Tất tần tật về quy định thu phí không dừng, lái xe cần nắm rõ

Từ 5/5/2022 tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ chỉ thu phí tự động không dừng, vậy các phương tiện ô tô 'lạc' vào làn thu phí VETC sẽ bị xử phạt như thế nào?

Làn thu phí không dừng ETC (Electronic Toll Collection) là làn thu phí áp dụng công nghệ tự động nhận diện phương tiện di chuyển qua và trừ tiền vào tài khoản giao thông. Vì thế, chủ phương tiện khi đi qua làn ETC không cần dừng lại mà có thể đi một mạch.

Hình thức thu phí này áp dụng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification) sử dụng sóng radio để nhận diện tự động phương tiện xe cơ giới. Thông qua thẻ định danh VETC dán trên phương tiện, dịch vụ VETC giúp phương tiện lưu thông qua trạm thu phí không phải dừng chờ thanh toán, giữ được tốc độ lưu thông ổn định và tiết kiệm nhiên liệu.

Từ thẻ gắn trên kính xe, thiết bị đọc tại trạm thu phí sẽ trừ tiền của chủ phương tiện. Người dân có thể nạp tiền vào tài khoản bằng tiền mặt, Internet banking hoặc tại trung tâm đăng kiểm, trạm thu phí... Thời gian xử lý giao dịch thu phí nhanh với tốc độ phương tiện qua trạm không barie là 50 giây/giao dịch.

Những lợi ích của dịch vụ thu phí tự động không dừng VETC. (Nguồn: TASCO)

Những lợi ích của dịch vụ thu phí tự động không dừng VETC. (Nguồn: TASCO)

Xe không dán thẻ ETC không được đi vào cao tốc không?

Hiện nay, chưa có văn bản nào quy định chủ xe bắt buộc phải dán thẻ thu phí tự động không dừng. Tuy nhiên, theo Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg và Chỉ thị 39/CT-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện thu phí không dừng.

Tại Quyết định 2269/QĐ-BGTVT năm 2020, Bộ GTVT cũng nêu cao mục tiêu cơ bản đến 2025 sẽ triển khai thu phí điện tử không dừng (ETC) tại tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc, tiến tới xóa bỏ tất cả các làn thu phí sử dụng tiền mặt.

Mới đây, Bộ GTVT cũng đã thống nhất đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc lựa chọn tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí tự động không dừng.

Theo đó, dự kiến từ ngày 5/5/2022 tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ chỉ thu phí tự động không dừng và từ chối xe ô tô không dán thẻ ETC qua trạm thu phí.

Cùng với đó, Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam tổ chức tuyên truyền cho chủ phương tiện; phối hợp với các cơ quan chức năng phân luồng, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn trong quá trình triển khai thí điểm để không ảnh hưởng tiêu cực đến việc đi lại của người dân.

Như vậy, nếu không dán thẻ thu phí không dừng thì sắp tới đây, các phương tiện sẽ không thể lưu thông trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ sau ngày 5/5/2022.

Trong khi đó, các tuyến cao tốc khác hiện vẫn đang duy trì cả làn thu phí thủ công và làn thu phí tự động nên các xe chưa dán thẻ ETC vẫn có thể qua trạm bình thường.

Từ ngày 5/5/2022 tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ chỉ thu phí tự động không dừng và từ chối xe ô tô không dán thẻ ETC qua trạm thu phí.

Từ ngày 5/5/2022 tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sẽ chỉ thu phí tự động không dừng và từ chối xe ô tô không dán thẻ ETC qua trạm thu phí.

Dán thẻ thu phí không dừng ở đâu, hết bao nhiêu?

Theo Quyết định 19, các phương tiện giao thông đường bộ (phương tiện chịu phí và miễn phí sử dụng đường bộ) đều phải được gắn thẻ đầu cuối để giao tiếp thông tin với hệ thống thu phí điện tử không dừng, hay cũng chính là thẻ thu phí không dừng.

Việc gắn thẻ thu phí không dừng được thực hiện tại một trong 3 nơi: Các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới tại lần kiểm định gần nhất; Các đại lý do nhà cung cấp dịch vụ thu phí ủy quyền; hoặc ngay khi qua trạm thu phí ETC.

Cũng theo Quyết định 19, mỗi tài khoản thu phí có thể sử dụng để chi trả cho nhiều phương tiện giao thông nhưng mỗi phương tiện chỉ được nhận chi trả từ một tài khoản.

Những xe gắn thẻ thu phí không dừng lần đầu trước ngày 31/12/2021 thì đã được miễn phí chi phí gắn thẻ. Từ năm 2022 trở đi, chủ xe muốn lắp thẻ thu phí không dừng sẽ phải tự trả khoản chi phí này cho nhà cung cấp dịch vụ với mức phí là 135.000 đồng.

Mức phạt với xe qua làn ETC mà không đủ điều kiện

Căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, xe không đủ điều kiện để thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng bao gồm 2 trường hợp: Xe không gắn thẻ đầu cuối; hoặc xe gắn thẻ đầu cuối mà số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để chi trả khi qua làn ETC.

Nếu thuộc một trong 2 trường hợp trên mà vẫn cố tình đi vào làn thu phí không dừng ETC tại các trạm thu phí, người điều khiển ô tô sẽ bị phạt 1 - 2 triệu đồng.

Ngoài ra người thực hiện hành vi này còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.

Đáng chú ý, Nghị định 123 cũng quy định xử phạt đối với hành vi trốn tránh, không trả tiền qua trạm thu phí.

Cụ thể, phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện, chủ phương tiện trốn tránh, không trả tiền dịch vụ sử dụng đường bộ khi lưu thông qua các trạm thu phí.

Đến hết năm 2021, có hơn 2,3 triệu phương tiện đã dán thẻ thu phí tự động không dừng, chiếm hơn 51% số lượng phương tiện.

Đến hết năm 2021, có hơn 2,3 triệu phương tiện đã dán thẻ thu phí tự động không dừng, chiếm hơn 51% số lượng phương tiện.

Lê Mạnh Quốc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/tat-tan-tat-ve-quy-dinh-thu-phi-khong-dung-lai-xe-can-nam-ro-a540325.html