Tàu Cát Linh - Hà Đông dùng hành khách diễn tập sự cố
Việc đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông để hành khách đi tàu tham gia diễn tập mà không hề báo trước là có nguy cơ lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của họ.
Liên quan đến sự cố diễn tập đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông hôm 7/12 mà không thông báo trước cho hành khách, trao đổi với VietNamNet, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) Vũ Hồng Trường cho biết, đây chỉ là một sự cố diễn tập theo kịch bản, Metro Hà Nội cũng không được báo trước.
"Khi sự cố diễn ra trên tàu có thông báo cho hành khách, nếu có nhu cầu di chuyển sẽ được chuyển sang xe buýt trung chuyển", ông Trường nói.
Giám đốc Metro Hà Nội thông tin thêm, trong vận hành hệ thống Metro Cát Linh - Hà Đông có 166 quy trình, trong đó bao gồm 63 tình huống khẩn cấp. Tất cả các tình huống này từng xảy ra đối với các tuyến metro trên thế giới.
63 tình huống khẩn cấp đã được Bộ GTVT phê duyệt theo khuyến cáo của ACT.
Về việc này, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, việc sắp tới tuyến metro Cát Linh - Hà Đông sẽ có thêm những tình huống diễn tập sự cố bất ngờ, không báo trước cho hành khách, như vậy thật quá nguy hiểm.
Ông Bình khẳng định, không thể lấy tính mạng của người dân ra để diễn tập được. Cũng như việc người dân mong muốn được đi một đoạn đường được thuận lợi, an toàn, nhanh chóng vì họ còn có nhiều việc khác chứ không phải để diễn tập.
Việc để hành khách tham gia diễn tập mà không hề báo trước đối với tàu đường sắt đô thị có nguy cơ rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại, công việc, tinh thần, sức khỏe và thậm chí là tính mạng của hành khách.
“Đây có thể coi là hành vi đưa người dân vào thử nghiệm tình huống mà họ bị động. Nếu diễn tập thì phải thông báo trước để người dân lựa chọn đồng ý hay không tham gia. Trong trường hợp không báo trước, gây ra thiệt hại, tổn thất về tinh thần, vật chất, tài sản hoặc tính mạng cho người dân thì đơn vị đứng ra tổ chức diễn tập sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm”, Luật sư Diệp Năng Bình nói.
Theo trưởng VPLS Tinh Thông Luật , trong một số lĩnh vực, pháp luật có những quy định về việc diễn tập để ứng phó với nguy cơ sự cố, tai nạn xảy ra. Ví dụ như việc diễn tập cấp cứu trong hoạt động y tế, hay phòng cháy, chữa cháy, đều phải dựa trên các quy định rất cụ thể về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, cách thức triển khai theo phương án được phê duyệt và đặc biệt là những việc ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và sinh hoạt của người dân thì luôn phải được thông báo trước.
Hiện tại chưa thấy quy định nào trong Luật Đường sắt năm 2017 cũng như các Nghị định, Thông tư đề cập đến việc diễn tập mà "diễn viên" là những hành khách khi họ chưa đồng ý tham gia.
Còn tại khoản 2, Điều 41 về "Điều hành giao thông vận tải đường sắt", Thông tư số 3/2018 "Quy định về giải quyết sự cố, tai nạn giao thông đường sắt và phân tích, thống kê báo cáo về sự cố, tai nạn giao thông đường sắt", có 43 điều nhưng cũng không có bất cứ quy định nào về diễn tập hay thử nghiệm, mà chỉ có quy định về việc điều hành giao thông vận tải đường sắt có nội dung "Chỉ huy xử lý các sự cố khẩn cấp hoặc bất thường xảy ra trên đường sắt".
Do đó, kể cả trường hợp cần phải diễn tập thì cũng không được phép tiến hành mà không dựa trên quy định của luật và không có thông báo trước cho hành khách.
Khi diễn tập cần phải tuyển tình nguyện viên để làm việc đó, chứ không thể có việc coi thường sức khỏe, tính mạng của người dân, trong đó bao gồm cả bệnh nhân, người già yếu, trẻ em, phụ nữ có thai, người khuyết tật đang đi trên tuyến.
Do đó, việc diễn tập như vừa xảy ra cần phải được dừng lại để giải quyết khắc phục lỗi về pháp lý trước khi xảy ra lỗi trên hiện trường dẫn đến hậu quả đáng tiếc.