Tàu cao tốc ra Lý Sơn hàng chục tỉ đồng thành đống sắt hoen gỉ
Các con tàu cao tốc chở khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn được đầu tư hàng chục tỉ đồng, nay bị bỏ hoang, nằm hoen gỉ…Thậm chí, chìm trong nước biển.
Lý Sơn – huyện đảo nằm về phía đông bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý. Để đến được đảo, di chuyển bằng tàu ra đảo là con đường duy nhất.
"Vụt sáng" trong vỏn vẹn vài năm
17 năm trước, để di chuyển từ đất liền ra đảo Lý Sơn và ngược lại, người ta phải đi bằng các tàu chở khách vỏ gỗ được hoán cải từ các tàu đánh cá. Thời điểm đó, thời gian để đi từ hai điểm phải mất đến 3 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, có thời điểm, 2 – 3 ngày mới có một chuyến tàu.

Đảo Lý Sơn nhìn từ trên cao.
Đến năm 2014, hạ tầng đảo Lý Sơn được phát triển, nhu cầu di chuyển ra Lý Sơn cũng tăng cao đáng kể. Một số tổ chức và cá nhân ở Lý Sơn đã tiến hành đầu tư tiền tỉ, mua tàu vận tải vỏ sắt hiện đại nhằm thay thế tàu gỗ để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch.

Những con tàu cao tốc ra đời giúp rút ngắn thời gian di chuyển xuống còn 60 phút/ chuyến.
Các con tàu vận tải tiền tỉ này đã giúp rút ngắn thời gian từ đất liền ra đảo chỉ còn 60 phút/ chuyến. Thế nhưng, “tấn bi kịch” bắt đầu từ đây.
Chỉ vài năm sau, sự xuất hiện của tàu siêu tốc đã chính thức gieo gánh nặng cho đội tàu cao tốc đang hoạt động. Tàu siêu tốc rút ngắn thời gian di chuyển xuống còn 45 phút/ chuyến làm hành khách bắt đầu chuyển hướng.

Các tàu siêu tốc đã rút ngắn hành trình xuống còn 45 phút/ chuyến.
Từ “ngôi sao vụt sáng”, giờ những con tàu cao tốc lại trở thành gánh nặng. Các chủ tàu rao bán nhưng không ai mua, nếu mua chỉ với giá “sắt vụn”. Những con tàu hàng chục tỉ đồng giờ neo đậu nhiều năm rồi hoen gỉ, hỏng dần.

Những con tàu cao tốc không thể cạnh tranh lại tàu siêu tốc đành nằm bờ nhiều năm qua.
Ông Nguyễn Hồng Danh (ngụ huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) – một trong những người tiên phong đầu tư tàu cao tốc tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn vẫn tiếc nuối quãng thời gian hoàng kim của tàu cao tốc.
“Khi đó, khách đến Lý Sơn càng nhiều, tàu chạy liên tục, chuyến nào cũng kín chỗ. Thấy vậy nên nhiều người bắt đầu nhảy vào, đầu tư tàu hiện đại hơn. Người đi sau làm tàu nhanh hơn, êm hơn… khách chê tàu tôi. Gồng lỗ thêm thời gian thì tôi bán tàu”, ông Danh nhớ lại.

Tàu hoen gỉ, xuống cấp.
Tương tự, ông Trần Đình Xem (chủ tàu cao tốc ở Lý Sơn) cũng đầu tư con tàu gần 16 tỉ đồng nhưng hoạt động được 2 năm thì bị cạnh tranh, “đắp chiếu” 7 năm qua.
“Chúng tôi không thể cạnh tranh với tàu siêu tốc. Càng chạy càng lỗ nên cho tàu nằm bờ nhiều năm qua. Nhiều lần rao bán, khách cũng đến xem rồi bỏ đi”, ông Xem thở dài.
Hư hỏng, chìm trong nước biển
Các tàu cao tốc sau khi bị tàu siêu tốc cạnh tranh và đẩy khỏi cuộc chơi vận chuyển Sa Kỳ - Lý Sơn thì nằm bờ trong các vũng neo đậu ở Lý Sơn.

Các tàu cao tốc neo đậu trong âu thuyền Lý Sơn nhiều năm qua.
Tại vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn, hiện có 3 tàu cao tốc không còn hoạt động neo lại. Các tàu này trong tình trạng hoen gỉ, hư hỏng. Trong số này, tàu Hoàng Sa 3 thậm chí trong tình trạng chìm trong nước biển. Con tàu này hiện đã hư hỏng trầm trọng, phần đuôi vỡ, đầu thì chìm trong nước.

Tàu Hoàng Sa 3 đã chìm trong nước biển.
Một số tàu cao tốc khác được neo trong vũng cũng đang đối mặt với tình trạng xuống cấp, hư hỏng. Từng là cả cơ nghiệp giá trị hơn chục tỉ đồng, nay lại nằm bờ vì không cạnh tranh lại tàu siêu tốc.

Cơ nghiệp hơn chục tỉ đồng giờ thành đống sắt hoen gỉ, bán không ai mua.
Năm 2023, UBND huyện Lý Sơn đã có công văn yêu cầu chủ tàu Hoàng Sa 3 có phương án trục vớt. Nếu không, UBND huyện sẽ xử lý theo quy định. Tuy nhiên kể từ đó đến nay, số phận con tàu vẫn “vật vờ” ở vũng neo đậu tàu thuyền.

Hầu như con tàu đã hư hại nhiều phần.
Bà Phạm Thị Hương, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết, nguyên nhân tàu cao tốc nằm bờ ngoài do không cạnh tranh được thời gian di chuyển. Do đợt kinh tế khó khăn, khách du lịch Lý Sơn giảm mạnh vài năm trước. Các tàu đều lâm vào cảnh ế khách.
"Chính quyền địa phương chia sẻ khó khăn với các chủ tàu cao tốc đang ngưng hoạt động. Tuy nhiên một số tàu bị hư hỏng nặng nên cần phải trục vớt, xử lý để tránh bị ô nhiễm môi trường và cản trở tàu cá ra vào vũng neo đậu", bà Hương nói.
Theo Ban Quản lý cảng và cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ngãi, hiện có 4 tàu chở khách tham gia tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và chiều ngược. Trung bình mỗi tàu có thể chở khoảng 152 khách/lượt. Tuy số tàu được đầu tư hiện đại nhưng lượng khách đi lại vẫn không tăng.