Tàu cá Quảng Bình về bờ hải sản đầy khoang, rác đầy túi để biển không bị ô nhiễm
Nhằm hạn chế việc ô nhiễm môi trường biển, những ngư dân quanh năm ra khơi vào lộng đã hưởng ứng và thực hiện tốt hoạt động 'Thu gom rác thải, rác thải nhựa trên tàu cá xa bờ' để đưa vào bờ xử lý.
Quảng Bình hiện có gần 7.800 tàu cá, trong đó có hơn 1.500 tàu khai thác xa bờ. Mỗi chuyến biển, ngư dân phải chuẩn bị rất nhiều nhu yếu phẩm cần thiết để phục vụ cho việc khai thác dài ngày trên biển. Vì vậy, lượng rác thải trên các tàu rất nhiều, nếu xả trực tiếp xuống biển sẽ hủy hoại hệ sinh thái thủy sinh và làm ô nhiễm môi trường biển.
Nhằm hạn chế tối đa tình trạng ngư dân xả rác thải trực tiếp ra biển, góp phần bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản, tỉnh Quảng Bình đã vận động ngư dân tham gia thực hiện mô hình thu gom rác thải trên tàu rồi mang về bờ xử lý.
Một trong những địa phương được chọn làm đơn vị triển khai điểm mô hình "Thu gom rác thải, rác thải nhựa trên tàu cá xa bờ" là xã biển Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình).
Ông Đồng Vinh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch cho hay, những ngư dân là tổ trưởng các tổ đoàn kết, tổ hợp tác sản xuất trên biển, tổ biển xa, có uy tín trong cộng đồng ngư dân được chọn làm nòng cốt, tiên phong thực hiện mô hình.
Ngư dân được hướng dẫn làm túi thu gom, đựng rác thải, tận dụng lưới đánh cá hỏng, không làm phát sinh chi phí. Chính quyền địa phương cũng bố trí nhân lực, trang thiết bị hỗ trợ tại các điểm tập kết để thu gom rác thải.
"Địa phương vẫn đang tiếp tục triển khai mô hình thu gom rác thải trên biển, làm sao để giảm bớt rác thải trên biển, bảo đảm vệ sinh môi trường trong quá trình khai thác. Sau khi phát động mô hình này, ý thức của người dân ngày càng cao", ông Quang cho biết.
Tại cửa Roòn, xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, những tàu cá đánh bắt xa bờ cập bến ngoài khoang thuyền đầy hải sản thì sau đuôi tàu còn có những chiếc túi đựng đầy rác sinh hoạt những ngày lênh đênh trên biển của ngư dân.
Ông Lê Ngọc Tình (54 tuổi) trú tại xã Cảnh Dương, Quảng Trạch, chủ tàu QB93561TS chia sẻ, ngoài tu sửa lại máy móc, ngư lưới cụ, ông còn gắn thêm túi ở mạn tàu để làm nơi chứa rác thải của thuyền viên những ngày ra khơi rồi đưa về bờ thay vì vứt trực tiếp xuống biển.
Việc thu gom rác trên biển cũng được thực hiện một cách khoa học khi, rác tái chế và loại rác không tái chế được bỏ vào từng túi riêng. Mỗi chuyến biển, trung bình 1 tàu cá xa bờ đi khoảng 20 ngày, xả ra khoảng 10 kg rác thải.
"Anh em nhắc nhở cùng nhau để bảo vệ môi trường biển được sạch. Sau khi sử dụng và có rác thải thì mình không vứt ra biển mà phải mang về, giúp làm sạch cho môi trường, đặc biệt là biển", ông Tình tâm sự.
Cũng như tàu bạn, tàu cá QB93688TS của thuyền trưởng Nguyễn Vinh Bảo khi cập bờ ngoài cá tôm còn có túi rác lớn đưa đến bãi tập kết. Ông Bảo cho biết, mỗi chuyến ra khơi, anh em trên tàu luôn có ý thức gom rác thải vào túi để bảo vệ môi trường, có khi còn vớt cả rác trôi nổi trên biển, rác mắc vào lưới rồi đem vào bờ.
"Cách làm cũng đơn giản và ngày càng có tiến triển. Âu tàu, khu neo đậu ở đây cũng thay đổi rõ rệt, không có rác thải vứt xuống nên sạch sẽ bến bãi hơn nhiều", ông Bảo chia sẻ.
Ông Hoàng Viết Thông, Phó chi cục Thủy sản Quảng Bình cho biết, năm 2022, Chi cục Thủy sản Quảng Bình phấn đấu có 100% tàu cá đánh bắt xa bờ tham gia thu gom rác, đồng thời làm điểm thu gom rác thải nhựa tại cảng cá, khu nuôi trồng thủy sản. Theo ông Thông, nếu phát động mô hình thu gom rác thải trên biển ở tất cả các tàu cá Quảng Bình, sẽ thu gom số lượng rác thải rất lớn, có thể lên tới hàng trăm, hàng ngàn tấn rác thải mỗi năm.