Tật khúc xạ học đường: Không nên chủ quan

– Theo số liệu tổng hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh hiện có hơn 6.800 học sinh (chiếm 3,2% tổng số học sinh) mắc các bệnh về mắt, trong đó phần lớn là các tật khúc xạ học đường như: cận thị, viễn thị, loạn thị.

Học sinh khám mắt, đo kính tại Cơ sở dịch vụ kính mắt Bảo Khánh OPTIC, thành phố Lạng Sơn

Học sinh khám mắt, đo kính tại Cơ sở dịch vụ kính mắt Bảo Khánh OPTIC, thành phố Lạng Sơn

Tật khúc xạ thường gặp ở lứa tuổi học sinh. Tuy không có những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng nhưng khi mắc tật khúc xạ học đường sẽ khiến các em nhìn mờ, mỏi mắt, ảnh hưởng không nhỏ đến học tập và sinh hoạt thường ngày.

Ngày càng nhiều học sinh bị cận thị

Theo thông tin từ Sở Y tế, hiện nay, các bệnh về mắt, chủ yếu là tật khúc xạ học đường là nhóm bệnh có số lượng học sinh mắc nhiều xếp thứ ba chỉ sau bệnh răng miệng và suy dinh dưỡng, phổ biến ở học sinh cấp 2 (45%), cấp 3 (29%) và phần lớn ở khu vực thành thị.

Đưa con đi khám mắt tại Cơ sở dịch vụ kính mắt Bảo Khánh OPTIC (đường Trần Đăng Ninh, thành phố Lạng Sơn), chị Trần Thị Hồng (phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn) cho biết: Con tôi phát hiện bị cận thị được hơn 2 năm nay. Nghỉ hè, con rảnh rỗi, thường xem ti vi, điện thoại nhiều nên đến đầu năm học mới, lo con bị tăng độ, tôi lại đưa con đi kiểm tra lại thị lực, cắt kính mới để con đảm bảo việc học ở trường.

Không riêng chị Hồng mà thời điểm đầu năm học mới, nhiều phụ huynh đưa trẻ đến các cơ sở y tế, dịch vụ kính mắt để kiểm tra thị lực, điều trị các tật khúc xạ cho trẻ. Bác sĩ chuyên khoa I Vũ Toàn Phong, Chủ Cơ sở dịch vụ kính mắt Bảo Khánh OPTIC cho biết: Bình quân mỗi tháng có khoảng 50 trẻ đến khám các tật khúc xạ, từ đầu tháng 9 đến nay số lượng trẻ khám mỗi ngày tăng gấp đôi, nhất là vào dịp cuối tuần. Phần lớn các trẻ đến khám đều mắc các tật khúc xạ, trong đó 40% là cận thị.

Theo quan sát của phóng viên, các cơ sở dịch vụ kính mắt khác trên địa bàn thành phố Lạng Sơn như: Kính thuốc Mạnh Cường, Kính thuốc Việt Tiệp… cũng có đông khách hàng ở lứa tuổi học sinh đến kiểm tra thị lực.

Không riêng thành phố, thời gian qua, kết quả các đợt khám tầm soát tại những trường học ở nông thôn, các bác sĩ đã phát hiện ra rất nhiều trường hợp bị các dị tật khúc xạ như: cận thị, loạn thị…

Tật khúc xạ là một trong những vấn đề đáng lo ngại hiện nay ở lứa tuổi học sinh, nhất là lứa tuổi từ 11 đến 15 tuổi, trong đó phổ biến nhất là cận thị. Người bị cận thị khó khăn khi nhìn các vật ở xa, khi nhìn vật từ xa có thể gây mỏi mắt và nhức đầu. Nếu cận thị nặng, võng mạc của mắt có thể mỏng đi, gây tổn thương đến mắt.

Bác sĩ CKII Hoàng Sơn, Phó Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Các tật khúc xạ tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng như: bong võng mạc, thoái hóa dịch kính, hóa lỏng dịch kính, bệnh lý glocom… Để chủ động phòng cận thị cho trẻ ở lứa tuổi học đường, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường trong việc xây dựng góc học tập cho trẻ đúng tiêu chuẩn, đủ ánh sáng. Đồng thời, xây dựng cho trẻ thói quen ngồi học đúng tư thế, không nằm khi học bài, xem ti vi hay điện thoại. Không nên đọc sách trong bóng tối hoặc ngồi trước máy vi tính, tivi quá nhiều. Lưu ý là cứ sau 1 giờ học tập cần cho mắt nghỉ ngơi từ 5 đến 10 phút bằng cách nhắm mắt hoặc nhìn về phía xa. Ngoài ra bổ sung dinh dưỡng hợp lý cũng sẽ hạn chế việc tăng mức độ cận thị, viễn thị, loạn thị, giúp đôi mắt khỏe hơn.

Ngoài yếu tố di truyền, bẩm sinh thì phần lớn, nguyên nhân gây ra các tật khúc xạ đều đến từ sự tác động của môi trường, thời gian làm việc khiến chức năng của mắt bị quá tải như: nhìn gần liên tục mà không để mắt nghỉ ngơi hợp lý, học tập và làm việc trong điều kiện thiếu ánh sáng. Đối với trẻ em ở lứa tuổi học đường thì nguyên nhân gây ra tật khúc xạ chính là quá trình học tập, vui chơi thiếu khoa học, đọc và viết không đúng khoảng cách quy định và ở môi trường ánh sáng không đảm bảo, cùng đó là đọc truyện, xem tivi, chơi game quá nhiều khiến cho thị lực của mắt giảm dần, dẫn đến cận thị, loạn thị, viễn thị.

Em N.T.N, học sinh Trường THCS Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn cho biết: Nghỉ hè có nhiều thời gian, em hay chơi game trên điện thoại di động. Đầu năm học mới 2023 – 2024, em không nhìn rõ chữ trên bảng nên phải nhờ mẹ đưa đi khám, đo mắt và phát hiện cả hai mắt đều bị cận thị. Bây giờ đi đâu làm gì cũng phải đeo kính, thực sự rất bất tiện.

Hỗ trợ trẻ phòng tránh

Các bệnh về mắt, chủ yếu là tật khúc xạ học đường là nhóm bệnh có số lượng học sinh mắc nhiều xếp thứ ba chỉ sau bệnh răng miệng và suy dinh dưỡng, phổ biến ở học sinh cấp 2 (45%), cấp 3 (29%) và phần lớn ở khu vực thành thị.

Để giúp trẻ phòng, chống tật khúc xạ học đường, các ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực. Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Để nâng cao sức khỏe cho trẻ em, học sinh, giúp các em phòng, chống các bệnh về mắt, tật khúc xạ học đường, hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực phối hợp với Sở Y tế tổ chức khám sàng lọc tại các trường học nhằm phát hiện sớm việc gây suy giảm thị lực và các vấn đề bất thường về mắt. Đồng thời chỉ đạo các nhà trường phối hợp bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho giáo viên, nhân viên y tế trường học những kiến thức cơ bản về một số bệnh, tật về mắt thường gặp ở trẻ em, học sinh để tư vấn cho phụ huynh, học sinh có biện pháp điều trị kịp thời. Trong đó, chú trọng giáo dục, tuyên truyền về các bệnh thường gặp ở mắt, các tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị và hướng dẫn học sinh các kỹ năng chăm sóc, bảo vệ mắt. Tổ chức lồng ghép các nội dung giáo dục sức khỏe, phòng chống các bệnh tật về mắt trong các giờ giảng, cho trẻ thực hành các hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng, chống các bệnh về mắt;…

Theo đó, nhân viên y tế trường học chủ động lên kế hoạch, phối hợp cùng giáo viên chủ nhiệm tiến hành kiểm tra thị lực tập trung cho trẻ ít nhất 1 lần/năm (thường vào đầu năm học), lập danh sách những trẻ có vấn đề về thị lực chờ khám chuyên khoa, thực hiện tốt bước sàng lọc thị lực. Theo đó, trẻ tham gia sẽ được khám sàng lọc, đo thị lực để phát hiện tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) và một số bệnh về mắt (viêm kết mạc cấp, nhược thị, khô mắt, sụp mi bẩm sinh…). Đồng thời, kết hợp lồng ghép các hoạt động tư vấn, hướng dẫn phương pháp chăm sóc mắt. Những trường hợp mắc bệnh về mắt sẽ được tư vấn, hướng dẫn đến các bệnh viện chuyên khoa để thăm khám và điều trị kịp thời.

Toàn tỉnh hiện có 670 trường học với hơn 200.000 học sinh. Hằng năm, có trên 80% số trường học trên địa bàn tổ chức các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, tư vấn sức khỏe cho học sinh trong đó có các bệnh về mắt, tật khúc xạ học đường. Trong năm học 2022 – 2023, các trường đã tổ chức được 368 cuộc tuyên truyền phòng, chống các bệnh về mắt cho hơn 45.000 học sinh tham gia; hơn 200 cuộc tuyên truyền phòng, chống các bệnh học đường, trong đó có tật khúc xạ học đường cho hơn 50.300 phụ huynh và học sinh.

Em Nguyễn Hải Linh, học sinh Trường THCS Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Được nghe cô giáo giảng và tham gia các hoạt động ngoại khóa, em hiểu được tầm quan trọng của đôi mắt cũng như cách bảo vệ mắt tốt hơn như: đảm bảo ánh sáng khi học tập, khoảng cách từ mắt đến vở, hạn chế xem ti vi, điện thoại quá lâu… Nhờ đó đến nay, mắt em vẫn đảm bảo 10/10, không bị cận thị hay loạn thị.

Cùng với sự nỗ lực của ngành chức năng, thiết nghĩ, để kịp thời phát hiện và điều trị các tật khúc xạ, đảm bảo sức khỏe về mắt cho học sinh, các bậc phụ huynh cần dành thời gian quan sát trẻ, giúp trẻ hình thành thói quen sinh hoạt, học tập khoa học. Khi phát hiện các biểu hiện khác thường trong sinh hoạt, học tập như: khi đọc chữ phải nheo mắt, nghiêng đầu, đọc viết chậm, học kém, trẻ hay kêu nhức mắt, nhức đầu… phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở chuyên khoa mắt khám và có hướng xử trí phù hợp, tránh gây ảnh hưởng xấu đến việc sinh hoạt, học tập của trẻ.

NGỌC HIẾU

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/y-te/613218-t.html