Tắt 'đài tiếng nói' suy nghĩ trong đầu

Chúng ta phải thực sự sống với những giây phút mà cuộc đời ban tặng cho ta. Để có khả năng sống được, ta phải tắt đài trong mình, tắt những cuộc đàm luận trong đầu.

 Ảnh: Howtoacademy.

Ảnh: Howtoacademy.

Cho dù không nói chuyện với ai, không đọc sách, không nghe đài, không xem tivi, không lên mạng, thì hầu hết chúng ta vẫn không thấy an ổn hay yên tĩnh. Đó là vì chúng ta đang mở đài NST trong đầu mình. (Đài NST - Non Stop Thinking - đài suy nghĩ liên tục không ngừng.)

Dù có khi ta ngồi yên, không có một tác nhân nào bên ngoài tác động thì cuộc đối thoại không có hồi kết thúc vẫn liên tục diễn ra trong đầu ta. Ta luôn luôn suy nghĩ. Những con trâu, con bò, con dê sau khi ăn xong chúng ựa lên nhai lại nhiều lần.

Chúng ta không phải là chúng, nhưng chúng ta cũng nhai đi nhai lại những suy nghĩ của chúng ta giống như vậy, những suy nghĩ tiêu cực, thiếu may mắn. Tiêu thụ xong rồi ta lại đưa chúng lên nhai đi nhai lại nhiều lần giống như con bò nhai lại thức ăn.

Chúng ta phải học cách tắt đài NST trong đầu. Tiêu thụ bằng cách này không tốt cho sức khỏe.

Ở Làng Mai, chúng tôi chú trọng vào việc thực tập chánh niệm trong khi tiêu thụ thức ăn, Đoàn Thực cũng như Xúc Thực. Không những chúng tôi chọn không uống rượu và không ăn thịt mà còn thực tập nói và suy nghĩ ít lại, càng ít càng tốt, trong khi ăn, khi uống, khi rửa bát cũng như khi làm những công việc khác.

Bởi vì trong khi đi, nếu ta suy nghĩ và nói chuyện thì ta sẽ bị kẹt vào câu chuyện hoặc suy nghĩ đó, và ta bị đánh mất mình trong quá khứ hoặc tương lai, trong những lo toan và dự án. Nhiều người sống cả cuộc đời mình chỉ để làm những chuyện đó. Thật là một sự lãng phí thảm thương.

Sống với những giây phút mà cuộc đời ban tặng

Chúng ta phải thực sự sống với những giây phút mà cuộc đời ban tặng cho ta. Để có khả năng sống được, ta phải tắt đài trong mình, tắt những cuộc đàm luận trong đầu.

Làm sao ta có thể thưởng thức được từng bước chân của mình khi ta chú tâm vào những cuộc độc thoại trong đầu? Điều quan trọng là ta phải ý thức những gì ta cảm, những gì ta làm mà không phải là những gì ta suy nghĩ.

Khi tiếp xúc với mặt đất, ta phải có khả năng cảm được bước chân của ta đang tiếp xúc với đất. Thực tập như vậy ta có rất nhiều niềm vui trong khi đi. Khi đi, ta có thể đầu tư tất cả thân tâm vào bước chân và định tâm hoàn toàn vào mỗi giây phút quý báu của sự sống.

Chú tâm vào sự tiếp xúc giữa bàn chân và mặt đất, ta không bị những suy nghĩ lôi kéo, ta bắt đầu cảm nhận thân thể và môi trường hoàn toàn khác. Thân thể ta là một mầu nhiệm. Nó hành xử theo hàng triệu cách khác nhau. Ta chỉ trân quý nó trọn vẹn khi ta dừng lại được những suy nghĩ liên miên và có đủ niệm định để tiếp xúc với những mầu nhiệm của thân thể, của đất mẹ và của bầu trời.

Điều này không có nghĩa là những suy nghĩ luôn xấu. Suy nghĩ có thể rất hữu ích. Suy nghĩ thường là sản phẩm của cảm thọ và tri giác. Vì vậy, suy nghĩ có thể được xem như một loại hoa trái. Có một số loại hoa trái rất nuôi dưỡng, nhưng một số khác thì không. Nếu ta có nhiều sợ hãi, lo lắng, khổ đau, thì đó là mảnh đất màu mỡ cho những suy nghĩ cằn cỗi, tai hại, vô bổ phát sinh.

Ta là suy nghĩ của ta, nhưng đồng thời ta lớn hơn suy nghĩ nhiều lắm. Ta còn là cảm thọ, là nhận thức, là tuệ giác, là hạnh phúc, là thương yêu. Khi biết ta lớn hơn suy nghĩ của ta thì ta có quyết tâm không để cho những suy nghĩ trấn ngự và khống chế. Suy nghĩ của ta có yểm trợ cho những ước muốn chân chính của ta không? Nếu không, ta phải cài đặt lại chương trình. Nếu không ý thức về những suy nghĩ, chúng sẽ lộng hành và trấn ngự trong tâm ta mà không đợi mời mọc.

(*) Tựa đề và tiêu đề phụ do người biên tập đặt.

Thích Nhất Hạnh/Chân Hội Nghiêm/Thaihabooks/NXB Thế giới

Nguồn Znews: https://znews.vn/tat-dai-tieng-noi-suy-nghi-trong-dau-post1490922.html