệt hại nặng. Hiện, xã Đưng K’Nớ vẫn đang mất điện. Tuy nhiên, huyện đã đưa máy nổ vào xã để đảm bảo hoạt động của địa phương và sinh hoạt của người dân.

NHÓM PV

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/201908/tat-ca-vi-nguoi-dan-vung-lu-2958969/