Tàu chiến Đức đi qua Biển Đông: 'Đòn gió' hay chiến lược?

Việc Đức đưa tàu chiến vào Biển Đông không hướng tới thể hiện quan điểm mới với tranh chấp lãnh thổ hay tác động tới sự ổn định của khu vực.

Tuần vừa qua, truyền thông quốc tế đưa tin Đức sẽ đưa tàu tuần dương tới Biển Đông trong hải trình tới châu Á vào tháng 8/2021.

Một ngày sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có phản ứng mạnh trước thông tin này, cho rằng việc đi lại này không nên được coi là “cái cớ” để làm suy yếu chủ quyền và an ninh các quốc gia ven biển.

Trước đó, Bộ Quốc phòng nước này nhấn mạnh sẽ phản đối bất cứ quốc gia nào lấy lý do tự do hàng hải để “can thiệp vào các vấn đề khu vực” và làm ảnh hưởng tới lợi ích chung các quốc gia khu vực. Tuy nhiên, liệu nhận định này có chính xác?

Tàu tuần dương của Đức trong một cuộc tập trận tại khu vực Rostock, biển Baltic tháng 11/2019. (Nguồn: Reuters)

Tàu tuần dương của Đức trong một cuộc tập trận tại khu vực Rostock, biển Baltic tháng 11/2019. (Nguồn: Reuters)

Duy trì sự trung lập

Công hàm mới nhất của Anh, Đức và Pháp gửi Liên hợp quốc tháng 9/2020 đã nêu rõ Đức không tỏ rõ lập trường về tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.

Điều này từng được đề cập trong tuyên bố của Liên minh châu Âu (EU) sau phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực năm 2016. Chưa có gì cho thấy hành động tới của Đức thể hiện sự thay đổi lập trường trong vấn đề này.

Đầu tiên, theo nguồn tin chính thức, tàu chiến Đức sẽ không đi qua khu vực 12 hải lý của bất cứ thực thể nào trên Biển Đông và chỉ thực hiện quyền tự do hàng hải trong hải phận quốc tế.

Mục tiêu của chuyến đi là củng cố tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và không nhằm thách thức bất kỳ tuyên bố chủ quyền nào.

Thứ hai, theo lịch trình, tàu chiến Đức sẽ không dự bất kỳ cuộc tập trận nào và được cho sẽ thăm cảng ở Australia, tuần tra ở bán đảo Triều Tiên, thăm Nhật Bản, Singapore trước khi đi qua Biển Đông để về Đức. Do đó, khó có thể nói rằng Biển Đông là điểm nhấn trong chuyến hải trình này.

Theo nguồn tin chính thức, tàu chiến Đức sẽ không đi qua khu vực 12 hải lý của bất cứ thực thể nào trên Biển Đông và chỉ thực hiện quyền tự do hàng hải trong hải phận quốc tế.

Thứ ba, hoạt động của Đức có quy mô nhỏ hơn đáng kể so với hoạt động và kế hoạch triển khai lực lượng trong khu vực của hai nước còn lại trong nhóm “bộ tam châu Âu” (E3) là Anh và Pháp.

Paris không còn xa lạ với khu vực này. Hồi tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly tuyên bố hai tàu nước này, trong đó có một tàu ngầm hạt nhân, đã tiến hành tuần tra hàng hải trên Biển Đông không báo trước. Ít lâu sau, tàu tuần dương Pháp Prairial đã tập trận chung với tàu Mỹ và Nhật Bản tại khu vực.

Paris cũng cho biết sẽ điều tàu tấn công đổ bộ Tonnerre và tàu tuần dương Surcouf tới Biển Đông hai lần trong khuôn khổ nhiệm vụ thường niên Jeanne d’Arc, từng được triển khai tại đây giai đoạn 2015-2017.

Mới đây, Anh tuyên bố sẽ triển khai tàu sân bay mới nhất, HMS Queen Elizabeth tới Biển Đông quý I/2021, đồng thời dự kiến công bố chiến lược quốc phòng-ngoại giao tổng thể tập trung vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào giữa tháng 3.

Trước đó, năm 2018, Anh từng nhiều lần thách thức yêu sách chủ quyền phi lý tại quần đảo Hoàng Sa khi cử tàu đổ bộ HMS Albion thực hiện quyền tự do hàng hải. London cũng từng hợp tác với Paris tuần tra tại khu vực đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa.

Tính tới nay, Anh đã cử 5 tàu chiến thực hiện các hoạt động tương tự trên Biển Đông.

Không như Anh hay Pháp, Đức không sở hữu lãnh thổ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, khiến sự hiện diện của tàu chiến nước này tại đây rõ ràng không mang tính khiêu khích như lời Trung Quốc nói. Paris có lãnh thổ tại vùng Ấn Độ Dương (New Caledonia, Wallis-and-Futuna, Polynesia và Clipperton), còn London duy trì sự giám sát với phần lãnh thổ Anh tại Ấn Độ Dương và nhóm quần đảo Pitcairn. Đó là còn chưa kể tới Australia, một thành viên tích cực của Khối Thịnh vượng cùng liên kết chặt chẽ với Anh.

Lần cuối tàu Đức tới khu vực này là năm 2002, trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản. Với chuyến hải trình dự kiến diễn ra vào tháng 8, Đức là quốc gia cuối cùng trong nhóm E3 có hiện diện quân sự tại đây sau khi công bố tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ có chuyến hải trình tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm nay. (Nguồn: Flickr)

Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ có chuyến hải trình tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong năm nay. (Nguồn: Flickr)

Tính toán kỹ càng

Thứ tư, Berlin thường dành nhiều thời gian cân nhắc kế hoạch triển khai hải quân tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và lần này không phải là ngoại lệ.

Năm 2019, có tin tức cho rằng tàu Đức có thể đi qua eo biển Đài Loan hoặc thực hiện quyền tự do hàng hải trên Biển Đông, song điều này đã không xảy ra.

Năm ngoái, Đức được cho là đã nhiều lần thảo luận với Nhật Bản về triển khai lực lượng tại khu vực, song cả hai bên đều không xác nhận thông tin này.

Theo một số nguồn tin, cho tới tận tháng 2/2021, giới hoạch định chính sách của Đức vẫn còn bất đồng về chuyến hải trình sắp tới, với quan ngại về vấn đề phát sinh khi di chuyển ở khu vực Biển Đông.

“Chiến lược” Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, hay chính xác hơn là “hướng dẫn chính sách” của Đức cũng phản ánh cách tiếp cận thận trọng này.

Cụ thể, văn bản này đề cập “hàng loạt tranh chấp biên giới”, “nguy cơ bá quyền”, “cạnh tranh công bằng” trong khi phát triển các kết nối và “quan hệ gần gũi với các nền dân chủ”.

Berlin thường dành nhiều thời gian cân nhắc kế hoạch triển khai hải quân tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và lần này không phải là ngoại lệ.

Trong lĩnh vực an ninh, văn bản này chỉ đề cập các mục tiêu chung chung như “bảo vệ” nguyên tắc của UNCLOS, mở rộng hợp tác và đối thoại quốc phòng, giải thích về “các hình thức hiện diện trên biển” với ngôn ngữ tích cực, không mang tính đối địch.

Vấn đề “chủ quyền” không được đề cập, dù Đức sẽ cân nhắc tham gia tập trận với một số đối tác.

Trong khi đó, Pháp, quốc gia duy nhất trong E3 với văn bản có trọng tâm về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trực tiếp đề cập “ảnh hưởng ngày một lớn”, “tham vọng” của Trung Quốc và nhận định Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh là “thách thức ngày càng lớn”.

Khi ấy, Pháp, với tư cách “cường quốc biển hàng đầu”, cần “phản đối tham vọng đơn phương” và tiến hành tập trận và hoạt động can thiệp, triển khai các chiến dịch quân sự chuyên biệt…

Thêm vào đó, tầm nhìn của Pháp không chỉ hướng về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Pháp, mà còn của toàn khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Paris sẽ đóng góp vào “duy trì chủ quyền các quốc gia khu vực”. Lời lẽ này là khác hẳn so với cách tiếp cận của Berlin.

Suy cho cùng, hải trình sắp tới của tàu Đức tới Biển Đông đã được tính toán kỹ càng, phù hợp với lập trường trung lập truyền thống của nước này trong các tranh chấp lãnh thổ.

Qua đó, nó hướng tới củng cố nguyên tắc về đi lại trên biển phù hợp với luật pháp quốc tế, thay vì làm suy yếu tuyên bố chủ quyền của các quốc gia hay sự ổn định của khu vực như phía Trung Quốc từng nhấn mạnh.

(theo Maritime Issues)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tau-chien-duc-di-qua-bien-dong-don-gio-hay-chien-luoc-139133.html