Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã khẳng định: 'Không thể nào có thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước nếu không có miền Bắc XHCN. Miền Bắc đã dốc vào chiến tranh giữ nước và cứu nước toàn bộ sức mạnh của chế độ XHCN và đã làm tròn một cách xuất sắc nghĩa vụ căn cứ địa cách mạng của cả nước'.
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025):

Bộ đội ta hành quân ra trận. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của hậu phương đối với tiền tuyến, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp năm 1954, Đảng ta chủ trương thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Tiến hành cách mạng XHCN ở miền Bắc và cách mạng dân chủ Nhân dân ở miền Nam. Cách mạng XHCN ở miền Bắc không chỉ có mục tiêu xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào ta mà còn nhằm xây dựng, củng cố căn cứ địa hậu phương chung của cả nước để tiến hành giải phóng miền Nam.
Phát biểu tại Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc (tháng 9/1955), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Miền Bắc là nền tảng, là gốc rễ của lực lượng đấu tranh của Nhân dân ta. Nền có vững, nhà mới chắc. Gốc có mạnh, cây mới tốt”. Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 12, khóa III (12/1965) Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Miền Nam là tiền tuyến lớn, là chiến trường chính hiện nay. Miền Bắc là hậu phương lớn của miền Nam"... Thực hiện chủ trương của Đảng, mặc dù bị tàn phá bởi gần 8 triệu tấn bom của giặc Mỹ, miền Bắc vẫn anh dũng vừa chiến đấu, vừa sản xuất, tăng cường chi viện cho cách mạng miền Nam.
Để xây dựng hậu phương vững mạnh, từ những năm 1960 đến 1975 trên khắp miền Bắc đã dấy lên các phong trào thi đua lao động, sản xuất với khí thế sôi nổi như “tay cày, tay súng”, “tay búa, tay súng”, “thanh niên ba sẵn sàng”, “phụ nữ ba đảm đang”... Từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, khí thế hăng say lao động, sản xuất đã trở thành một cao trào lôi cuốn hàng triệu phụ nữ, nông dân trên toàn miền Bắc tham gia. Khối công nhân, viên chức cũng thực hiện nhiều phong trào thi đua như “ngày thứ bảy năng suất cao”, “luyện tay nghề thi thợ giỏi”. Các phong trào không chỉ tạo ra nhiều của cải vật chất để chi viện cho tiền tuyến, mà còn tạo nên khí thế thi đua giữa tiền tuyến với hậu phương.
Một trong những thành tựu to lớn trong sản xuất nông nghiệp của miền Bắc những năm 1965-1968 là cải tạo đồng ruộng, xây dựng hệ thống thủy nông và áp dụng các giống mới. Vùng đồng bằng Bắc bộ chiêm trũng trước kia chỉ gieo trồng một vụ lúa đã được cải tạo, quy hoạch mới với hệ thống thủy nông được xây dựng ở mọi nơi, cùng với giống lúa ngắn ngày, năng suất cao. Vì thế, không chỉ có Thái Bình ghi bảng vàng 5 tấn, đánh dấu mốc lịch sử đầu tiên về năng suất lúa của miền Bắc, hàng chục địa phương khác cũng đã đạt năng suất 5 tấn/ha. Khẩu hiệu “thóc thừa cân, quân vượt mức” đã cổ vũ tinh thần Nhân dân cả nước thi đua lao động, sản xuất, chiến đấu, đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược. Trong công nghiệp, tổng số xí nghiệp công nghiệp quốc doanh, công tư hợp doanh ngày càng tăng với 1.288 đơn vị; tổng số HTX tiểu thủ công nghiệp tăng lên 2.182 đơn vị.
Trong những năm 1969-1972, giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc ngày càng ác liệt. Để khắc phục hậu quả chiến tranh và làm tròn nhiệm vụ của hậu phương lớn, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Chính phủ đã chỉ ra nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế miền Bắc lúc này là bảo đảm đời sống Nhân dân, tăng cường khả năng phòng thủ đất nước và đáp ứng mọi yêu cầu của chiến trường. Năm 1969 là năm miền Bắc tập trung lực lượng cao nhất để khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó phát triển kinh tế nông nghiệp được coi là mặt trận hàng đầu. Chủ trương đưa chăn nuôi lên ngành chính đã tạo nên hàng vạn cơ sở chăn nuôi tập trung trong các đơn vị sản xuất tập thể. Các cơ sở sản xuất công nghiệp cũng được khôi phục nhanh chóng. Nhiều nhà máy, xí nghiệp được xây dựng mới, trong đó có Nhà máy Thủy điện Thác Bà, công trình thủy điện đầu tiên của miền Bắc. Những tuyến đường sắt, đường bộ, đường thủy đã cơ bản hoạt động bình thường; hệ thống giao thông liên tỉnh, huyện, xã được phát triển nhanh nhất trong giai đoạn này.
Chiến tranh phá hoại lần thứ hai của giặc Mỹ diễn ra ngắn hơn lần thứ nhất, nhưng để lại hậu quả rất nặng nề. Nhiều thành phố, làng mạc, hệ thống giao thông, đê điều, cơ sở sản xuất công nghiệp bị tàn phá nghiêm trọng. Trong khi đó, viện trợ từ các nước XHCN cho Việt Nam giảm sút hẳn so với thời gian trước. Vì thế, khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh và dốc sức chi viện cho miền Nam là nhiệm vụ chính của miền Bắc trong những năm 1973-1975.
Với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “xe chưa qua nhà không tiếc”, miền Bắc luôn sẵn sàng chia lửa, sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng cung cấp đến những dòng vật chất cuối cùng cho chiến trường. Ở khắp nơi, Nhân dân miền Bắc thực hiện “mỗi người làm việc bằng hai” vì miền Nam ruột thịt. Nhờ đó, mọi chỉ tiêu kinh tế, văn hóa - xã hội đề ra đều đạt và vượt mức. Trong 2 năm 1973-1974, đã có 379.000 tấn vật chất được chuyển vào chiến trường, bằng 54% tổng khối lượng hàng miền Bắc chi viện cho miền Nam từ 16 năm trước. Những tháng đầu năm 1975, 230.000 tấn vật chất cũng nhanh chóng được chuyển vào miền Nam bằng mọi phương tiện. Hệ thống giao thông chiến lược nối hậu phương với tiền tuyến bị thiệt hại nặng nề trong chiến tranh đã được khắc phục nhanh nhất nên chỉ số vận tải hàng hóa và vận tải hành khách năm 1975 tăng 2 lần so với năm 1971. Riêng về nhiên liệu, trong 2 năm 1973-1974, hệ thống đường ống xăng dầu Bắc - Nam đã đưa vào các chiến trường gần 303.000 tấn. Khối lượng lớn binh khí, kỹ thuật, nhiên liệu được miền Bắc chi viện kịp thời đã giúp cho các binh đoàn chủ lực thực hiện cơ động thần tốc, hoàn thành các mục tiêu chiến lược đề ra. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 1959 đến năm 1975, hậu phương miền Bắc đã chi viện cho các chiến trường gần 700.000 tấn vật chất, trong đó có trên 180.000 tấn vũ khí.
Không chỉ huy động một lượng lớn của cải, vật chất, hậu phương miền Bắc đã động viên nguồn nhân lực lớn phục vụ cuộc kháng chiến. Dù biết ra trận sẽ có hy sinh, mất mát, nhưng với thanh niên miền Bắc khi ấy, được đi bộ đội để cầm súng chiến đấu với kẻ thù là một lý tưởng sống. Nhiều thanh niên, học sinh đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ bằng máu, thể hiện quyết tâm và mong muốn được sống với lý tưởng của mình. Trong những năm tháng ấy, toàn miền Bắc đã huy động trên 3 triệu người phục vụ chiến tranh (chiếm trên 12% số dân miền Bắc). Có tới trên 70% hộ gia đình ở miền Bắc có người thân chiến đấu ở các chiến trường; trên đồng ruộng, phụ nữ chiếm trên 63% số lao động trực tiếp để nam giới đi đánh giặc cứu nước.
Để đi đến thắng lợi hoàn toàn, yêu cầu chi viện cho các chiến trường miền Nam càng lớn, miền Bắc đã phải dốc toàn bộ sức lực của mình chi viện cho các chiến trường miền Nam. Với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, trong 2 năm 1973-1974 đã có 25 vạn thanh niên miền Bắc được động viên vào lực lượng vũ trang, 15 vạn quân vào các chiến trường phía Nam, cùng với hàng nghìn cán bộ kỹ thuật được đưa vào vùng giải phóng miền Nam để xây dựng hậu phương tại chỗ. Đặc biệt, khi tin chiến thắng liên tiếp vang dội trên các chiến trường đã dấy lên phong trào “tòng quân chi viện” giải phóng miền Nam sôi động khắp nơi. Ngày tuyển quân trở thành ngày hội của mọi người, mọi nhà. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 1975, đã có 110.000 cán bộ, chiến sĩ miền Bắc vào Nam chiến đấu. Sự chi viện to lớn, kịp thời sức người, sức của từ hậu phương miền Bắc có ý nghĩa quyết định trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà nghiên cứu chiến lược quân sự Mỹ đều cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất làm cho Mỹ thất bại ở Việt Nam là do không triệt phá được tiềm lực của miền Bắc. Với quyết tâm sắt đá, tinh thần đoàn kết cùng những đóng góp lớn về nhân lực, vật lực, miền Bắc không chỉ đứng vững trước hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ mà còn chi viện to lớn cho chiến trường miền Nam, để cùng quân dân cả nước viết nên bản anh hùng ca bất hủ của nhân loại. Trong hơn 2 thập kỷ, một dân tộc nhỏ bé đã dũng cảm, kiên cường chống lại kẻ thù xâm lược hùng mạnh, hiếu chiến, giàu tiềm lực quân sự và giành được thắng lợi vẻ vang, mở ra một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên độc lập dân tộc và CNXH. Đó là điều mà nhân loại những năm tháng ấy không thể hình dung nổi.
Tố Phương
(*) Bài viết có sử dụng nhiều tư liệu trong cuốn “Tiến trình lịch sử Việt Nam”, NXB Giáo dục.