Tắt sóng 2G: Chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng

Theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), đến tháng 9/2024 sẽ tắt sóng 2G trên phạm vi toàn quốc, tiến tới tắt sóng 3G những năm sau đó. Để không có người dân, khách hàng nào bị bỏ lại phía sau, cơ quan chức năng cùng các nhà mạng đã chuẩn bị phương án hỗ trợ chuyển đổi cho người dùng.

 Viettel đầu tư hạ tầng công nghệ mới sẵn sàng cho lộ trình tắt sóng 2G. Ảnh: Viettel cung cấp

Viettel đầu tư hạ tầng công nghệ mới sẵn sàng cho lộ trình tắt sóng 2G. Ảnh: Viettel cung cấp

Mới đây, Cục Viễn thông đã yêu cầu dừng nhập mạng mới với các máy điện thoại di động 2G only, không được chứng nhận hợp quy từ ngày 1/3. Đây được xem là một động thái quyết liệt nhằm hiện thực hóa chủ trương, định hướng dừng công nghệ di động 2G, phổ cập smartphone tới 100% người dân Việt Nam và giải phóng băng tần để phục vụ phát triển các công nghệ mới.

Xây dựng lộ trình phù hợp

Tại Thừa Thiên Huế, các nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone đang chuyển đổi dần thuê bao 2G lên 4G, chuẩn bị tốt cho việc tắt sóng 2G.

Giám đốc VNPT tỉnh Nguyễn Nhật Quang thông tin: VinaPhone đã chuẩn bị sẵn các phương án nhằm đảm bảo quyền lợi và hạn chế ảnh hưởng tới trải nghiệm của khách hàng. “Chỉ cần có lệnh, chúng tôi sẽ cắt ngay và việc tắt sóng thực tế không ảnh hưởng doanh nghiệp. Tất cả các trạm 2G của VNPT đều đã có 3G, 4G nên đảm bảo vùng phủ sau khi cắt 2G”, ông Quang khẳng định.

Theo ông Quang, lý do dẫn đến quyết định dừng hoạt động 2G xuất phát từ việc công nghệ của các thế hệ mạng cũ đã không còn phù hợp với xu hướng, cũng như không đáp ứng nhu cầu về ứng dụng ngày càng cao từ phía khách hàng.

Nhà mạng Viettel cho biết cũng sẵn sàng để tắt sóng 2G theo chủ trương của Bộ TT&TT. Viettel tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp để chuyển dịch toàn bộ 70.000 thuê bao 2G còn lại lên 4G. “Giải pháp đầu tiên là đảm bảo chất lượng vùng phủ 4G (hiện đạt 96%) của Viettel trên địa bàn, đồng thời triển khai các chương trình giảm giá máy và gói cước cho khách hàng. Các chính sách kích thích, thúc đẩy người dùng chuyển dịch lên dùng smartphone, dùng data, 4G đã được Viettel truyền thông rộng rãi, triển khai liên tục trong 2-3 năm nay”, Giám đốc Viettel Thừa Thiên Huế Nguyễn Huy Quang cho hay.

MobiFone cũng đã tắt sóng 2G ở những khu vực có lưu lượng thấp với khoảng 36/530 trạm trên toàn tỉnh. Trong đó, số thuê bao 2G của MobiFone còn khoảng 40.000. Trước khi tắt, nhà mạng này đã có phương án đánh giá ảnh hưởng đến người dân, việc triển khai được thực hiện theo lộ trình cụ thể.

“Trong quý II/2024, chúng tôi sẽ cắt thêm 8 trạm 2G ở 2 huyện Phong Điền và Phú Vang. Tổng 8 trạm này ảnh hưởng 249 khách hàng. Để đảm bảo quyền lợi của người dùng, MobiFone đã nhắn tin, gọi điện, cử nhân viên địa bàn gặp từng khách, khuyến khích họ đổi máy, nâng cấp máy”, ông Phan Văn Hoài, Giám đốc MobiFone Thừa Thiên Huế nói.

 Bên cạnh đầu tư trạm 4G, 5G, các nhà mạng còn triển khai các trạm BTS thông minh, thân thiện môi trường ở khu vực di tích, công viên

Bên cạnh đầu tư trạm 4G, 5G, các nhà mạng còn triển khai các trạm BTS thông minh, thân thiện môi trường ở khu vực di tích, công viên

Chính quyền đồng hành

Để đảm bảo cho người dân trên địa bàn không ảnh hưởng khi cắt sóng 2G, Thừa Thiên Huế đã có nhiều bước chuẩn bị cho quá trình này. Năm 2024, tỉnh sẽ thực hiện đồng loạt các chương trình như tăng cường truyền thông, phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông triển khai hoàn thiện hạ tầng. Nhất là các chương trình chính sách hướng đến hỗ trợ người dân là hộ nghèo, cận nghèo… những đối tượng đang sử dụng thiết bị 2G có điều kiện chuyển đổi sang 4G.

Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Xuân Sơn cho biết, UBND tỉnh đã có kế hoạch hỗ trợ thiết bị cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách. Kinh phí hỗ trợ nằm trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia sử dụng Quỹ Viễn thông công ích để giảm nghèo thông tin đối với các đối tượng trên.

Sở TT&TT đang phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cùng chính quyền địa phương để tổng rà soát hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn, đảm bảo thông tin chính xác. Đồng thời, để thúc đẩy việc tắt sóng 2G diễn ra thuận lợi, công tác tuyên truyền về lộ trình cắt sóng sẽ được đơn vị triển khai toàn diện và đồng bộ, kết hợp với các doanh nghiệp viễn thông về mặt nội dung, gắn kết với các nền tảng số để lan tỏa mạnh hơn, nhất là trên Hue-S.

Theo ông Sơn, vấn đề khó hiện nay là lượng khách hàng đang sử dụng công nghệ 2G only phần lớn trong nhóm đối tượng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khả năng tiếp cận thông tin và thu nhập của họ còn khá thấp, dẫn đến chuyển đổi sang công nghệ mới gặp nhiều khó khăn. “Vì vậy, trong chiến dịch truyền thông nâng cao hiểu biết và nhận thức của người dân về lộ trình cắt sóng, chuyển đổi thiết bị 2G, chính quyền địa phương đóng vai trò rất quan trọng”, ông Sơn nói.

Năm 2024, Viettel sẽ lên thêm 100 trạm 4G tại Thừa Thiên Huế, nâng tổng số lên 750 trạm 4G. Đảm bảo sóng 2G tắt chỗ nào, nơi đó sẽ có sóng 4G phục vụ khách hàng. Tổng Công ty MobiFone cũng sẽ đầu tư 100 trạm 5G trên địa bàn, nâng tổng số trạm 5G của MobiFone lên 105 trạm.

Bài, ảnh: LIÊN MINH

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/khoa-hoc-cong-nghe/tat-song-2g-chuan-bi-phuong-an-ho-tro-chuyen-doi-cho-nguoi-dung-138961.html