Tàu chiến hải quân Nga: Kích cỡ trung bình, vũ khí cực mạnh
Mặc dù hải quân Nga chưa hề đóng mới tàu khu trục hay tuần dương hạm nào kể từ sau thời Liên Xô, họ đã cho ra lò một loạt khinh hạm theo chương trình đầy tham vọng mang tên lớp tàu chiến Đô đốc Gorshkov.
Khinh hạm là các tàu chiến từ 3.000 đến dưới 7.000 tấn, nhỏ hơn so với các tàu khu trục thường trên 7.000 tấn và tàu tuần dương, thường trên 10.000 tấn. Cá biệt có tàu khu trục lớp Type 055 của Trung Quốc gần 12.000 tấn, lớn nhất trong số các tàu khu trục thế giới.
Bổ trợ lớp tàu nguyên thủy thuộc dự án lớp 22350 Gorshkov , hải quân Nga đang lên kế hoach biên chế một lớp khinh hạm hạng nặng gần đạt mức 7.000 tấn, cũng được gọi là lớp Gorshkov. Các tàu Gorshkov đời đầu triển khai 72 ống phóng thẳng đứng cho cả tên lửa đất đối không và tên lửa hành trình.
Còn tàu đời mới có thể triển khai 120 ống phóng thẳng đứng. Đây là con số rất “khủng” bởi tàu khu trục chủ lực hiện đại nhất của hải quân Mỹ hiện nay là các tàu lớp Arleigh Burke tuy có trọng lượng lớn hơn nhưng chỉ có thể triển khai 90-96 ống phóng, tùy biến thể.
Như vậy, các khinh hạm mới của Nga, dù lượng choán nước chỉ ở mức dưới tàu khu trục, nhưng sẽ là một trong các tàu chiến mặt nước trang bị vũ khí khủng nhất thế giới, có thể sánh ngang với tuần dương hạm lớp Ticonderoga của Mỹ với 122 ống phóng, hay ngang với chính tàu tuần dương lớp Kirov của Nga, dù cả hai tàu đề cập sau đều to lớn hơn rất nhiều: tàu Ticonderoga là tuần dương hạm nặng nhất của hải quân Mỹ và phương Tây, với lượng choán nước hơn 10.000 tấn nhưng chỉ hơn tàu Gorshkov 1,7% về số ống phóng. Khinh hạm mới của hải quân Nga còn có thể mang theo 2 trực thăng Ka-27, được trang bị các cảm biến hiệu năng cao hơn các tàu Gorshkov đời đầu.
Tất nhiên tàu nhỏ vẫn có các điểm yếu cố hữu của tàu nhỏ. Dù hỏa lực ngang ngửa tàu chiến mặt nước lớn nhất của Mỹ, khinh hạm của Nga có dự trữ hành trình, tức thời gian đi biển ngắn hơn nên không phù hợp các chiến dịch triển khai hỏa lực tầm xa.
Nhưng đó là điểm yếu phù hợp với chiến lược của hải quân Nga, không giống Mỹ cần triển khai sức mạnh toàn cầu.
Hơn nữa, tuần dương hạm và khu trục hạm Mỹ được trang bị các biến thể mới của tên lửa Harpoon, tốc độ cận âm Mach 0,8, tầm bắn 350km. Trong khi đó, các phiên bản tên lửa chống hạm đời trước của Nga là P-800 và Kalibr, mang theo đầu đạn nặng gấp đôi Harpoon, tầm bắn, tốc độ và độ cơ động đều cao hơn tên lửa Mỹ. Đó là chưa kể các tên lửa siêu thanh Zircon từ cuối năm 2019 đã bắt đầu đượcc trang bị cho các tàu chiến hải quân Nga có uy lực cực lớn.