Tàu cao tốc TP HCM - Côn Đảo không thể mất đà

Để tiệm cận kỳ vọng phát triển giao thông thủy, những đáng tiếc trong công tác tổ chức chuyến ra khơi đầu tiên của tàu cao tốc TP HCM - Côn Đảo không nên và không được phép tái diễn

Sau chuyến tàu đầu tiên ngày 16-5, tàu cao tốc Thăng Long từ Côn Đảo về TP HCM bị nhiều hành khách phản ứng.

Thừa nhận và khắc phục

Theo đó, hành khách thể hiện sự bức xúc, mệt mỏi vì số xe trung chuyển ít, họ phải chen chúc lên xe hoặc phải chờ rất lâu mới có phương tiện đưa về lại trung tâm TP HCM.

Ông Vũ Văn Khương, Tổng Giám đốc Công ty CP Tàu cao tốc Thăng Long, thừa nhận do ít kinh nghiệm trên lĩnh vực trung chuyển đường bộ nên chuyến đầu tiên thực hiện trung chuyển khách bằng phương tiện 45 chỗ gặp trục trặc, hành khách chưa được hướng dẫn đăng ký một cách kỹ càng.

Theo ông Khương, là đơn vị chuyên kinh doanh vận tải hành khách đường thủy, doanh nghiệp mong muốn mang đến những trải nghiệm tốt nhất cho mọi người trên hải trình mới này. Sau sự việc trên, phía công ty đã thông báo với tất cả đại lý khi bán vé phải hỏi rõ khách có đăng ký đi xe trung chuyển không để có công tác bố trí giờ giấc, địa điểm xe đón một cách tốt nhất.

Đến nay, tàu cao tốc Thăng Long thực hiện nhiều chuyến đưa du khách ra Côn Đảo và về lại TP HCM

Đến nay, tàu cao tốc Thăng Long thực hiện nhiều chuyến đưa du khách ra Côn Đảo và về lại TP HCM

Đến hiện tại, doanh nghiệp đã làm việc với Sở Giao thông Vận tải TP HCM, đề xuất sở hỗ trợ kết nối đơn vị xe trung chuyển chuyên nghiệp cũng như đề nghị hãng taxi Xanh SM đưa xe đến cảng vận chuyển khách.

"Hiện nay, mỗi chuyến tàu có 2 xe trung chuyển đón khách tại Công viên 23-9 và phục vụ miễn phí đến hết ngày 31-5-2024. Sau thời gian này, chúng tôi tính phí trung chuyển nếu hành khách có nhu cầu. Ngoài xe trung chuyển 45 chỗ, hành khách đi tự túc có thể đón taxi Xanh SM đậu tại cảng với giá ưu đãi" - tổng giám đốc Công ty CP Tàu cao tốc Thăng Long thông tin.

Tạo thuận lợi hơn

Ông Hà Thanh Sơn, Trưởng Phòng Quản lý giao thông thủy (Sở Giao thông Vận tải - GTVT - TP HCM), cho biết tuyến tàu cao tốc TP HCM đi Côn Đảo đi vào hoạt động góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, tạo thêm trải nghiệm mới cho du khách đến tham quan, du lịch tại vùng đất giàu truyền thống cách mạng.

Với giá vé từ 615.000 đồng đến 1,1 triệu đồng/lượt, mềm hơn giá vé máy bay, nếu phục vụ tốt, tàu cao tốc Thăng Long sẽ tạo thêm lựa chọn, đáp ứng nhu cầu của du khách từ TP HCM tới Côn Đảo.

Sau chuyến đầu tiên, hành khách phản ánh về việc thiếu xe trung chuyển từ cảng về trung tâm TP, Sở GTVT đã họp với hãng tàu và các bên liên quan để cùng nhau có phương án tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách đi tàu.

Sở GTVT đã giao Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng hướng dẫn Công ty CP Tàu cao tốc Phú Quốc phối hợp Công ty CP Xe khách Phương Trang có phương án trung chuyển hành khách từ Công viên 23-9 đến cảng Sài Gòn - Hiệp Phước với mức phí phù hợp. Ngoài ra, tại bến cảng cũng có taxi Xanh SM phục vụ khách đi tự túc, các hãng taxi khác cũng có thể vào cảng đón khách.

Đối với mức thu phí các ô tô vào cảng, Công ty CP Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước thống nhất hỗ trợ giảm 50% giá dịch vụ ra vào cảng trong 3 tháng đầu hoạt động, gồm tháng 5, 6 và 7-2024

Ông Sơn cũng thông tin ngoài giá vé đi tàu, hành khách trả phí ra vào cảng là 35.000 đồng/lượt và phí giữ ô tô, xe máy (nếu có), đây là mức thu theo quy định của chủ cảng.

Để hỗ trợ khách tiếp cận tàu thuận tiện, Công ty CP Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước bố trí xe điện 20 chỗ trung chuyển hành khách từ cổng cảng vào cầu tàu, cách khoảng 800 m, ưu tiên người cao tuổi và trẻ em. Riêng phương tiện trung chuyển 45 chỗ xuất phát từ Công viên 23-9 sẽ được chạy thẳng từ cổng cảng vào cầu tàu để hành khách không phải vất vả khuân vác hành lý.

Chia sẻ về trải nghiệm đi tàu, chị Nguyễn Thanh Lý (quận 3) cho biết sau nhiều tháng chờ đợi, ngày 19-5 chị cùng con gái có chuyến du lịch bằng tàu cao tốc đến Côn Đảo.

Khi đặt vé qua đại lý, chị Lý được nhân viên hỏi có đăng ký đi xe trung chuyển tại Công viên 23-9 không và nhân viên hướng dẫn kỹ thời gian có mặt tại công viên để đi xe trung chuyển. "Thông tin đầy đủ nên đúng 5 giờ, mẹ con tôi có mặt tại công viên di chuyển đến cảng Sài Gòn - Hiệp Phước. Tại đây, chúng tôi đóng thêm phí hành khách ra vào cảng là 35.000 đồng/lượt. Tại cảng chúng tôi chờ đến 7 giờ 5 phút thì tàu xuất bến" - chị Lý nói, đồng thời cho biết thêm tâm trạng của bản thân từ đầu tới cuối chuyến đi khá tích cực.

Khép kín giao thông thủy

Ngoài tuyến cao tốc TP HCM - Côn Đảo và ngược lại, TP HCM có nhiều sản phẩm vận tải hành khách bằng đường thủy được đầu tư theo hình thức xã hội hóa như tuyến buýt đường thủy số 1, phà Cần Giờ - Vũng Tàu, phà Cần Giờ - Cần Giuộc.

Những chuyến tàu gần đây đã không còn cảnh nhốn nháo tại cảng Sài Gòn - Hiệp Phước

Dự kiến đến cuối năm 2024, thành phố sẽ khôi phục tuyến vận tải hành khách Vũng Tàu - Bến Tre - Mỹ Tho và mở tuyến phà biển Cần Giờ đi thị trấn Vàm Láng, Gò Công Đông. Khi có tuyến phà biển này, huyện Cần Giờ kết nối khép kín với TP HCM thông qua phà Bình Khánh, với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (phà Cần Giờ - Vũng Tàu), tỉnh Long An (phà Cần Giờ - Cần Giuộc)...

Bài và ảnh: THU HỒNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tau-cao-toc-tp-hcm-con-dao-khong-the-mat-da-196240521211219981.htm