Tàu cá Quảng Ngãi 'chê' cảng nhà

Quảng Ngãi có hơn 5.500 tàu cá và mỗi năm đánh bắt 250.000 tấn thủy sản nhưng chỉ số lượng ít tàu về các cảng trong tỉnh

Tàu cá "chê" cảng nhà là thực tế đang diễn ra tại tỉnh Quảng Ngãi trong năm 2019. Hiện tỉnh này có hơn 5.500 tàu cá, trong đó hơn 3.300 tàu công suất từ 90 CV trở lên chuyên đánh bắt xa bờ ở các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa; sản lượng khai thác thủy sản năm 2019 đạt khoảng 250.000 tấn.

Không có việc làm

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Quảng Ngãi, đa phần các tàu sau khi đánh bắt trở về cập ở các cảng của Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định... còn về Quảng Ngãi chỉ có khoảng 30.000 tấn thủy sản, chiếm khoảng 12% trong tổng sản lượng khai thác toàn tỉnh.

Tàu cá ít về Quảng Ngãi khiến nhiều lao động ở các làng chài khó tìm việc làm

Tàu cá ít về Quảng Ngãi khiến nhiều lao động ở các làng chài khó tìm việc làm

Việc tàu cá không về địa phương đang gây rất nhiều khó khăn cho người dân các địa phương ven biển. Họ phải bươn chải kiếm sống từng ngày bằng đủ mọi việc, thay cho những việc mua cá, làm cá, sửa sang tàu thuyền... đã gắn bó với nhiều người hàng chục năm qua.

Điển hình, tại xã Nghĩa An (TP Quảng Ngãi) những ngày này ở đâu cũng thấy cảnh tượng cảng cá đìu hiu, lác đác vài ghe nhỏ sau một đêm đánh bắt cập bờ. Trên bờ, sát cầu cảng, hàng chục cơ sở sản xuất đá cây, xăng dầu (dùng cho các tàu đánh bắt dài ngày) cũng không hoạt động. Nhiều cây xăng, cơ sở sản xuất nước đá lâu ngày bỏ hư hỏng, gỉ sắt.

Ông Nguyễn Bảy, ngụ xã Nghĩa An, cho biết cách đây 5 năm, cảng Nghĩa An là một trong những cảng thu hút tàu thuyền đông nhất Quảng Ngãi, mỗi ngày có gần 100 tàu đánh bắt xa bờ trở về, cảnh mua bán, làm cá hết sức tấp nập.

"Bây giờ, hầu như không có tàu lớn cập bờ nữa, chỉ còn vài ghe nhỏ ra vào. Những lao động gắn bó với công việc cân cá, làm đá hàng chục năm qua như tụi tôi giờ không biết làm gì để nuôi gia đình. Nhiều người đi phụ hồ, làm đủ mọi việc kiếm sống qua ngày" - ông Bảy nói.

Bà Võ Thị Lệ Thu, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, cho biết riêng xã này hiện đang thừa hàng chục ngàn lao động, đặc biệt phụ nữ. Nhiều người lâu nay quen với việc làm cá, thu mua cá cùng những công việc trên bờ gắn bó với nghề biển. Mấy năm qua, nghề biển ở Nghĩa An lỗ nặng, tàu thuyền không cập cảng khiến hàng chục ngàn lao động mất việc làm.

Tương tự, tại cảng cá Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn - cảng lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi) những năm trước tàu thuyền xa bờ phải xếp hàng đợi cập cảng để bán hải sản. Trong vài năm qua, tàu thuyền về cảng giảm rõ rệt. "Hiện trung bình mỗi ngày ở đây chỉ có trên dưới vài chục lượt tàu xa bờ cập cảng, còn lại chủ yếu các tàu đánh bắt gần bờ. Vì tàu về đây ít nên nhiều cơ sở nước đá, xăng dầu cũng suy giảm theo, nhiều lao động gắn bó với nghề biển lâu nay cũng đi làm việc khác hết" - một cán bộ quản lý cảng Sa Kỳ cho biết.

Hạ tầng không bảo đảm

Ngư dân Nguyễn Thành Chung, chủ 3 tàu đánh bắt xa bờ ở xã Nghĩa An, cho biết nguyên nhân khiến đội tàu của ông mỗi lần đánh bắt xong không về các cảng ở Quảng Ngãi vì đa phần các cảng ở đây khi tàu lớn cập vào rất khó khăn, dễ xảy ra va đập mạnh khiến tàu hư hỏng, luồng lạch để tàu vào cảng chật hẹp, lại quá cạn, dễ xảy ra tai nạn khi tàu cá đi vào. Hơn nữa, các cơ sở phục vụ cho việc duy tu, sửa chữa tàu khá thô sơ, không bảo đảm.

"Tôi cũng muốn đưa tàu về Quảng Ngãi cập cho gần nhà nhưng xét về kinh tế, việc cập vào các cảng Quảng Ngãi không đem lại hiệu quả so với cập cảng ở Đà Nẵng, Bình Định nên mấy năm qua tàu tôi đánh bắt trở về đều cập ở Đà Nẵng hoặc Bình Định, Nha Trang hết" - anh Chung nói.

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), cho biết ngoài việc các cảng cá Quảng Ngãi không bảo đảm, phần lớn các tàu đánh bắt xa bờ cập về các nơi khác vì thương lái ở các nơi thu mua hải sản đều có giá cao hơn so Quảng Ngãi.

"Như ở Nha Trang, có hàng chục cơ sở chế biến, thu mua hải sản nên thương lái tranh nhau thu mua. Còn về Quảng Ngãi, ngư dân chủ yếu bán lại cho một vài đầu nậu nên thường bị ép giá. Bởi vậy, xã Bình Châu có hàng ngàn tàu thuyền đi Hoàng Sa, Trường Sa nhưng khi đánh bắt trở về, họ đều cập vào Nha Trang bán cá, vừa được giá cao, vừa gần hơn so với về Quảng Ngãi. Việc sửa chữa, bảo dưỡng tàu thuyền cũng thuận lợi hơn" - ông Hùng cho biết.

Ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, nhìn nhận phần lớn các cảng cá ở Quảng Ngãi hiện không đáp ứng được nhu cầu tàu thuyền.

"Quảng Ngãi có lợi thế đội tàu đánh bắt xa bờ lớn, sản lượng khai thác hằng năm đứng tốp đầu cả nước. Nhưng lợi thế đó thì Quảng Ngãi chưa phát huy được. Muốn phát huy tối đa lợi thế này, tỉnh cần đầu tư, nâng cấp hạ tầng các cảng, có chính sách phát triển các cơ sở hậu cần nghề cá, khai thác gắn với chế biến... Như vậy mới thu hút được tàu đánh bắt trở về" - ông Tô nói.

Kiến nghị nâng cấp 4 cảng cá

Theo ông Dương Văn Tô, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản kiến nghị cấp trên các biện pháp khắc phục, bố trí nguồn kinh phí khoảng 42 tỉ đồng đầu tư, nâng cấp 4 cảng cá gồm Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ, Sa Huỳnh và cảng cá Mỹ Á nhằm thu hút tàu thuyền về Quảng Ngãi; vừa đáp ứng đủ tiêu chí cảng loại 1, loại 2 theo quy định của Bộ NN-PTNT, góp phần gỡ "thẻ vàng" của Liên minh châu Âu (EU) áp dụng đối với thủy sản Việt Nam.

Bài và ảnh: Tử Trực

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/mien-trung-tay-nguyen/tau-ca-quang-ngai-che-cang-nha-20200107201806094.htm