Tàu biển phải nằm chờ tại cảng vì... cắt điện luân phiên
Đặc thù trong khai thác cảng phải luôn đảm bảo cam kết năng lực phục vụ 24/7 cho các khách hàng, hãng tàu, doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Cảng biển kêu trời vì cắt điện luân phiên
Ba Hiệp hội gồm Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam; Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam và Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan về việc cung cấp điện cho các cảng khu vực Hải Phòng.
Theo đó, thời gian qua đã xảy ra tình trạng mất điện do sự cố, cắt điện luân phiên thường xuyên tại khu vực Hải Phòng. Đặc biệt, trong hoạt động khai thác cảng, với đặc thù phải luôn luôn đảm bảo cam kết năng lực phục vụ 24/7 cho tất cả các khách hàng, hãng tàu, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong và ngoài nước, duy trì thông suốt toàn bộ chuỗi cung ứng - mạch máu của nền kinh tế… việc cắt điện đã gây nhiều khó khăn cho các cảng.
Điều này tiềm ẩn rủi ro doanh nghiệp phải đền bù thiệt hại rất lớn cho số ngày tàu nằm chờ tại cảng, làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng dịch vụ, xuống cấp nhanh chóng trang thiết bị, ảnh hưởng đến an toàn lao động và đặc biệt là nguy cơ bị mất khách hàng.
Là cảng có 95% thiết bị xếp dỡ hoạt động bằng điện, ông Trần Viết Mạnh, Phó giám đốc Công ty CP Cảng Nam Đình Vũ cho biết hiện nay, cảng đón khoảng 18 - 20 tàu/tuần. Mỗi ngày, có khoảng 3 - 4 tàu nằm cầu cùng một lúc. Việc mất điện gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, khai thác của cảng, khi đa số tình huống mất điện khẩn cấp khiến doanh nghiệp không kịp ứng phó và mỗi lần mất điện khoảng trên 6 tiếng.
“Không có kế hoạch mất điện, khi cảng tiếp nhận tàu và tàu phải nằm chờ sẽ rất nguy hiểm cho việc đảm bảo an toàn hàng hải vì đặc thù hàng hải còn phụ thuộc vào thủy triều. Tàu đang trong quá trình làm hàng phải dừng lại và nằm cầu cũng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động khai thác cầu bến”, ông Mạnh nói và cho biết thêm, trong việc hợp tác, cảng phải cam kết với các hãng tàu về hoạt động khai thác. Do đó, làm chậm một ngày tàu, cảng sẽ phải đền bù thiệt hại. Hiện nay, một ngày tàu có chi phí khoảng 30.000 USD - 50.000 USD tùy thuộc từng loại tàu và kích cỡ tàu. Tuy nhiên, nguy cơ còn gây ảnh hưởng đến tất cả các cảng trong hành trình của tàu, cũng như thiệt hại về giá trị hàng hóa thương mại.
Ưu tiên đảm bảo cung ứng điện cho các cảng
Theo các Hiệp hội, tần suất cắt điện (theo kế hoạch và đột xuất) đang có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của cảng và dòng chảy của nền kinh tế.
Việc cắt điện thường xuyên bị đánh giá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của từng cảng, còn ảnh hưởng uy tín chất lượng dịch vụ cảng biển so với khu vực, cũng như có thể dẫn đến mất niềm tin vào hệ thống an ninh năng lượng quốc gia.
Từ đây, các Hiệp hội kiến nghị hệ thống lưới điện thành phố và quốc gia cần có các nguồn điện dự phòng, xem xét điều phối lại nguồn điện cho từng khu vực, ngành nghề một cách phù hợp. Trong đó, đặc biệt ưu tiên đảm bảo cung ứng điện cho các cảng luôn trong tình trạng sẵn sàng, liên tục 24/7 để các doanh nghiệp cảng/logistics có đủ nguồn lực, năng lượng sớm phục hồi sản xuất kinh doanh.
Đối với trường hợp mất điện do sự cố, do sự kiện bất khả kháng, cơ quan chuyên ngành được đề nghị trong thời hạn 24 giờ cần thông báo cho các cảng (bên mua điện) biết nguyên nhân, dự kiến thời gian cấp điện trở lại theo quy định của Luật Điện lực.
Đồng thời, có văn bản giải trình gửi các cảng trong vòng 8 giờ ngay sau thời điểm khắc phục xong sự cố vì đây là cơ sở quan trọng để cảng thu xếp thông báo, giải trình, phối hợp làm việc với các khách hàng, hãng tàu.
Với trường hợp bắt buộc phải cắt điện nhưng không vì lý do khẩn cấp, cắt điện luân phiên, cắt điện để bảo trì bảo dưỡng lưới điện, các Hiệp hội kiến nghị cơ quan chuyên ngành cần có kế hoạch cụ thể, gửi cho các cảng trước thời điểm ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện ít nhất 5 ngày bằng cách thông báo trong 3 ngày liên tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng, hoặc ưu tiên gửi văn bản cho cảng.
Cùng đó, có giải pháp hỗ trợ, bù đắp thiệt hại cho cảng như hỗ trợ kinh phí đầu tư, chi phí duy trì hoạt động trạm biến áp, máy phát, bảo trì phương tiện. Bên cạnh đó, có các giải pháp hỗ trợ kinh phí cho cảng trong trường hợp tàu phải nằm chờ tại cảng do mất điện, có chính sách trợ giá điện cho cảng để bù đắp các thiệt hại do cắt điện gây ra.
Cũng tại văn bản kiến nghị, các Hiệp hội cho rằng cơ quan chuyên ngành cần có các chính sách khuyến khích, ưu đãi dành cho các doanh nghiệp cảng, logistics tiên phong ứng dụng công nghệ, đầu tư, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Hoạt động chuỗi cung ứng lạnh (tại cảng, vận tải, kho bãi...) đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng chi phí đầu tư và duy trì hoạt động sản xuất (chi phí điện) rất lớn. Do đó, để đa dạng và nâng cao năng lực của chuỗi cung ứng, đề xuất các cơ quan xem xét sớm hỗ trợ doanh nghiệp được chuyển biểu giá điện từ biểu giá kinh doanh sang biểu giá sản xuất.
Các Hiệp hội cũng đề xuất xây dựng cơ chế điều hành giá điện hấp dẫn nhằm thu hút, khuyến khích đa dạng thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào năng lượng tái tạo nhằm ổn định nguồn cung, hạ giá thành bán điện, gia tăng giá trị kinh tế, xã hội, giảm gánh nặng đầu tư cho ngân sách nhà nước và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.