Tàu cá nằm bờ, ngành đánh bắt hải sản Kiên Giang gặp khó

Nghề đánh bắt hải sản đang gặp khó khăn trầm trọng, ảnh hưởng đến những ngành khác và công nhân đang làm trên bờ.

6 tháng đầu năm nay, các chỉ tiêu trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Kiên Giang đạt rất thấp, trong đó đáng lo ngại là sản lượng đánh bắt hải sản có thể không đạt chỉ tiêu đề ra trong năm nay và dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay có khoảng 1.000 tàu cá ở tỉnh Kiên Giang nằm bờ và phần lớn các tàu làm ăn không hiệu quả như những năm trước. Ngành đánh bắt hải sản gặp khó khăn kéo theo nhiều ngành nghề khác gặp khó.

Từ đầu năm đến nay, tại các cơ sở thu mua, chế biến hải sản ở Cảng cá Tắc Cậu không còn không khí làm việc khẩn trương, tấp nập như năm ngoái do không mua đủ lượng hàng để sản xuất. Theo ông Đỗ Đức Quyết, Giám đốc công ty Lan Anh cho biết: nếu như trước đây thu mua được 100% thì bây giờ thì chỉ thu được 40-50% sản lượng.

Nguyên nhân chủ yếu là do số lượng tàu bè ra biển để đánh bắt giảm rất nhiều vì vậy không có sản phẩm để thu mua. Như mực khô, năm ngoái mỗi chuyến tàu về 1 tháng, ông có thể thu mua được khoảng 2-3 tấn nhưng năm nay sản lượng giảm phân nửa. Cá thì lượng giảm khoảng 60%.

Ngành đánh bắt hải sản của tỉnh gặp khó khăn, nhiều tàu cá phải nằm bờ.

Ngành đánh bắt hải sản của tỉnh gặp khó khăn, nhiều tàu cá phải nằm bờ.

Cũng theo ông Quyết, hầu hết các đơn vị thu mua hải sản đều đầu tư tiền cho các chủ tàu để ra khơi, ít cũng vài tỷ, nhiều có khi lên đến vài chục tỷ đồng. Sau mỗi chuyến biển các chủ tàu sẽ bán nguyên liệu cho các cơ sở này, nhưng năm nay, do tàu cá nằm bờ và đánh bắt không hiệu quả nên chủ tàu không có tiền để trả cho các đơn vị thu mua. Thêm vào đó các ngân hàng cho chủ tàu cá vay tiền để đi đánh bắt xa bờ hiện nay cũng rất lo lắng.

“Vướng rất nhiều vì có những doanh nghiệp thu mua đầu tư cho ghe, khi ghe không đi làm thì họ không còn khả năng chi trả thì số nợ đó. Tàu lớn, máy lớn nhưng khi đánh bắt ko có sản lượng, ko có lời nên phải nằm bờ. Nhiều chủ tàu bị phát mãi tài sản không có chỗ ở.

Nghề đánh bắt hải sản đang gặp khó khăn trầm trọng, ảnh hưởng tới toàn phần, ảnh hưởng đến những ngành khác, ảnh hưởng đến công nhân đang làm trên bờ. Là một doanh nghiệp thu mua hải sản tôi cảm nhận là đang báo động về khó khăn cho ngành nghề này, mong nhà nước nghiên cứu có chính sách hỗ trợ, nhất là những doanh nghiệp đi đánh bắt trên biển” - ông Đỗ Đức Quyết nói.

Không chỉ cơ sở của ông Quyết mà hầu hết các đơn vị thu mua hải sản lớn ở Kiên Giang đều gặp khó khăn, sản lượng thu mua từ đầu năm đến nay giảm từ 40-60%. Do tàu cá nằm bờ nhiều, sản lượng đánh bắt giảm nên các đơn vị, công ty chế biến, xuất khẩu hải sản không có đủ hàng để công nhân sản xuất. Hiện nay mỗi tháng tối đa công nhân làm được khoảng 20 ngày.

Khu lên hải sản ở Cảng cá Tắc Cậu không còn tấp nập như trước.

Khu lên hải sản ở Cảng cá Tắc Cậu không còn tấp nập như trước.

Theo phản ánh của các chủ tàu, chi phí cho mỗi chuyến ra khơi của một cặp tàu khoảng 1 tỷ đồng, trong đó phải tạm ứng trước cho khoảng 20 ngư dân, mỗi người từ 15-20 triệu đồng nhưng hiệu quả đánh bắt không cao do nguồn lợi thủy sản của ngư trường trong nước đã cạn kiệt. Hiện nay các chủ tàu làm nghề cào đôi đậu bờ hoặc bán tàu để giải quyết công nợ. Tuy nhiên, do tình hình khó khăn chung nên chủ tàu muốn bán tàu cũng không có ai mua.

“Theo tôi đánh giá, ở thành phố Rạch Giá tỷ lệ tàu cá nằm bờ có hơn 50% số lượng tàu. Chính tôi có 6 cặp mà phải đậu 4 cặp, chỉ chạy được có 2 cặp thôi. Nếu bán tàu được lỗ thì vẫn bán nhưng bây giờ không ai mua thì lấy gì bán. Một cặp tàu nếu trong thời điểm bình thường đóng khoảng chừng 15 tỷ thì con tàu có khả năng khai thác được còn bây giờ nếu bán mà có người mua thì chỉ được nửa số tiền thôi” - ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội nghề cá thành phố Rạch Giá cho hay.

Trước tình hình ngành đánh bắt thủy sản đang gặp khó, nhiều chủ tàu phải bán tàu, bán nhà để giải quyết công nợ. Lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu Sở Nông nghiệp và các sở ngành liên quan nghiên cứu để có những biện pháp thiết thực hỗ trợ cho bà con ngư dân.

Kiên Giang là tỉnh có số lượng tàu đánh cá nhiều nhất cả nước, hiện nay cả tỉnh có hơn 10.000 tàu. Nếu không làm tốt công tác quản lý, kiểm soát việc đánh bắt trái phép và hỗ trợ ngư dân kịp thời thì ngành đánh bắt hải sản – một thế mạnh của Kiên Giang sẽ dần bị mai một.

“Một mặt phải xử lý nghiêm tình trạng đánh bắt trái phép nhưng một mặt cũng phải có giải pháp hỗ trợ hoạt động đánh bắt hợp pháp để ổn định tình hình đánh bắt. Nếu làm không khéo giải pháp này thì có khả năng các doanh nghiệp sẽ phá sản. 1000 tàu còn đậu đây, không khai thác được thì có khả năng phá sản. Đa số bà con vay đóng tàu, không khéo sẽ làm mất ngành đánh bắt” - ông Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết./.

Lam Hiếu/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tau-ca-nam-bo-nganh-danh-bat-hai-san-kien-giang-gap-kho-938586.vov